Thư viện trong các trường ĐH không còn “mang tiếng” là nơi dành cho các “mọt sách” đến “mài đũng quần” mà ngày càng trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều SV. Thậm chí vào mùa thi, SV phải xếp hàng từ 6h sáng mới mong có được một chỗ trong thư viện để học bài.
Thư viện “hút” SV
5h chiều 6/11, vội vã bước ra khỏi cửa thư viện Tạ Quang Bửu trong khuôn viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Hoàng Văn Thái, SV khoa Công nghệ Hoá học cho biết Thái đã “mài đũng quần” ở đây 3 tiếng liền, bây giờ về nhà ăn cơm rồi quay lại thư viện học tiếp.
Các cô thủ thư ở thư viện Tạ Quang Bửu chắc hẳn đều “nhẵn mặt” Thái vì cậu SV này ngày nào cũng “cắm chốt” ở đây, ít nhất là 3 tiếng, nhiều hôm ngồi tới tận 21h mới chịu đứng dậy đi về.
Hoàng Văn Thái cho biết: “Em không phải cá biệt đâu, lớp em nhiều bạn thích lên thư viện lắm. Mỗi ngày em gặp ít nhất 1/3 lớp trên này.”
2 phòng đọc nhỏ và 2 phòng đọc lớn của thư viện lúc nào cũng chật người, đặc biệt vào kỳ thi thì luôn quá tải.
Tương tự, Phòng phục vụ bạn đọc của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (thuộc thư viện ĐHQG Hà Nội) cũng là điểm đến quen thuộc của rất nhiều SV.
Theo số liệu thống kê của Thư viện ĐHQG Hà Nội thì lượt tài liệu được SV mượn năm học 2007-2008 lên tới gần 1,5 triệu, gần gấp đôi so với cách đó 3 năm.
Phương Mai, SV khoa Du lịch, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội) cho biết: “Lớp em lên thư viện nhiều lắm, đụng nhau “chan chát” trên đó, nhưng không phải đi thư viện theo kiểu phong trào đâu mà lên học và đọc thực sự.”
Ngọc, SV Khoa Báo chí bổ sung thêm: “Đến mùa thi thì xếp hàng không khác gì thời bao cấp. Thư viện mở cửa lúc 7h30 nhưng bọn em phải xếp hàng từ 6h sáng rồi. Nhiều bạn ngồi lỳ từ sáng đến đêm luôn nên người đến sau chẳng có cơ hội thế chỗ.”
Cũng chính vì nhu cầu gia tăng nhanh chóng, hiện nay thư viện các trường ĐH đều kéo dài thời gian mở cửa tới 21h hoặc 22h khuya để phục vụ SV.
Để tạo điều kiện cho SV thuộc các trường, khoa thành viên, ĐHQG Hà Nội còn cho phép SV được tới đọc tài liệu ở bất kỳ điểm phục vụ bạn đọc nào thuộc hệ thống thư viện trường.
Thư viện… kiểu “Tây”
Anh Thư, SV năm thứ 3 khoa Tiếng Anh, Trường ĐH Hà Nội rất hứng thú với kho tư liệu bằng tiếng Anh cực kỳ phong phú trong thư viện trường mình.
Bất cứ khi nào cần tư liệu cho bài tập của mình, Thư đều lên thư viện tìm. Từ văn học, lịch sử tới cả… tâm lý tội phạm lẫn hôn nhân đồng tính, sách nào cũng có, mà đều là sách nước ngoài rất đắt và hiếm.
Ngoài hai yếu tố truyền thống là môi trường học tập yên tĩnh và tài liệu tham khảo phong phú thì ngày càng có nhiều lý do khiến thư viện trở thành điểm đế lý tưởng của các SV.
TS. Nguyễn Huy Chương (GĐ Thư viện ĐHQG Hà Nội) lý giải: “Từ năm 2008, các trường đẩy mạnh đào tạo theo học chế tín chỉ, yêu cầu SV tự học, tự nghiên cứu rất nhiều. Giảng viên có vai trò dẫn dắt, giới thiệu tài liệu cho SV. Từ đó SV sẽ chủ động tìm tài liệu và tự học. Vì thế, số lượng SV lên thư viện tăng đáng kể.”
Nhiều SV thấy thư viện trường mình tuy nhỏ về quy mô nhưng ngày càng được tổ chức hiện đại khá giống với thư viện các trường ĐH ở nước ngoài mà mình thuờng thấy trên phim.
Phương Mai, SV Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, nguyên nhân chính khiến SV ngày càng bị “hút” tới thư viên là do những thay đổi về quy trình mượn sách theo hướng tiện lợi hơn trước.
SV không phải “lọ mọ” lục tìm tên sách trong các hộc tủ mà có thể tra cứu trên máy tính rất nhanh, lại biết được sách nào còn trong kho, sách nào đã hết. Trường còn dùng mã vạch thẻ, mã vạch sách nên mượn sách rất tiện, 10 cuốn giáo trình chỉ mất khoảng 1 phút.
TS Nguyễn Huy Chương cho biết thêm, trước kia sách cho mượn đọc tại chỗ thuộc kho đóng, SV phải xếp phiếu yêu cầu và chờ đợi khá lâu mới được mượn sách. Bên cạnh đó, chỉ nhìn vào tên sách mà chưa được xem nội dung nên có thể mượn chưa đúng quyển mình cần.
Ở nhiều trường, thư viện còn bố trí cả phòng học nhóm để SV lên trao đổi bài học.
Hiện nay, hầu hết các trường đều có phòng máy tính phục vụ cho việc truy cập và tìm tài liệu trên internet của SV. Các phòng này hầu như luôn kín chỗ bởi số lượng máy quá ít so với nhu cầu.
Một số thư viện lớn như thư viện Tạ Quang Bửu của Trường ĐH Bách khoa hay Thư viện ĐHQG còn có kho dữ liệu số, các CD-ROM, bài giảng điện tử… phục vụ SV. Tuy nhiên, do vốn ngoại ngữ còn hạn chế nên nhiều SV chưa tiếp cận được với kho dữ liệu bằng tiếng Anh dồi dào này.
Lan Hương (VNE)
Bình luận (0)