Kỳ 2: Viết cổ tích đời mình bằng đôi chân tật nguyền
Bị sốt bại liệt từ năm lên 1 tuổi đã khiến đôi chân teo tóp, người co rút lại nhưng Huỳnh Anh (sinh năm 1978) đã vượt qua thử thách và trở thành một tấm gương giàu nghị lực trong cuộc sống hôm nay.
“Hãy cứ yêu công việc”
Năm 2007, Huỳnh Anh xin vào làm thiết kế web cho một công ty. Lúc bấy giờ công ty nhận thiết kế trang web cho khách hàng mà trên trang web đó có nhiều gian hàng quảng bá sản phẩm, cho phép khách hàng giao dịch trực tuyến. Từ thực tế công việc và ý tưởng nung nấu từ bấy lâu, Huỳnh Anh nghĩ tại sao mình không thiết kế một trang web tương tự như vậy để quảng bá các sản phẩm của chính người khuyết tật làm ra? Đem chuyện bàn với chồng và được chồng đồng ý ngay. Chồng Huỳnh Anh đưa ra ý tưởng và Huỳnh Anh thi công dự án. Sau bảy tháng, trang web có cái tên khá dài www.sanphamcuanguoikhuyettat.com ra đời.
Huỳnh Anh từng thi đậu một lúc vào ba trường: ĐH KHTN TP.HCM, ĐH Kinh tế và ĐH Tin học và Ngoại ngữ. Song, vốn đam mê ngành hóa nhưng khi đi khảo sát thực tế, Huỳnh Anh thấy phòng thí nghiệm ở trường không thuận lợi với người khuyết tật nặng như mình. Còn với ĐH Kinh tế, Huỳnh Anh đi thi là để thử sức mình nên đã chọn học ngành tin học của Trường ĐH Tin học và Ngoại ngữ. “Ngày đầu tiên tôi đến trường ĐH, các thầy cô đều tận tình hướng dẫn, tôi rất cảm động. Mặc dù thời gian ấy không ít lời ra tiếng vào rằng học trường dân lập rất khó xin việc nhưng tôi mặc kệ, tôi chưa bao giờ hối tiếc vì mình chọn học trường này”, Huỳnh Anh nói.
Thời sinh viên, có một bạn nữ tình nguyện cõng Huỳnh Anh lên xuống cầu thang nhưng Huỳnh Anh từ chối, phần vì ngại, phần vì cảm thấy không cần thiết. Từ nhà đến trường khá xa (cầu chữ Y, quận 8) Huỳnh Anh đến trường bằng chiếc xe lắc tay. Huỳnh Anh tốt nghiệp với tấm bằng loại khá và chỉ sau khi tốt nghiệp năm ngày là có việc làm. Công việc đầu tiên mà Huỳnh Anh tiếp cận đó là trực điện thoại cho Công ty TNHH Thương mại Mêkông với mức lương khởi điểm 800 ngàn đồng. Nhờ vào tính siêng năng, luôn giúp đỡ mọi người và chịu khó học hỏi, Huỳnh Anh được các anh chị trong công ty tin tưởng, nhờ giúp một số việc khi cần. Huỳnh Anh làm tốt những công việc như sổ sách, chứng từ kế toán và chỉ sau một thời gian ngắn Huỳnh Anh được chuyển sang làm việc ở phòng kế toán. Sau ba năm làm việc ở Mêkông, Huỳnh Anh cảm thấy chán nản vì làm việc trái ngành. Sau đó xin về làm ở Bình Dương, dù mức lương thấp lại xa nhà nhưng Huỳnh Anh chấp nhận chỉ vì mong muốn được phổ biến kiến thức tin học cho học sinh và công nhân ở đây.
Huỳnh Anh kể lại: “Năm tôi học lớp 10 (Trường THPT Lê quý Đôn-PV), gia đình rơi vào bế tắc về kinh tế, tôi đã xin mẹ đi bán vé số để phụ giúp gia đình”. Thương con tật nguyền, yếu ớt nhưng không còn cách nào khác, gia đình đành phải để Huỳnh Anh vừa đi học vừa bán vé số.
