Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tỷ lệ đỗ tăng và có sự phân hóa

Tạp Chí Giáo Dục

Hôm qua 18-6, theo quy định của Bộ GD-ĐT, các địa phương đã công bố kết quả tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT năm 2009. Thống kê sơ bộ cho thấy, các địa phương đều có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT cao hơn so với năm 2008, song cũng thể hiện sự phân hóa rõ nét giữa các loại hình trường. Ngược lại, kết quả tốt nghiệp của hệ bổ túc THPT lại có sự chênh lệch khá lớn…
Tỷ lệ đỗ ở hệ THPT tăng, bổ túc THPT giảm

Ảnh: Viết Thành

Đó là điều dễ thấy trong kết quả tốt nghiệp của nhiều địa phương. Một số nơi có tỷ lệ tốt nghiệp tăng mạnh. Nếu như năm 2008, tỷ lệ HS THPT đỗ tốt nghiệp của Bắc Ninh là 78,6% thì năm nay là 94,14%; Hòa Bình tăng từ 66,53% lên 80,5%; Bà Rịa – Vũng Tàu có tỷ lệ 84,35%, tăng 15%; Quảng Ninh là 90%, tăng 10%… Ngược lại với sự tiến bộ của hệ THPT, kết quả tốt nghiệp của hệ bổ túc THPT năm nay lại có sự đảo chiều khá mạnh ở một số địa phương như Khánh Hòa giảm từ 41,85% năm ngoái xuống còn 20,04%, trong đó có tới 7 đơn vị có tỷ lệ đỗ 0%, Hòa Bình 60,63%, giảm 14%… Điều này cũng thể hiện ở kết quả tốt nghiệp mà Hà Nội công bố chiều 18-6. Theo đó, tỷ lệ tốt nghiệp hệ THPT năm 2009 của Hà Nội là 88,28%, của hệ bổ túc THPT là 47,87% (tỷ lệ này năm trước ở Hà Nội là 69,45%).
Sự phân hóa thể hiện rõ ngay trong kết quả tốt nghiệp của từng địa phương. Những nơi có truyền thống dạy – học, có điều kiện thuận lợi, các trường chuyên, trường chất lượng cao vẫn giữ vững vị thế là "quê hương" của những thủ khoa như Trường chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng), chuyên Phan Ngọc Hiển (Cà Mau), khối chuyên Trường ĐH Khoa học Huế và ĐH Ngoại ngữ (Thừa Thiên Huế) có 100% HS đỗ; thủ khoa 5 điểm 10 là HS Trường chuyên tỉnh Bắc Ninh… Nếu như năm trước ở Hà Nội chỉ có 2 trường có số lượng học sinh đỗ 100%, thì năm nay con số ấy đã tăng lên 13 trường, trong đó có 12 trường ở khu vực Hà Nội cũ. Có 31 trường đạt tỷ lệ đỗ từ 99% đến 99,9%, trong đó khu vực Hà Nội cũ có 29 trường (năm ngoái là 16 trường).
Thi nghiêm túc, chất lượng thật
Năm thứ ba đồng hành cùng cuộc vận động "Hai không", lại trong bối cảnh vừa mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội vẫn kiên trì mục tiêu "thực chất trong đánh giá" với nhiều giải pháp mạnh mẽ và đồng bộ. Điều ấy thể hiện trước tiên ở việc chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch ôn tập theo hướng bám sát trình độ HS, trong đó đặc biệt chú ý tới học sinh yếu, kém. Kinh nghiệm nhiều năm tổ chức thi theo cụm trường đã cho Hà Nội thêm nhiều bài học để triển khai ở địa bàn mới mở rộng. Vì thế, những nơi từng là "điểm nóng" ở các kỳ thi trước đã được kiểm soát, không còn cảnh tụ tập, lộn xộn quanh khu vực thi. Khâu coi thi cũng đặc biệt được chú trọng với tinh thần nghiêm túc, song không gây căng thẳng, tạo môi trường khách quan, công bằng để HS yên tâm, tự tin làm bài.
Những cố gắng đó đã đem lại kết quả khả quan cho Hà Nội. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT, dù giảm hơn năm trước 3,5%, song nếu so sánh với kết quả thi của năm 2008 theo địa bàn trước khi hợp nhất thì tỷ lệ tốt nghiệp đều tăng ở cả Hà Nội và Hà Tây (cũ). Cụ thể, khu vực Hà Nội (cũ) có tỷ lệ tốt nghiệp là 93,7%  trong khi năm 2008 là 91,78%;  khu vực Hà Tây (cũ) có tỷ lệ tốt nghiệp là 82,5%, trong khi năm 2008 là 66,83%. Tỷ lệ tốt nghiệp chung của Hà Nội năm nay bị kéo xuống còn do tỷ lệ này của các trường ở Mê Linh chỉ đạt 75,04% và ở Bắc Lương Sơn chỉ là 72,5%. Kết quả thi theo từng loại hình trường, ở từng địa bàn cũng phản ánh đúng chất lượng dạy và học. Cụ thể, ở địa bàn Hà Nội (cũ), tỷ lệ tốt nghiệp của các trường công lập vẫn đạt ở mức cao với 98,03%, ngoài công lập là 85,4% ; tỷ lệ này ở địa bàn Hà Tây (cũ) lần lượt là 82,96% và 76,08%.
Đánh giá về kết quả của kỳ thi, lãnh đạo ngành GD-ĐT Hà Nội cho rằng kết quả này phản ánh đúng thực chất chất lượng ở các nhà trường và là sự chuyển biến phù hợp. Năm nay là năm đầu tiên tổ chức một kỳ thi chung sau khi hợp nhất, chất lượng giáo dục ở các địa bàn còn sự chênh lệch tương đối lớn, việc tổ chức thi theo cụm lại là mới với các trường khu vực mới mở rộng… Kết quả trên đã minh chứng rõ nét về hiệu quả của những giải pháp mà Hà Nội đã tích cực triển khai trong thời gian qua trong chỉ đạo dạy – học, ôn tập, tổ chức thi… với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục trên toàn địa bàn.
Hồng Hạnh (Hà Nội mới)
– Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) Trần Văn Nghĩa: Vào đầu tháng 7-2009, khi các Sở GD-ĐT gửi báo cáo kết quả tốt nghiệp chính thức, Bộ GD-ĐT sẽ tổng hợp, công bố và có sự phân tích cụ thể. Với sự hỗ trợ của phần mềm mới lần đầu tiên được áp dụng thống nhất trên cả nước, kết quả của kỳ thi sẽ được "đọc" ở nhiều góc độ như theo từng trường, từng ban… từ đó có thể xem xét kỹ hiệu quả về các giải pháp đã được thực thi. Cũng theo thông báo của Bộ GD-ĐT, hai thí sinh Tăng Ngọc Dũng và Lữ Đức Quân của Nghệ An  phải bỏ thi vì cứu người gặp nạn đã được xét tốt nghiệp đặc cách. Bài thi 2 môn đã thi là lý và toán của 2 em đạt điểm rất cao.

Bình luận (0)