Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Trương Quyền (Q.3, TP.HCM) trong ngày tựu trường năm học mới.. Ảnh: Anh Khôi
|
“Học phổ thông trong 11 năm và nên giữ trẻ em thêm 1 năm trong vòng tay gia đình và trong “vòng phấn” giáo dục tiểu học”. Đó là ý kiến của GS. Hồ Ngọc Đại, người sáng lập ra Trung tâm Công nghệ giáo dục Việt Nam, khi trao đổi về vấn đề có nên rút ngắn chương trình giáo dục phổ thông.
Theo GS. Hồ Ngọc Đại, giáo dục Việt Nam có ba việc buộc phải làm ngay. Giáo dục TP.HCM xin giới thiệu bài viết của GS về những quan điểm của ông đối với nền giáo dục nước nhà.
1. Xác định hệ thống giáo dục quốc dân:
Xu hướng cơ bản của nền văn minh hiện đại là “nhỏ lại”, “rẻ hơn”. Nhỏ lại và rẻ hơn là vì trí tuệ ngày càng đi sâu vào bản chất của đối tượng, loại bỏ tạp chất, loại bỏ cả những cái có cũng được, không cũng được, chỉ còn lại những gì không thể không có. Hệ thống giáo dục là hình thái trực quan của tư duy giáo dục. Đặc biệt, hệ thống giáo dục là nhân tố quyết định đối với mọi quyết định còn lại của nền giáo dục, từ lý thuyết đến thực tiễn.
Sống trong một xã hội vận động “một ngày bằng 20 năm” (Marx), trẻ em hiện đại phát triển sớm, phát triển nhanh: Sang tuổi 18 đã là người lớn. Bớt đi 1 năm vẫn đảm bảo có được những gì hiện có, lại còn hy vọng với chất lượng cao hơn nếu nền giáo dục được thiết kế lại, khác về cơ bản và toàn diện (khác về nguyên lý) so với lý thuyết và nghiệp vụ sư phạm hiện hành. Cụ thể, đối với bậc tiểu học nên là 6 năm. Chúng ta cần giữ trẻ em thêm 1 năm trong vòng tay gia đình và trong “vòng phấn” giáo dục tiểu học, nhằm đảm bảo cho các em cứng cáp hơn, cho gia đình yên ấm, cho xã hội yên lành. Chúng ta nên nhận thức bậc tiểu học như nền móng của ngôi nhà giáo dục tương lai…
2. Đối với các trường sư phạm:
Đổi mới căn bản và toàn diện trường sư phạm theo nghiệp vụ sư phạm hiện đại. Trường sư phạm phải đi trước một bước cả về đào tạo giáo viên mới lẫn bồi dưỡng (tập huấn) giáo viên đang hành nghề. Hiện nay ở Việt Nam, tất cả mọi lĩnh vực của đời sống đều thay đổi nhanh chóng, chỉ riêng nghiệp vụ sư phạm vẫn bình chân như vại. Trong nền văn minh hiện đại, thầy giáo là người duy nhất có nghiệp vụ giúp học sinh thực thi quá trình chuyền vào trong (tự học) và bằng cách đó, mỗi cá nhân tự sinh thành ra chính mình. Nghiệp vụ sư phạm hiện đại làm ra các loại sản phẩm: Trong khoa học làm ra sản phẩm tất yếu; trong nghệ thuật và đạo đức làm ra sản phẩm mong muốn. Trẻ em hiện đại tự sinh ra chính mình và phát triển bằng năng lượng lấy từ những sản phẩm do chính mình tự làm ra theo thiết kế của thầy. Một khi trẻ em tự làm ra sản phẩm giáo dục cho chính mình thì sẽ tự tin, đã tự tin thì tự trọng. Tất cả 100% công dân đều tự tin và tự trọng thì sẽ có một dân tộc Việt Nam vĩ đại.
3. Tập huấn giáo viên:
Ngành giáo dục cần tập huấn, bồi dưỡng giáo viên hiện có để có nghiệp vụ thi công theo bản thiết kế. Nếu trẻ em chấp nhận được mà giáo viên thấy khó thì phải thiết kế sẵn cho giáo viên hành nghề (chứ không để họ tự soạn bài). Rồi tập huấn cho họ “đọc được” bản thiết kế, có được nghiệp vụ cần thiết để chỉ đạo học sinh thi công theo bản thiết kế. Trong mọi trường hợp không nên hy sinh trẻ em vì sự lạc hậu của nghiệp vụ sư phạm và thực trạng hiện có của giáo viên.
