Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Chết người vẫn “bình chân như vại” với H1N1

Tạp Chí Giáo Dục

Cúm A/H1N1 đã trở thành đại dịch với những diễn biến vô cùng phức tạp và khó lường. Tuy nhiên trong khi các thành phố lớn đang “sốt vó” lo dập dịch thì ở nhiều vùng ngoại thành, nông thôn, người dẫn vẫn “mơ màng” với dịch.

Thống kê sơ bộ đến hết ngày 3/8, số người nhiễm cúm A/H1N1 trên toàn quốc đã lên tới con số hàng nghìn, trong đó có 1 ca tử vong tại tỉnh Khánh Hòa. Hiện số bệnh nhân cúm A/H1N1 vẫn đang tăng nhanh và ngày càng mở rộng phạm vi, địa bàn. 
Ghi nhận của Dân trí ở một số huyện ngoại thành Hà Nội cho thấy, vấn đề nhận thức và việc phòng, chống dịch cúm của người dân đa phần vẫn theo kiểu: bao giờ nước tới chân hẵng… nhảy?! 
“Chắc cúm không về quê đâu” 
Chợ Thường Tín là một trong những khu chợ đầu mối lớn nhất miền Bắc. Tại đây, hoạt động kinh doanh buôn bán diễn ra suốt ngày đêm, hàng hóa được nhập từ nhiều nguồn theo đó lái buôn cũng từ khắp mọi nơi đổ về chợ. 
Tuy nhiên trong suy nghĩ của các tiểu thương và người dân đến chợ thì cái mà họ quan tâm hơn cả là lợi nhuận và mưu sinh. Họ tỏ ra thờ ơ với đại dịch và càng không mấy chú ý về những thông tin dịch cúm H1N1 đăng tải trên các báo, đài.
Chợ luôn là nơi tập trung đông người và có nguy cơ bùng phát dịch.
Anh Trọng (một tiểu thương từ Hà Nội xuống chợ Thường Tín nhập hoa quả) hồn nhiên: “Hiện giờ dịch đang ở các cao ốc văn phòng, trường học trên thành phố chứ ở nông thôn thì làm gì có. Ngày nào chưa có dịch thì cứ yên tâm mà buôn bán chứ cứ lo ngay ngáy cũng chẳng giải quyết được gì đâu”. 
Chợ là thế, còn ở trong khu dân cư việc nhận thức về dịch cúm A/H1N1 cũng “tơ lơ mơ”. Những người hay nghe đài, đọc báo có vẻ rành thông tin hơn về cúm nhưng vẫn chủ quan tin rằng mình đã làm tốt công tác phòng chống dịch. Nhiều người khác do nhận thức không đầy đủ thì lo ngay ngáy, cứ hễ thấy hơi đau đầu, mệt mỏi là nghĩ mình “dính” cúm A/H1N1. 
Thờ ơ hẳn với cúm A/H1N1 là những người làm nông vụ, họ có suy nghĩ rất đơn giản rằng cúm sẽ không về quê?! Chị Hòa (ở xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh, Hà Nội) cho biết: “Tôi cũng nghe nói mang máng về cúm H1N1 gì đấy, thấy bảo những người nhiễm cúm là do đi nước ngoài về và họ ở thành phố. Còn chúng tôi làm ruộng suốt ngày thì lây cúm ở đâu ra, chắc cúm không về quê đâu”?! 
Thông báo ra rả suốt ngày thì ai nghe? 
Cũng theo ghi nhận của PV, hiện tại nhiều thôn, xã việc thông báo, tuyên truyền về dịch cúm A/H1N1 không liên tục, thậm chí là không có bản tin phát thanh hàng ngày. 
Khảo sát một số địa bàn có địa giới “sát nách” trung tâm Hà Nội giữa lúc đại dịch đang có diễn biến phức tạp chúng tôi phải giật mình vì sự chủ quan của người dân và cả lãnh đạo chính quyền địa phương. 
Xã Tiền Phong (huyện Mê Linh, Hà Nội) với khu chợ Yên vốn “nổi tiếng” ô nhiễm từ lâu, song ở giữa mùa đại dịch H1N1 mà cả khu chợ và khu dân cư vẫn “khiêm tốn” làm vệ sinh môi trường 1 lần/tuần?! 
3 tháng đọc đi đọc lại 1 bài tuyên truyền. 
Khi được hỏi về những thông tin cúm A/H1N1, nhiều người dân tỏ ra “ngơ ngác”. Chị Liên (ở xã Tiền Phong) trả lời: “Có thấy thông báo gì đâu…”. Chưa hết, khi liên hệ làm việc với chính quyền sở tại về công tác tuyên truyền và phòng, chống dịch cúm A/H1N1, chúng tôichỉ nhận được thái độ “bất hợp tác” của văn phòng ủy ban. 
Cuối cùng thì PV cũng tìm gặp được ông Hoàng Công Đán, Chủ tịch UBND xã Tiền Phong. Trả lời về vấn đề này, ông Đán thừa nhận: “Xã chưa có bản tin thông báo về H1N1 phát trên hệ thống loa truyền thanh, vấn đề vệ sinh môi trường cũng chưa tốt…”. 
Đối với xã Văn Khê (huyện Mê Linh) thì thông báo về dịch cúm A/H1N1 chỉ được triển khai trong hội nghị, còn hệ thống loa truyền thanh phát “thưa thớt” về các kế hoạch của cấp trên, thông báo về thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch, thậm chí chỉ có 1 bài tuyên truyền về cúm A/H1N1 nhưng được đọc đi đọc lại trong 3 tháng (từ tháng 5 – tháng 8/2009). 
Ông Đỗ Trung Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Khê cho biết: “Khi có kế hoạch của trên gửi về thì chúng tôi thông báo dăm ba hôm rồi thôi chứ thông báo ra rả suốt ngày thì ai nghe? Chúng tôi triển khai trong hội nghị vì dân nghe họ cũng chả biết gì về H1N1, thậm chí họ còn không thèm nghe”. 
Châu Như Quỳnh (dantri)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)