Làm qua rất nhiều công việc, gần đây nhất Huỳnh Anh được nhận vào làm quản trị website cho Quận đoàn 1 với mức lương 1.800.000 đồng. Huỳnh Anh kể: “Rất tình cờ, qua tin nhắn spam với nội dung cần một người làm quản trị mạng, tôi lưu lại vì lúc đó đang sinh bé gái thứ 2. Sau đó, tôi gọi lại như để cầu may nhưng không ngờ được nhận vào làm”. Ở bất kỳ môi trường làm việc nào, Huỳnh Anh cũng chứng tỏ được mình. Huỳnh Anh chia sẻ: “Mình cứ yêu công việc rồi công việc sẽ yêu mình. Ở những nơi tôi đã làm việc, mọi người đều nhìn tôi qua kết quả công việc chứ không nhìn vào sự khuyết tật của tôi”.
Và ước mơ
Chồng của Huỳnh Anh, anh Phục Mậu cũng là người khuyết tật, nhỏ hơn Huỳnh Anh hai tuổi (sinh năm 1980). Anh Mậu bị bại não, tay chân lều khều nhưng vẫn làm được các công việc như đưa đón con đi học, chăm sóc, tắm rửa cho con và nấu nướng. “Lúc tôi tuyên bố lấy anh ấy, ai nghe cũng sợ vì nghĩ anh ấy không thể chăm sóc cho tôi nhưng anh ấy đã làm được nhiều việc khiến mọi người kinh ngạc, và chính tôi cũng phải sửng sốt nữa là”, Huỳnh Anh tâm sự.
Gia đình hai bên nghèo khó nên hai vợ chồng phải thuê nhà ở quận 5 với giá 700 ngàn đồng/tháng. Cuộc sống gia đình hiện nay rất khó khăn. Để giúp đỡ một phần khó khăn trong cuộc sống của gia đình Huỳnh Anh, một đơn vị đã hỗ trợ cho hai vợ chồng một gian hàng tạp hóa bán tại nhà, trị giá gian hàng khoảng mười triệu đồng. Người trông coi cửa hàng không ai khác đó là anh Mậu, tiền lãi trung bình cũng không quá 20 ngàn đồng/ngày. Và để trang trải cuộc sống, lo con cái ăn học Huỳnh Anh phải làm thêm nhiều việc như đánh máy vi tính, thiết kế web… “Thỉnh thoảng nhận tiền thưởng mình đều trích ra một phần và chia đôi phần đó cho mẹ ruột và mẹ chồng của mình”, Huỳnh Anh hãnh diện nói như vậy.
Việc đi lại của Huỳnh Anh trên đôi nạng gỗ rất khó khăn, tôi có cảm giác Huỳnh Anh mệt mỏi, nặng nề chỉ sau vài bước đi từ phòng làm việc sang phòng khách nhưng Huỳnh Anh luôn miệng bảo: “Mình thấy rất bình thường”. |
Trang web www.sanphamcuanguoikhuyettat.com của hai vợ chồng Huỳnh Anh-Phục Mậu dù mới ra đời chưa lâu nhưng đây là địa chỉ thân quen của các cơ sở nuôi, dạy nghề cho người khuyết tật và khách hàng trong và ngoài nước. Trang web hiện có trên 300 sản phẩm của 12 cơ sở sản xuất các mặt hàng do người khuyết tật làm ra. Trang web không cho phép khách hàng giao dịch online mà chỉ xem sản phẩm rồi giao dịch trực tiếp. Theo Huỳnh Anh: “Mục đích là để khách hàng đến tại cơ sở sản xuất vừa có nhiều cơ hội lựa chọn, vừa mở ra nhiều hướng giúp đỡ và có thể cộng tác với cơ sở để tìm đầu ra cho sản phẩm”. Theo đó, những sản phẩm trên trang web này đều phải do chính người khuyết tật làm ra và được đăng tải hoàn toàn miễn phí.
Ước mơ của Huỳnh Anh là làm sao để đưa những sản phẩm độc đáo của người khuyết tật ra nước ngoài hoặc được tham gia đấu giá sản phẩm ở một chương trình nào đó. Mặc dù cuộc sống gia đình còn nặng chuyện cơm áo gạo tiền nhưng Huỳnh Anh vẫn dành nhiều thời gian để xây dựng chương trình học bổng dành cho các em khuyết tật.
Trần Trọng Tri
Bình luận (0)