Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đại học phải đủ chuẩn tối thiểu

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Đó là ý kiến của TS Nguyễn Kim Dung – phó viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục (ĐH Sư phạm TP.HCM) – trong cuộc trao đổi với phóng viên khi nói về hiện tượng “đại học ba không”. Bà cho biết:
– Chủ trương xã hội hóa giáo dục và đa dạng hóa, đại chúng hóa giáo dục đại học, theo tôi, là đúng. Vì thế, việc cho ra đời thêm nhiều trường ĐH là cần thiết. Nhưng nhất thiết các trường phải bảo đảm có đủ các tiêu chuẩn tối thiểu mới được mở trường.
Đứng về góc độ quản lý nhà nước, khi cho phép một trường ĐH ra đời, điều quan trọng nhất là giám sát về chất lượng đào tạo của trường đó. Kiểm định chất lượng là cần thiết khi Nhà nước mất dần đi sự kiểm soát về chất lượng giáo dục.
* Theo bà, Bộ GD-ĐT có đang dần mất đi sự kiểm soát về chất lượng giáo dục?
Điều tôi quan tâm là hiện Bộ GD-ĐT chưa có quy định về mức xử lý đối với những trường chưa đạt chuẩn tối thiểu. Tức là không đạt chuẩn thì nhà trường phải có trách nhiệm như thế nào trong việc cải thiện tình hình. Nếu năm năm nữa kiểm định lại vẫn không đạt chuẩn thì phải chịu trách nhiệm ra sao…
TS Nguyễn Kim Dung – phó viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục (ĐH Sư phạm TP.HCM)

– Tôi nghĩ vậy. Có thể dễ dàng nhận ra số lượng trường ĐH ngày càng tăng, số sinh viên ngày càng đông, sự xuất hiện của nhiều trường ĐH thuộc đơn vị chủ quản khác, các ngành học thì ngày càng đa dạng, phong phú… Trong khi đó, cách quản lý của bộ chưa thấy có sự đổi mới.

