Không chỉ "ép" con học chữ, tranh thủ ngày hè, nhiều phụ huynh "đẩy" con tham gia vào hàng loạt các lớp năng khiếu với hy vọng phát hiện khả năng ở trẻ. Việc “nhồi nhét” như vậy không chỉ tốn tiền mà bố mẹ còn vô tình “đày đọa” trẻ.
Cái gì cũng… học
Sáng học đàn (học cả piano lẫn oóc-gan) đến tận trưa, đầu giờ chiều học hát, sau đó đến lớp học vẽ, tối lại có mặt ở lớp học múa… Đó là lịch học năng khiếu “không còn kẽ thời gian hở” của cháu Thương, 7 tuổi, con chị Hạnh, ngụ ở P. Tân Phú (Q.7, TP.HCM). Đó là chưa kể cháu vẫn phải học thêm văn hóa, ngoại ngữ.
Bên cạnh học chữ, ngày hè không ít phụ huynh bắt trẻ “chạy sô” học năng khiếu (Ảnh minh họa)
Trong năm học, cháu chỉ học đàn và hát nhưng ngày hè, vợ chồng chị Hạnh sắp xếp cho con học thêm nhiều môn dù học phí mỗi môn đều tính cả chục triệu đồng/khóa. Lý do người mẹ này đưa ra, ở độ tuổi của cháu cần cho học nhiều môn năng khiếu để phát triển khả năng một cách toàn diện, nhất là khi con gái chị thuộc diện tiếp thu môn nào cũng nhanh.
“Môn nào theo học cháu cũng được khen, bỏ môn nào cũng tiếc nên vợ chồng tôi thống nhất sẽ không tiếc tiền cho con học hết”, chị Hạnh nói đầy tự hào về con. Chị còn tỏ ra tiếc nuối khi chưa thu xếp được cho con lịch học môn diễn xuất: “Con bé nhà tôi nó hay lắm, nói chuyện và động tác như diễn viên vậy”.
Cùng suy nghĩ như chị Hạnh, nhiều ông bố bà mẹ khi thấy trẻ có thể tham gia các môn năng khiếu ở mức độ nhất định, hoặc nghe người khác khen thì cho rằng con mình có tố chất. Thế nên, họ cố gắng để con có thể theo học nhiều môn năng khiếu mà không quan tâm đến khả năng cũng sư đam mê thực sự của trẻ.
Tại các điểm dạy năng khiếu như cung thiếu nhi, nhà văn hóa tại TPHCM vào ngày hè các môn đều quá tải thanh, thiếu nhi đăng ký theo học. Trong đó không ít em là học viên của hầu hết tất cả các lớp.
Trên một diễn đàn nuôi dạy con, một bà mẹ háo hức chia sẻ cô gái 5 tuổi được học mọi thứ trên đời như múa ba lê, hát, vẽ, đàn, chưa kể là học chữ, học đếm số… Chị khoe, con mình học môn nào cũng được dù thú nhận cháu tỏ ra không thích thú với môn nào, bố mẹ cho học gì thì cứ theo học môn nấy.
Nhiều phụ huynh khác nhìn các môn học của cháu bé cũng phải choáng váng nhưng người mẹ trên cho rằng “Con người hiện đại sau này cái gì cũng phải biết”.
Đừng để kỳ vọng thành ảo tưởng
Chính vì sự thúc ép mà không quan tâm đến sở thích, khả năng của con từ cha mẹ nên nhiều trẻ phải gánh áp lực học… vì bố mẹ. Có những em vừa kết thúc môn học này với tinh thần uể oải, đã phải bước vào ngay lớp học khác và mà sự hứng thú cũng chẳng hơn. Nhiều cháu còn khóc, không muốn học còn bị phụ huynh kéo vào tận lớp.
Như trường cháu Quốc, học lớp 3, con vợ chồng anh Thạch, chị Nhung ngụ ở Q. Phú Nhuận, TPHCM, gần 3 tuần nay “được” bố mẹ cho học mỹ thuật thì hôm nào đến lớp cũng chán, cũng khóc. Vợ chồng anh chị vô cùng bực mình nhưng họ quyết không nản vì đang đầu tư hướng nghiệp cho con sau này phải trở thành nhà thiết kế như bố.
Thậm chí, giáo viên dạy mỹ thuật cho cháu Quốc thẳng thắn với anh chị, cháu không có khả năng, khi học rất lơ là, không hề thích thú, nên tìm cho cháu các môn khác nhưng anh Thạch vẫn khăng khăng cho rằng, con giống bố chắc chắn có khả năng vẽ, cô cứ việc dạy. Chị Nhung lo xa hơn, bên cạnh môn mỹ thuật, chị liền đăng ký cho con thêm một “lốc” các môn đàn, hát, bơi, nhảy… để dự phòng.
Nhiều giáo viên dạy năng khiếu chia sẻ, khi thấy học sinh nào quá thờ ơ với môn học, học theo kiểu bị ép họ sẽ trao đổi với phụ huynh. Nhưng không phải ông bố bà mẹ nào cũng chấp nhận điều đó, vẫn quyết ép con học đến cùng. Rồi khi thấy con mình không được giáo viên đầu tư, chú ý thì họ còn làm căng.
“Ví dụ như ở một lớp học múa chỉ vài cháu có năng khiếu, còn nhiều cháu học để biết, có cháu hoàn toàn học vì bố mẹ bắt. Mình đâu thể ép mà cũng không có hứng thú ép các cháu lên múa, lên hát như các bạn có đam mê khác. Thế là phụ huynh cho rằng mình bỏ bê con họ”, giáo viên dạy múa tại một trung tâm dạy năng khiếu cho biết.
Hiện nay, mỗi gia đình sinh 1 – 2 con nên họ luôn kỳ vọng con mình phải thật giỏi, phải hơn con mọi người là lý do các bậc phụ huynh chú trọng đầu tư để con phát triển năng khiếu. Thế nhưng, việc không tìm hiểu về khả năng của con mà bắt trẻ học quá nhiều môn không chỉ tạo áp lực cho trẻ mà còn phản tác dụng.
Chuyên viên giáo dục Nguyễn Hồ Thụy Anh (Sở GD-ĐT TPHCM) cho rằng từ sự kỳ vọng nhiều phụ huynh đang ảo tưởng về con nên đã vô tình thúc ép trẻ không được sống đúng với tuổi của mình. Không có gì “cực hình” hơn khi phải học những thứ mình không thích và không có khả năng.
Theo bà Thụy Anh, chính quá trình nuôi dạy con, cha mẹ là người nhận ra con mình có những tố chất, sở thích về các lĩnh vực nào để hướng con đến môn năng khiếu phù phù hợp. Cũng đừng yêu cầu con phải học quá nhiều môn với mong muốn sẽ thành “người tài” này nọ bởi số lượng trẻ phát triển từ các môn năng khiếu không nhiều. Phần lớn các cháu có khả năng đó sẽ bộ lộ rất rõ. Vì thế khi để con theo học năng khiếu, hãy nhẹ nhàng cho rằng mình đang trang bị các kỹ năng cho con.
Hoài Nam / Dan tri
Bình luận (0)