Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

“Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”: Truyền tải cách nào tốt nhất cho học sinh?

Tạp Chí Giáo Dục

GV cần đặt ra các giả thiết hoặc đưa ra các tình huống có vấn đề để HS tự giải quyết các vấn đề đó. Ảnh: T.Tri
Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được đưa vào bài học nhằm giáo dục học sinh (HS) các cấp trở thành người công dân tốt, biết sống và làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, qua đó sống có trách nhiệm với gia đình và xã hội. Vậy, làm thế nào để có một tiết dạy giáo dục công dân (GDCD) về cuộc vận động này đạt hiệu quả cao?
Đây là một câu hỏi mà Tổ bộ môn GDCD của Trường THCS Ngô Tất Tố (Q.Phú Nhuận) đặt ra và được một số giáo viên (GV) trong trường tìm ra phương pháp dạy học phù hợp và có nhiều đổi mới thú vị.
Theo nguyên lý của giáo học pháp, nắm vững trọng tâm bài dạy là một yêu cầu tiên quyết của bất kỳ môn học nào. Tuy nhiên, do đặc thù của bài học nên yêu cầu trước hết của bài dạy “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” phải là sự rèn luyện của thầy cô để trở thành một tấm gương sáng cho HS noi theo. Tấm gương đó phải điển hình về đạo đức, lối sống và không được dễ dãi với chính mình, nhất là đứng trước mặt các em HS. Ngoài ra, do đặc thù của bộ môn GDCD nên đây là một yêu cầu bắt buộc và không thể thiếu đối với người dạy với mục đích soi rọi và quyết định việc hình thành lý tưởng, niềm tin và thái độ cho HS.
Trở lại với yêu cầu nắm vững trọng tâm bài dạy, khi GV chuẩn bị tốt các tài liệu phục vụ cho bài thì sẽ chiếm lĩnh được toàn bộ trọng tâm kiến thức. Còn đồ dùng dạy học, ngoài việc kết hợp với SGK, tiết học phải có các đồ dùng trực quan (phim về Bác Hồ, hình ảnh về các tấm gương điển hình…). Tốt hơn nữa là GV yêu cầu HS về nhà sưu tầm các vật liệu, hình ảnh liên quan mà chắc chắn có nhiều em hứng thú trong công việc này. 
Tuy nhiên, như thế cũng chưa đủ nếu GV không học hỏi thêm từ sách báo, mạng internet… có nghĩa GV phải thường xuyên cập nhật những thông tin mới mang tính thời sự có liên quan đến bài dạy. GV nên hình thành sẵn trong đầu các tình huống có thể xảy ra và dự kiến cách giải quyết các “sự cố” bất ngờ đó một cách thuyết phục. Áp đặt, quy kết vô căn cứ là điều không nên làm. Không chỉ tiên đoán những tình huống mà GV còn phải đặt ra các giả thuyết, đưa ra các tình huống có vấn đề để HS tự giải quyết các vấn đề. Đây chính là thước đo tay nghề của từng GV khi đứng lớp. Cho HS chuẩn bị bài học sau bằng cách khuyến khích các em động não trước, tìm những hành vi có liên quan hoặc các thực trạng, hiện tượng khác. Đến lúc vào lớp với bài học mới, GV chỉ cần hướng dẫn các em xử lý và giải quyết các vấn đề đó nhằm xây dựng rèn luyện kỹ năng thực hiện hành vi đạo đức. 
Theo chúng tôi, khi thực hiện các hoạt động trên lớp phải theo bốn bước sau: Tiếp cận vấn đề để đưa ra tình huống cần giải quyết, hình thành các nhóm thảo luận, cụ thể hóa các hoạt động, kết luận vấn đề. Tùy theo năng lực của từng HS mà “cân đong đo đếm” từng bước sao cho hợp lý và sát với đối tượng. Một câu hỏi khác được đặt ra: Đối với bài học này việc tích hợp được GV giải quyết như thế nào thì hợp lý? Câu trả lời đó là có thể tùy theo nội dung, đặc điểm và khả năng thực hiện việc tích hợp giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh của môn học. Ở đây, theo chúng tôi, GV có thể lựa chọn ba mức độ: chỉ khai thác nội dung và liên hệ với kiến thức tấm gương Hồ Chí Minh (mức độ liên hệ), chỉ một phần của bài học (mức độ tích hợp bộ phận), cả một bài có nội dung trùng khớp với nội dung giáo dục về tấm gương Hồ Chí Minh (mức độ tích hợp toàn phần). Nếu mức độ liên hệ là mức độ hạn chế nhất thì tích hợp toàn phần là mức độ cao nhất.
Qua bài viết này, chúng tôi mong muốn góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, hiệu quả của việc dạy và học môn GDCD. Từ đó tạo cơ hội và điều kiện cho HS được tham gia một cách tích cực chủ động sáng tạo vào quá trình khám phá và lĩnh hội nội dung bài học. Tạo ra sự hứng thú tự tin giúp các em HS phát triển tối đa tiềm năng của bản thân.
Tổ Giáo dục công dân
(Trường THCS Ngô Tất Tố, Q. Phú Nhuận)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)