Chúng ta cũng thấy hiện nay Bộ GD-ĐT vẫn còn sử dụng cơ chế xin – cho, trong khi với tình hình hiện tại các trường cần thể hiện tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, công khai chất lượng đào tạo của trường mình.
Ở ta, việc kiểm định chất lượng đào tạo ĐH vẫn còn nhiều bất cập và chưa phổ biến. Đến thời điểm này, nước ta mới có 40 trường ĐH được kiểm định. Kết quả đánh giá như thế nào, các trường có đạt được tiêu chuẩn ở mức tối thiểu không… vẫn chưa được công bố.
Hiện nay, Bộ GD-ĐT cấp phép thành lập trường ĐH nhưng cũng chính bộ thực hiện việc kiểm định chất lượng đào tạo các trường. Thêm nữa, hiện đa số các trường đang dạy theo chương trình chuẩn của bộ nên việc kiểm định chất lượng chương trình chính là kiểm định Bộ GD-ĐT. Như vậy sẽ khó có sự minh bạch, công khai vì đơn vị công nhận kiểm định cũng là đơn vị quản lý về chất lượng.
Ngay cả việc mời các đơn vị tham gia đấu thầu kiểm định cũng chưa đảm bảo được chất lượng kiểm định bởi các đơn vị này chỉ tham gia tạm thời và chịu trách nhiệm với một số trường mà gói thầu quy định. Công tác kiểm định chất lượng đòi hỏi các kế hoạch lâu dài và cần có các tổ chức chuyên nghiệp. Vì thế, VN đang rất cần các đơn vị kiểm định độc lập nằm ngoài Bộ GD-ĐT.
* Bà là thành viên trong các đoàn kiểm định về chất lượng giáo dục của một số trường ĐH (vừa kiểm định trong thời gian gần đây). Thưa bà, kết quả như thế nào?
– Tôi biết xã hội cũng đang mong chờ nhưng tôi không có thẩm quyền công bố. Bộ GD-ĐT và chính bản thân các trường có thẩm quyền trong việc này. Trong số những trường được kiểm định, cũng có trường chỉ đạt mức 0 ở một số tiêu chí, tức là đang có vấn đề.
Điều tôi quan tâm là hiện Bộ GD-ĐT chưa có quy định về mức xử lý đối với những trường chưa đạt chuẩn tối thiểu. Tức là không đạt chuẩn thì nhà trường phải có trách nhiệm như thế nào trong việc cải thiện tình hình. Nếu năm năm nữa kiểm định lại mà vẫn không đạt chuẩn thì phải chịu trách nhiệm ra sao…
* Trong khi ở các nước phát triển hầu hết trường ĐH đều công bố kết quả kiểm định chất lượng của trường mình thì ở VN vẫn là “câu hỏi lớn chưa có lời đáp”. Bà suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?
– Kết quả kiểm định chất lượng sẽ giúp các trường tự hoàn thiện mình – hoàn thiện để thu hút “khách hàng” sinh viên. Tôi mong trong tương lai chất lượng giáo dục các trường ĐH sẽ được công bố. Khi một trường không đạt các điều kiện tối thiểu, theo quy luật thị trường, người học sẽ không lựa chọn trường đó nữa.
Việc nhà trường có tồn tại hay không chỉ là chuyện thời gian. Về mặt quản lý nhà nước, có thể ra thời hạn để các trường này khắc phục những hạn chế trước khi sử dụng luật pháp buộc họ phải đóng cửa. Nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước là công bố tất cả những thông tin liên quan của trường ĐH cho người dân.
Lựa chọn trường nào là quyền của sinh viên và sinh viên phải tự chịu trách nhiệm với lựa chọn ấy. Học sinh tốt nghiệp THPT đã 18 tuổi rồi, có trách nhiệm công dân rồi, các em cần thể hiện mình là “khách hàng thông minh” chứ. Đó mới là cách bảo vệ quyền lợi chính đáng cho sinh viên. Việc cho “ĐH Phan Thiết hoạt động để bảo vệ quyền lợi của mấy trăm sinh viên” như cách nói của một số người, theo tôi, là chưa thỏa đáng.
* Việc xuất hiện của một số trường ĐH “ba không”, theo bà, có phải do quy trình cấp phép thành lập trường ĐH đang có vấn đề?
– Không chỉ có quy trình thành lập trường ĐH mà nhiều quy trình khác (ví dụ: mở ngành đào tạo…) cũng đang có vấn đề. Mặc dù có quy trình, quy định đầy đủ nhưng quá trình thẩm định nhiều người lại thực hiện dựa theo cảm tính, chủ quan. Khi một cơ quan nhà nước đưa ra quy định nhưng họ không thực hiện đúng theo quy định đó thì việc cấp dưới vi phạm cũng dễ đoán ra. Như thế làm sao có thể hình thành được một hệ thống pháp lý nghiêm ngặt để đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH?
Trên báo chí, có người đã nói rằng trường ĐH “chỉ cần 7-8 giảng viên là đủ”, hay “không thể đợi điều kiện chín muồi để thành lập trường ĐH”…, theo tôi, chỉ để xoa dịu dư luận. Với một đề án có vấn đề nhưng vẫn thành lập được trường ĐH như ĐH Phan Thiết, chúng ta nên xem lại quy trình thẩm định và cấp phép.
Trong vấn đề này, tôi nghĩ Bộ GD-ĐT nên thực hiện sự phân cấp, phân quyền. Việc thẩm định để cấp phép thành lập trường ĐH nên có một hội đồng thực hiện, Bộ GD-ĐT chỉ nên giữ vai trò giám sát nhà nước để đảm bảo các hội đồng này có thực thi đúng quy định, chính sách mà mình đề ra không. Vụ thanh tra ĐH Phan Thiết vừa rồi cũng vậy, không phải cứ báo chí phản ánh trường X, trường Y “có vấn đề” là Bộ GD-ĐT đến thanh tra mà nên phân cấp cho các hội đồng gồm nhiều thành phần từ các đơn vị có chức năng thực hiện.
Kết quả học tập là quan trọng nhất
Ở Mỹ, một trường ĐH muốn ra đời thì dễ dàng nhưng để hoạt động được, nhà trường phải tuân thủ hệ thống pháp luật rất khắt khe, nếu đi chệch hướng sẽ bị thổi còi ngay. Tuy nhiên, tôi nghĩ VN nên xem yếu tố quản lý chất lượng dựa vào đầu ra (chuẩn đầu ra hoặc còn gọi là kết quả học tập) là quan trọng nhất. Bởi thực tế ở VN việc “lách luật” vẫn xảy ra, nhiều trường mượn giảng viên cho đủ số lượng về đội ngũ là vì vậy. Các trường cần công bố chất lượng đào tạo (“sản phẩm” của trường ĐH có đáp ứng được nhu cầu nhân lực không) một cách minh bạch và khách quan.
TỪ DUY – HOÀNG HƯƠNG thực hiện (TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)