Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

TP.HCM: “Cấm cửa”… người ăn xin

Tạp Chí Giáo Dục

Người ăn xin tại khu vực trung tâm quận 1
Vừa qua, UBND TP.HCM đã có quyết định đưa người lang thang ăn xin vào các cơ sở xã hội và kêu gọi người dân không cho tiền người ăn xin. Có thể nói đây là một giải pháp hay và cần được thực hiện một cách quyết liệt.
Không thể du di mãi
“Làm ơn cho mẹ con tôi ít đồng về xe. Tôi bị giật túi xách, mất hết tiền rồi” – người phụ nữ khoảng 35 tuổi, ôm trên tay một bé gái đen nhẻm đứng trước cổng Bệnh viện Từ Dũ (quận 1, TP.HCM) nói với một người đứng bên cạnh. Đó chỉ là một trong số rất nhiều những trường hợp lười lao động trên địa bàn TP hiện nay. Họ lợi dụng lòng tốt của người khác để kiếm sống. “Tụi tui thấy hoài nhưng im lặng chứ cũng không biết làm gì. Ngày nào cũng thấy cổ quanh quẩn ở đây xin tiền người khác. Không hiểu sao cổ còn trẻ mà không chịu làm ăn” – ông Thuần, chạy xe ôm trước cổng Bệnh viện Từ Dũ cho biết. Công viên, trạm xăng, bến xe buýt, nhà thờ, chùa… đều có thể là nơi hoạt động của những đối tượng ăn xin. Trước nhà thờ Huyện Sỹ (đường Tôn Thất Tùng, quận 1), người dân vẫn thường thấy người ăn xin bám theo những người đi lễ nhà thờ để xin tiền. Tại khu vực trung tâm quận 1, tình trạng này cũng xảy ra, ít nhiều gây nhếch nhác, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.
Qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều trường hợp giả mạo người tu hành, người tàn tật, người mắc bệnh nan y… từng bị vạch mặt để nâng cao cảnh giác cho những người khác. Đã có nhiều ý kiến bức xúc trong dư luận khi họ là “nạn nhân” của trò lừa bịp người xin ăn giả dạng người cao tuổi bán tăm bông, người mắc bệnh hiểm nghèo, người khuyết tật lê lết trên đường phố. Nhiều kẻ chăn dắt bóc lột sức lao động của các cụ già, em nhỏ khi bắt họ đứng dưới cái nắng như thiêu như đốt. Anh Phan Duy Bá (ngụ quận 10) bức xúc: “Ngày nào đi làm về chạy ngang ngã tư đường 3 Tháng 2 – Lê Đại Hành (quận 11) tôi cũng thấy một phụ nữ ẵm đứa bé đứng xin tiền ngay ngã tư này. Nhiều hôm trời mưa cũng thấy họ ngồi đó. Tôi đoán chắc họ nằm trong một đường dây chăn dắt nào đó”.
Chính điều này đã làm mất niềm tin ở một số người. Họ dè dặt hơn trong việc cho người ăn xin vì sợ lòng tốt của mình không được đặt đúng chỗ, sợ chính mình đã vô tình tiếp tay cho những kẻ chăn dắt. Ông Trần Hữu Nghĩa (ngụ quận 3) chia sẻ: “Chúng ta cần có nhiều biện pháp mạnh tay hơn để những kẻ chăn dắt không còn đất hoạt động chứ đừng du di mãi như thế này. Ngày nào còn người ăn xin là ngày đó còn những kẻ chăn dắt”. Quyết định của UBND TP.HCM tạo nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Đa phần là ủng hộ nhưng số người dè dặt cũng không ít. Chị Phan Thu Ba (ngụ quận Tân Bình) cho biết: “Nhiều khi hai mẹ con tôi đi đường gặp người ăn xin, tôi thường đắn đo có nên cho họ hay không. Ở nhà, tôi dạy con gái mình là phải biết yêu thương, chia sẻ với người khác. Vì vậy, nhiều lúc tôi nhắm mắt cho họ dẫu biết xác suất mình bị lừa rất cao. Tôi nghĩ thà mình mất chút tiền nhưng để con gái tôi được học cách quan tâm người khác, không vô cảm với những người xung quanh”. Đó cũng là quan điểm của một số người khi cho rằng quyết định này sẽ gây sự vô cảm trong xã hội.
