Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Sẽ chấm dứt cảnh ồ ạt mở trường, khó kiểm soát?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Tình trạng mở trường ồ ạt, bất cập, nhất là việc mở trường, nâng cấp lên trường đại học, cao đẳng sẽ khiến không kiểm soát được chất lượng giáo dục, đào tạo của các trường.
Điều kiện thành lập nhà trường thế nào, cơ quan nào có thẩm quyền quyết định là những quy định trong điều 50, 51 của Luật giáo dục 2005. Tọa đàm về điều kiện thành lập nhà trường do Bộ GD-ĐT chiều nay 17-9 đã tập trung thảo luận về vấn đề trên.
Câu chuyện “con gà, quả trứng”
Theo quy định trong Luật giáo dục hiện hành, điều kiện thành lập trường bao gồm: có đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo đủ về số lượng và đồng bộ về cơ cấu, đạt phẩm chất và trình độ đào tạo, đảm bảo thực hiện mục tiêu, chương trình giáo dục; có trường sở, thiết bị và tài chính đảm bảo đáp ứng yêu cầu hoạt động của nhà trường.
Ảnh minh hoạ.
Với quy định này, nhiều nhà đầu tư đã phải bó tay với dự án mở trường, hoặc có khi phải chật vật mới cầm trong tay được quyết định thành lập trường. Bởi đi xin đất, xin giấy phép xây dựng trường, hợp đồng với giáo viên, mua sắm trang thiết bị đều cần phải có tư cách pháp nhân mới "thông đồng, bén giọt", có nghĩa cần có quyết định thành lập trường, cần được phê duyệt đề án mới có thể giải quyết những công việc trên thuận lợi, nhưng Luật giáo dục lại yêu cầu phải có các điều kiện trên mới cho phép thành lập.
Tranh cãi kéo dài, một số ý kiến tại tọa đàm ví đó như chuyện “con gà có trước hay quả trứng có trước”. Sự bó chân lẫn nhau giữa những quy định gây cản trở cho quá trình đầu tư xây dựng trường. Đại diện Bộ Tài chính cho rằng bên cạnh căn cứ vào quy hoạch mạng lưới trường học, nhu cầu nhân lực, nhà đầu tư chỉ cần chứng minh trên hồ sơ khả năng đạt được các điều kiện cần thiết thì có thể cho phép thành lập trường. Như vậy nhà đầu tư mới có tư cách pháp nhân để thực hiện các điều kiện mở trường. Việc tuyển sinh, đào tạo chỉ được phép khi những điều kiện cam kết (trên hồ sơ) được chuẩn bị trên thực tế.
Điều 50 dự thảo Luật giáo dục sửa đổi quy định điều kiện thành lập nhà trường và điều kiện đăng ký hoạt động giáo dục.
Điều kiện thành lập nhà trường gồm “có dự án đầu tư thành lập trường phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục; có đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, tài chính, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo để có thể thực hiện mục tiêu giáo dục và đáp ứng yêu cầu hoạt động của nhà trường, có kế hoạch dài hạn,  ngắn hạn xây dựng và phát triển nhà trường”.
Điều kiện đăng ký hoạt động giáo dục gồm “có quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập trường; có quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường; có cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo đủ tiêu chuẩn, đủ số lượng và đồng bộ về cơ cấu, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ giáo dục”
(Trích dự thảo luật giáo dục sửa đổi)
Ông Chu Hồng Thanh, vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ GD-ĐT, nhấn mạnh: dự án Luật giáo dục sửa đổi sẽ làm rõ hơn quy định thành lập nhà trường theo hướng quy định thành hai điều kiện: điều kiện thành lập và điều kiện đăng ký hoạt động nhà trường.
Tương ứng với ba bước: chấp nhận chủ trương thành lập trường mới; quyết định thành lập trường và cho phép tuyển sinh, đào tạo. Sau ba năm kể từ khi dự án đầu tư thành lập trường được phê duyệt về chủ trương, việc triển khai dự án không hoàn thành kế hoạch, không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định, cơ quan có thẩm quyền sẽ hủy bỏ dự án đầu tư.
Sau hai năm có quyết định thành lập trường, nếu trường không chuẩn bị đủ điều kiện cho phép hoạt động thì cơ quan có thẩm quyền sẽ có trách nhiệm xem xét, thu hồi quyết định.
