1. Tập cho trẻ quen với thời gian biểu mới
Các con đang quen tỉnh giấc mỗi sáng vào lúc 9 – 10h, buổi tối được xem vô tuyến đến 23h, nhưng khi năm học mới bắt đầu, những thói quen sinh hoạt này chấm dứt, thay vào đó là một thời gian biểu mới.
Một vài ngày trước khi bắt đầu năm học bạn cần cho con lên giường sớm hơn (21h) và đọc truyện khoảng 30 phút. Buổi sáng, bạn để chuông đồng hồ giúp bé dậy sớm hơn thường lệ (7 giờ).
2. Chuẩn bị tâm lý cho con
Những ngày trước khi bắt đầu năm học mới, hãy nói chuyện với con, giúp con hiểu rằng thời gian để vui chơi nhiều đã qua, bây giờ con cần đến trường. Ở trường học con cũng có thể chơi đùa, thú vị hơn nữa là còn có nhiều bạn bè cùng chơi.
Đừng quên nói với con những lợi ích có được khi đến trường. Nhớ rằng lý lẽ bạn đưa ra cần phù hợp lứa tuổi. Với những bé còn nhỏ, không nên đưa ra điều gì quá to tát, khó hình dung. Với bé lớn hơn, bạn có thể đưa ra mục tiêu cho bé theo đuổi và trường học sẽ là nơi bé được trang bị mọi kiến thức để trở thành một người đàn ông/phụ nữ trưởng thành và thành đạt.
3. Giúp bé tự tin
Tưởng tượng tới một môi trường mà ở đó không có bố mẹ, ông bà hoặc không có những thầy cô mà bé từng làm quen có thể khiến các bé hoảng sợ hoặc không muốn đi học. Điều đó hoàn toàn bình thường, hãy giúp bé lấy lại sự tự tin.
Giải thích với bé rằng vì năm nay bé đã được lên lớp lớn hơn, bé đã trưởng thành hơn nên sẽ có nhiều bạn mới. Hiện tưởng tâm lý này có thể xuất hiện ở các bé trong nhiều ngày sau khi khai trường. Hãy nói chuyện với bé để giúp bé vượt qua.
4. Giúp bé tự lập
Thiếu sự tự lập khi đến trường cũng là một trong những yếu tố khiến các em rơi vào khủng hoảng dẫn tới stress. Hãy giúp bé học làm mọi việc cho bản thân, đừng làm hộ bé. Đối với các bé ở độ tuổi mẫu giáo, bạn hãy dạy bé cách tự mặc và cởi quần áo, giúp bé phân biệt quần áo, giầy dép của bé với các bạn khác trong lớp (bạn có thể thêu hình đặc biệt để bé dễ nhận biết). Đối với các bé ở độ tuổi đi học tiểu học, hãy giúp bé tự chuẩn bị sách vở cho ngày hôm sau, tự làm bài tập…
5. Kiểm tra sức khỏe
Nếu nghe và nhìn không tốt, chắc chắn bé không thể là học sinh giỏi trong lớp. Hãy kiểm tra định kỳ thính giác và thị giác cho bé. Ngoài ra bạn cũng cần đưa bé đến nha khoa và cho bé tiêm những loại vacxin cần thiết trước khi vào năm học mới.
6. Quan tâm nhiều hơn nếu bé chuyển trường
Bạn chuyển nhà và con bạn phải chuyển trường, hoặc bạn muốn con chuyển sang một trường khác phù hợp hơn, hãy giúp con làm quen với trường mới trước khi năm học mới bắt đầu, để tránh những bỡ ngỡ, lo âu.
7. Trang bị sách cho con
Ngoài sách cần mua theo chương trình giáo dục, hãy chọn thêm cho bé những cuốn nói về những tấm gương tiêu biểu trong học tập, trong cuộc sống, những tấm lòng cao cả… để bé đọc, hiểu và noi theo. Những quyển sách này giúp bé có nghị lực nhiều hơn trong năm học.
8. Chuẩn bị cho bé một chiếc túi cá nhân
Ngoài chiếc cặp đựng sách vở, bạn có thể chuẩn bị cho bé một chiếc túi nhỏ để đựng quần áo (quần áo của con bạn có thể bẩn khi chơi thể thao) hay một chiếc bản đồ hoặc vài thứ đồ bé thích. Những đồ vật này giúp các bé nhỏ tuổi thấy an tâm vì chúng gần gũi với bé.
9. Không nên gọi bé dậy quá sớm
Những ngày đầu đi học, nhiều cha mẹ sợ con không thể dậy đúng giờ nên đã gọi con từ rất sớm. Điều này không cần thiết. Các con chỉ cần thời gian để vệ sinh cá nhân và ăn sáng trước khi tới trường. Gọi dậy quá sớm sẽ làm các con phải chờ đợi lâu và sinh ra mệt mỏi, lo âu. Hơn nữa các con đang quen ngủ dậy muộn, sự thay đổi thời gian biểu đột ngột có thể làm các con bị “sốc”.
10. Đưa con đến trường
Nếu có thể, bạn hãy tự đưa con đến trường, ít nhất là trong những ngày đầu tiên. Nếu không thể đưa con đi học, hãy nói với con rằng bạn sẽ thu xếp để chiều đi làm về sớm với con. Những buổi nói chuyện cùng cha mẹ trong những ngày đầu đi học rất quan trọng đối với tâm sinh lý các bé.
Dung Nhi (dantri.com.vn)
Bình luận (0)