Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Công khai việc đình chỉ hoạt động của nhà trẻ tư thục

Tạp Chí Giáo Dục

Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Nghĩa vừa ký thông tư số 28 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục.

Chỉ được mở trường khi có từ 50 trẻ trở lên

Ngoài các sửa đổi về chức năng, tổ chức của trường, nhà trẻ tư thục, Thông tư yêu cầu nhà trường, nhà trẻ tư thục chỉ được phép thành lập khi có đủ các điều kiện như có Đề án thành lập trường phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục của địa phương, đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

Đề án thành lập trường xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình và nội dung giáo dục; đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm dự kiến xây trường, tổ chức bộ máy, nguồn lực và tài chính; phương hướng chiến lược xây dựng và phát triển nhà trường; Có khả năng tài chính, cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu hoạt động và phát triển của nhà trường, nhà trẻ tư thục.

Nhà trường, nhà trẻ tư thục được phép hoạt động giáo dục khi có đủ các điều kiện như có quyết định cho phép thành lập nhà trường, nhà trẻ tư thục; Có đất đai, trường sở, cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi theo quy định của Bộ GDĐT về chủng loại, số lượng, đáp ứng yêu cầu duy trì và phát triển hoạt động giáo dục.

Địa điểm xây dựng nhà trường, nhà trẻ tư thục bảo đảm môi trường giáo dục, an toàn cho trẻ em, giáo viên và người lao động; Có từ ba nhóm trẻ, lớp mẫu giáo trở lên với số lượng ít nhất 50 trẻ em và có không quá 20 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo; Có chương trình giáo dục mầm non và tài liệu chăm sóc, giáo dục trẻ theo quy định của Bộ; Có đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên đạt tiêu chuẩn, đủ số lượng, hợp lý về cơ cấu, bảo đảm thực hiện Chương trình giáo dục mầm non theo quy định…

Việc đình chỉ các nhà trẻ tư phải công khai

Thông tư cũng nêu rõ, nhà trường, nhà trẻ bị đình chỉ hoạt động giáo dục nếu xảy ra một trong các trường hợp như không bảo đảm an toàn về tính mạng cho trẻ em và giáo viên, nhân viên, cán bộ; Vi phạm các quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục ở mức độ phải đình chỉ theo quy định hiện hành; Không bảo đảm chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ; Có hành vi gian lận để được cho phép hoạt động giáo dục; Không triển khai hoạt động giáo dục trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày được cho phép hoạt động giáo dục…

Quyết định đình chỉ hoạt động giáo dục đối với nhà trường, nhà trẻ tư thục phải ghi rõ lý do đình chỉ, thời hạn đình chỉ hoạt động, biện pháp bảo đảm quyền lợi của trẻ em, giáo viên, cán bộ và nhân viên trong trường. Quyết định đình chỉ hoạt động giáo dục đối với nhà trường, nhà trẻ phải được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng

Nhà trường, nhà trẻ bị giải thể nếu vi phạm nghiêm trọng các quy định về quản lý, tổ chức, hoạt động của nhà trường, nhà trẻ; không bảo đảm chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ; Hết thời gian đình chỉ mà không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ…

Bộ GDĐT xác định, việc thành lập các trường mầm non, nhà trẻ tư thục là cần thiết, đáp ứng nhu cầu của xã hội, các trường, nhà trẻ tư thục phải thực hiện các nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ theo chương trình giáo dục mầm non như lập kế hoạch; xây dựng môi trường chăm sóc, giáo dục; tổ chức các hoạt động và chịu trách nhiệm về chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ; quản lý và đánh giá sự phát triển của trẻ em. Bảo đảm an toàn cho trẻ trong thời gian ở nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục; đồng thời tham gia công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi.

Theo Nguyên Minh
Lao Động

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)