Góp ý với dự thảo trên, nhiều ý kiến tại tọa đàm cho rằng quy định về hai điều kiện trên trùng lặp, chưa rõ ràng. Bà Phạm Lan Dung, đại diện Học viện Ngoại giao, phát biểu nên làm rõ hai bước:
Bước 1 yêu cầu có kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất, có kế hoạch xây dựng đội ngũ giáo viên, kế hoạch đầu tư trang thiết bị… (phê duyệt dự án, cho phép thành lập).
Bước 2 cơ cơ sở vật chất đã hoàn thiện, có hợp đồng ký kết với giáo viên, có trang thiết bị sẵn sàng cho việc dạy học (cho phép hoạt động). Bà Dung cho rằng để tránh việc ồ ạt mở trường, trong đó có những trường hoạt động kém chất lượng, nên mạnh dạn áp dụng phương thức đấu thầu, tăng cường cạnh tranh giữa các nhà đầu tư.
Không phải cứ thành lập là được hoạt động
Giữa hai điều kiện được nêu ở trên, nhiều ý kiến tại tọa đàm cho rằng cần chú trọng đến “điều kiện thực tế để trường hoạt động tốt”. Ông Hoàng Ngọc Vinh, vụ trưởng Vụ GD chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT, cho biết trường đã được thành lập, nhưng thực tế không đủ điều kiện về cơ sở vật chất, không có đủ GV như nêu trong hồ sơ là tình trạng đã xảy ra”. Điều này là do khâu kiểm tra, kiểm soát sau khi cho phép thành lập chưa tốt.
Tình trạng có phép mở trường là được hoạt động đã dẫn đến tình trạng như ông Nguyễn Văn Chiến, chánh thanh tra Bộ GD-ĐT, cho biết “có trường thành lập 16 năm nhưng vẫn phải đi thuê đến chục địa điểm để dạy học”. Hay như ở Hà Nội, ông Đàm Hoài Vĩnh, phó giám đốc Sở GD-ĐT, thừa nhận “thành lập xong, hoạt động kém chất lượng rất khó giải thể. Có trường đến 4 năm thoi thóp mới giải thể được”.
Ông Nguyễn Văn Luật, vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, bày tỏ quan điểm: khi khái niệm “thế nào là trường học” được làm rõ thì chỉ cần quy định ngắn gọn, đơn giản “những cơ sở có đủ điều kiện là một nhà trường thì được phép thành lập trường”. Còn việc cho phép hoạt động mới là khâu quan trọng, cần chặt chẽ.
Ông Vũ Xuân Hùng, phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Tổng cục Dạy nghề, cũng cho rằng việc cho phép thành lập chỉ cần căn cứ vào việc chứng minh khả năng thực hiện các điều kiện trên giấy, còn việc cho phép hoạt động mới cần làm chặt. Như vậy không phải cơ sở nào có phép thành lập là có thể hoạt động ngay. Chỉ khi đủ điều kiện thực tế được thẩm tra, kiểm soát nghiêm ngặt thì mới được hoạt động.
Việc này sẽ chấm dứt cảnh trường hoạt động kém chất lượng, hoặc “được mở nhưng hoạt động cầm chừng, có quyết định thành lập nhiều năm nhưng không hoạt động được” (Báo cáo thẩm tra dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội).
Tại tọa đàm, các ý kiến cũng đề nghị nên đưa vào Luật giáo dục sửa đổi quy định về việc sáp nhập, chia tách, giải thể nhà trường, tách bạch rõ trường hợp trường được thành lập mới và trường được nâng cấp có quy định khác nhau thế nào về quy trình thành lập.
Ông Nguyễn Văn Ngữ, vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ GD-ĐT, cho rằng cần bổ sung, làm rõ thẩm quyền cho phép thành lập trường đối với các cơ sở thuộc các bộ, ngành khác nhau và trong hệ thống GD quốc dân (quy định tại điều 51 Luật giáo dục hiện hành). Ông Nguyễn Văn Chiến đề nghị gắn thẩm quyền cho phép thành lập với thẩm quyền kiểm soát quá trình hoạt động.
TRỊNH VĨNH HÀ (TTO)

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)