Học sinh (HS) phổ thông đi học thêm rất nhiều, tuy nhiên đa số là các môn tự nhiên, còn môn văn thì lại rất ít. Môn văn ngày nay bị xem nhẹ không chỉ có HS mà ngay cả các bậc phụ huynh cũng vậy, tại sao?
Đơn giản chỉ là sự tiến bộ của HS phấn đấu ở môn này là rất lâu và rất khó nhận ra. Còn như khi nghe giảng thì HS cảm thấy quá nhàm chán… thậm chí đã biết rồi(!).
Điều này không thể trách sự truyền giảng của giáo viên (GV) bởi bộ môn này mang tính “đại chúng” rất cao, có nghĩa là hình tượng nghệ thuật trong văn học rất dễ tiếp thu, hầu như không kén người học có trình độ cao hay thấp. Ví dụ một giáo sư nổi tiếng đang giảng về Truyện Kiều trong giảng đường đại học, điều lạ là chị lao công dù mù chữ nhưng cũng dừng chổi đứng nghe rất say sưa, thậm chí chị còn lĩnh hội sâu sắc hơn vì chị đã trải qua một quãng đời đầy khó khăn vất vả, đau khổ nên chị dễ “cảm thụ” được thân phận bi thương của nàng Kiều. Trong khi đó, sinh viên mới lớn, kinh nghiệm đường đời còn non kém, vẫn đang được gia đình “bảo bọc” chiều chuộng nên “thấm thía” không bằng. Tính đại chúng này cho thấy môn văn là một môn nghệ thuật được giảng dạy trong các nhà trường, mà đã là môn nghệ thuật cũng tương tự như nhạc họa đòi hỏi người dạy và người học phải có năng khiếu thì mới làm tốt được. Đòi hỏi này không cao với người học nhưng thực sự rất quan trọng đối với người dạy.
Xem nhẹ môn văn học là một điều đáng tiếc. Có thể nói môn văn là bộ môn rất quan trọng bởi giúp chúng ta nâng cao về ngôn ngữ, mà ngôn ngữ là sản phẩm cao nhất do sự tiến hóa tự nhiên hàng triệu năm đã ban tặng cho con người. Con người trở thành “bá chủ” so với muôn loài có trên trái đất vì nó đã phát minh ra hệ thống ngôn ngữ. Sự giao tiếp, đặc biệt tư duy bằng ngôn ngữ đã tạo ra nền văn minh về khoa học tự nhiên cũng như khoa học xã hội vĩ đại. Thế nhưng trớ trêu thay, công cụ văn bản đó có nguy cơ bị xem nhẹ trong trường học.
Như đã nói ở trên, vì môn văn là môn nghệ thuật quan trọng nên: yếu tố đầu tiên là cho HS cảm nhận được vẻ đẹp của hàng loạt tác phẩm (hay tập hợp từ ngữ) đã được chắt lọc sử dụng trong dân gian cũng như trong các nhà văn thực sự có tài năng tiêu biểu.
Môn văn với đặc trưng là nghệ thuật thì khi dạy nó phải coi trọng yếu tố thẩm mỹ. Một giáo viên văn được đào tạo và tu dưỡng không đạt hoặc non nớt về năng khiếu nhận thức thẩm mỹ thì rất dễ dàng khai thác bài văn ở yếu tố sử dụng mà thôi, nên vô tình họ đã biến giờ văn thành giờ đạo đức hay áp đặt sự khô khan về thuyết trình những vấn đề chính trị. Như vậy thật đáng buồn vì họ đã “lấn sân” sang các môn học khác. Thử hỏi có thể làm sao khiến HS muốn học và yêu môn văn cho được. Giảng về Truyện Kiều mà giáo viên cứ cao giọng tố cáo chế độ phong kiến thối nát với bè lũ Tú Bà, Mã Giám Sinh rồi sau đó say sưa kể về Kiều với chữ trinh, chữ hiếu giằng xé đôi đường thì thầy đâu thấy vẻ đẹp của thẩm mỹ từng câu chữ ẩn chứa bên trong mỗi câu thơ.
Tóm lại với cách thức giảng dạy chỉ khai thác như thế, giáo viên không thể nâng cao được thẩm mỹ cho HS vốn là yếu tố chính yếu của môn văn học. Đặc biệt với Truyện Kiều họ đã bỏ qua tính nghệ thuật kỳ vĩ mà Tố Như đã dùng nó để chuyển tải nội dung. Giáo viên không giảng được tâm lý rất phức tạp và tế nhị của các nhân vật, không khai thác được vẻ đẹp lộng lẫy cũng như sự lắng đọng của chiều sâu ngôn từ hay những đoạn thơ tràn đầy tính nhạc, tính học cùng những “nhãn từ” làm tâm điểm sáng chói trong từng trang thơ, câu văn.
Cứ như vậy, phớt lờ hoặc chỉ lướt qua lấy lệ về việc phân tích yếu tố thẩm mỹ mà chỉ dành thời gian cho nội dung thì môn văn lúc này không còn là môn văn được nữa.
T.H (Q.9)
Bình luận (0)