Tôi vào nghề cuối năm 1954. Từ đó đến nay, không một ngày tôi rời xa nhà trường. Từ cuối những năm 60 của thế kỷ XX đến nay, liên tục trong bấy nhiêu năm, tôi chuyên nghiên cứu về tiểu học. Những gì tôi trình bày ở đây thể hiện ý thức trách nhiệm công dân lẫn ý thức trách nhiệm khoa học đối với trẻ em hiện đại.
GS. Hồ Ngọc Đại
Phụ thuộc vào nhận thức lứa tuổi
Khi đưa ra ý kiến chương trình phổ thông 12 năm hay 11 năm là chúng ta chỉ quan tâm tới thời gian đào tạo chứ chưa chú ý tới nội dung chương trình. Học sinh phổ thông cần được trang bị đầy đủ kiến thức để làm nền tảng cho học tập, nghiên cứu khoa học tìm hiểu và vận dụng sau này vào cuộc sống. Trong khi trình độ khoa học kỹ thuật trên thế giới phát triển nhanh và mạnh như vũ bão thì các em không thể có lượng kiến thức mỏng được.
Điều quan trọng, như tôi nói, là phải biết chọn lọc nội dung kiến thức đảm bảo trình độ và nhận thức người học. Ai cũng biết việc học bây giờ không chỉ thuộc lòng, học gì nhớ nấy theo kiểu tầm chương trích cú mà phải biết và hiểu. Biết và hiểu cũng chưa đủ mà cần được vận dụng vào thực tế cuộc sống. Nhiều người cho rằng chương trình 12 năm quá lâu, tôi không đồng ý vì đó là thời lượng cần thiết và quan trọng để có đủ kiến thức phổ thông làm nền tảng. Hơn nữa thời gian học phải phù hợp với trình độ nhận thức lứa tuổi. Nếu học sớm thì các em sẽ chưa đủ lớn để tiếp nhận hết nhận thức và dẫn đến trình độ sẽ không tương xứng.
ThS. Hà Hữu Thạch (Hiệu trưởng Trường THPT Giồng Ông Tố, TP.HCM)
Kiến thức phải gắn với thực tiễn
Thực ra không phải bây giờ mà cách đây đã lâu, trong các lớp tập huấn về thay sách giáo khoa và đổi mới chương trình đã có đề cập đến vấn đề này: Đào tạo 12 năm hay 11 năm, có cả ý kiến đề xuất rút lại 10 năm. Khi đưa ra vấn đề này chúng ta phải trả lời được câu hỏi: Mục đích rút ngắn thời gian học để làm gì?
Đối với chương trình THCS, phải xây dựng lại chương trình tích hợp cho phù hợp với từng bộ môn kể cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Kiến thức không chỉ là bộ nhớ mà phải biết tư duy, vận dụng kiến thức đó để làm gì? Dạy học sinh là dạy phương pháp chứ không chỉ dạy kiến thức. Vì thế cần đặt nặng phương pháp tư duy, đào sâu kiến thức đã học và biết gắn vào thực tiễn. Thời gian ngắn nhưng kiến thức đầy đủ và tốt thì nên thực hiện, nhưng thực tế hiện nay chúng ta vẫn còn đi theo lối mòn. Sách giáo khoa hiện nay viết chưa phù hợp với chương trình, vùng miền và đối tượng. Nếu bộ sách nào viết ra nhẹ nhàng, đơn giản thì dễ thui chột sự sáng tạo của người học và người dạy. Ngược lại, nếu bộ sách nào viết có tâm huyết, sáng tạo thì thúc đẩy sự khám phá của học sinh. Vì vậy nên có những bộ sách giáo khoa cạnh tranh để giúp học sinh phát triển tư duy, bắt giáo viên phải động não – không nghiên cứu thì không dạy được. Đó là vấn đề cần quan tâm hơn thời gian.
ThS. Nguyễn Hữu Hạnh (Hiệu trưởng Trường THCS Đống Đa, Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
|
Sau số báo này, tòa soạn xin khép lại diễn đàn “Giáo dục phổ thông Việt Nam: 12 năm hay 11 năm?”. Giáo dục TP.HCM xin trân trọng cảm ơn bạn đọc trong thời gian qua đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực cho diễn đàn, rất mong gặp lại trong các diễn đàn sau.
Bình luận (0)