Cần có giải pháp đồng bộ
Từ ngày 28-12, TP.HCM bắt đầu đưa những người ăn xin, không có nơi cư trú nhất định vào các cơ sở xã hội. Theo thông tin từ Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP.HCM, người ăn xin sẽ được đưa vào Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần và Trung tâm Hỗ trợ xã hội. Sau đó, họ sẽ được phân loại để chuyển về gia đình hoặc đưa vào trung tâm, tạo điều kiện hỗ trợ cuộc sống và dạy nghề.
Người dân có thể báo tin vào đường dây nóng tại Sở LĐ-TB&XH TP.HCM (Phòng Bảo trợ xã hội), số điện thoại: 38.292491 (giờ hành chính) hoặc 0903959929; Trung tâm Hỗ trợ xã hội: 35.533258 (24/24 giờ), khi phát hiện người xin ăn. Cơ quan chức năng sẽ có chế độ hỗ trợ cho người báo tin.
Được biết, trước đó, TP.Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trong cả nước đã triển khai quy định “cấm cửa” người ăn xin và tạo nhiều điều kiện để đưa họ vào các trung tâm bảo trợ xã hội. Cách làm của Đà Nẵng đã thật sự có hiệu quả và tạo được niềm tin trong dư luận bởi hiện nay TP này rất hiếm tình trạng người ăn xin quấy rầy du khách và người đi đường. “Đà Nẵng đã thực hiện và có hiệu quả, tôi hy vọng TP.HCM cũng sẽ sớm chấn chỉnh được tình trạng này. Tuy nhiên, so với Đà Nẵng thì TP.HCM có số lượng người ăn xin lớn hơn gấp nhiều lần. Vì thế, cần có biện pháp triệt để và lâu dài để đạt được hiệu quả tốt nhất”, ông Lê Duy Khoa (quê Đà Nẵng, ngụ quận 10) nói.
Quyết định số 49/2014/QĐ-UBND của UBND TP.HCM về việc quản lý người xin ăn không có nơi cư trú nhất định, người sinh sống nơi công cộng không có nơi cư trú nhất định trên địa bàn TP.HCM được đánh giá là một cách làm hay và mang nhiều ý nghĩa tích cực. Theo ghi nhận của chúng tôi, những ngày này tại nhiều tuyến đường trong TP, tình trạng người ăn xin đã có phần giảm hơn trước. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng đây có thể chỉ là giải pháp tạm thời nếu không có những biện pháp xử lý triệt để. Cách làm này cần có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng và phải được thực hiện quyết liệt, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi” là mong đợi của nhiều người.
Bài, ảnh: Yên Hà
Triệt tiêu nạn ăn xin biến tướng
Ông Lê Chu Giang – Trưởng phòng Bảo trợ xã hội – Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết, những năm qua, với các giải pháp đồng bộ, người lang thang ăn xin, sinh sống nơi công cộng trên địa bàn TP.HCM đã giảm rõ rệt. Tuy nhiên, gần đây trên địa bàn TP.HCM xuất hiện đối tượng ăn xin biến tướng như người cao tuổi bán tăm bông, đối tượng giả dạng tu sĩ khất thực, người mắc bệnh hiểm nghèo, người khuyết tật lê lết trên đường phố… lợi dụng lòng tốt của người dân để xin tiền, làm xấu hình ảnh TP. Dự báo từ nay đến Tết và trong năm 2015, số người ăn xin có xu hướng tăng, do đó UBND TP mới có chỉ đạo sở, ngành, tổ chức đoàn thể, quận, huyện tăng cường tập trung công tác này. Đây là công tác thường xuyên đối với quận, huyện và ngành LĐ-TB&XH.
M.H
 
 

 

Bình luận (0)