Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Ai nỡ vô tình đến thế sao!

Tạp Chí Giáo Dục

Trong cuộc sống nhiều khi phải sống phiên phiến, sống giản đơn cho đời dễ sống. Không giống như bà mẹ chồng khó tính luôn luôn tìm những sai sót của con dâu để bắt lỗi. Cũng không đến nỗi trở thành đối thủ rình rập lẫn nhau để “hạ độc thủ” thế nhưng sự vô tình diễn ra ngay trước mắt vẫn làm xót lòng người. Sự vô tình trở thành thói quen sẽ khiến con người một lúc nào đó lâm vào tình thế bị khép tội vô trách nhiệm gây ra hậu quả nghiêm trọng. Dưới đây là những đơn cử mà người viết tình cờ ghi được.
1. Trong tiết học 45 phút. Cô giáo cho học sinh (HS) làm bài kiểm tra 15 phút môn số học. Tất cả im lặng suy nghĩ làm bài thì tiếng nhạc phát ra từ chiếc máy tính bỏ túi (calculate) của một HS. Mọi người đều tỏ vẻ khó chịu hướng về bạn HS đó. Cô giáo yêu cầu tắt chế độ chuông nhạc trên máy tính. HS đang chăm chú nghe cô giảng bài “Phân tích một số ra thừa số nguyên tố”. Bỗng đâu chiếc hộp bút bằng thiếc trên bàn rơi xuống đất kêu loảng xoảng. Cô ngưng giảng, ai nấy đều phóng tia nhìn bực bội về phía cuối lớp.
Trước khi kết thúc bài giảng cô dặn dò công việc về nhà cho HS thì hàng loạt bi ve trong hộc bàn lăn lông lốc xuống sàn. HS cười ồ, cô giáo chán nản thất vọng nghe tiếng chuông báo giờ ra chơi. Tiết học chỉ có 45 phút, 3 lần bị phá vỡ vì tiếng ồn.
2. Cũng có một lần vào buổi học đầu tiên của lớp Trung cấp chính trị dành cho thầy cô giáo trong ngành giáo dục quận T. Hôm ấy, cô L. giảng dạy môn tâm lý. Cô giảng chưa được 20 phút thì tiếng nhạc chuông điện thoại của ai đó trong số gần 100 học viên vang lên. Cô giáo vui vẻ nhắc nhở. Gần cuối buổi sáng lại có tiếng nhạc chuông lần thứ hai vang lên và cô giáo vẫn vui vẻ nhắc nhở!
Sang đến buổi chiều. Tưởng như sự ý thức được nâng cao thì bỗng đâu lại có tiếng nhạc chuông điện thoại. Lúc này sự khó chịu bắt đầu từ phía học viên. Cô giáo vẫn dùng “tâm lý” vui vẻ để nhắc nhở.
Hết sức thất vọng, trong một ngày hai buổi giảng có đến 3 lần chuông điện thoại reng. Mỗi lần đều có sự nhắc nhở của cô giáo, vậy mà những học viên là những thầy cô giáo, là những nhà quản lý vẫn vô tình để chuông điện thoại đổ liên hồi trong giờ học. Sự ý thức rất hiếm hoi và sự vô tình lại quá rộng rãi.
Nếu như HS lớp 6 vô tình để nhạc chuông máy tính bỏ túi trong giờ kiểm tra; nếu như các em vô tình đánh rơi chiếc hộp bút và vô tình đánh rơi bi ve trước giờ ra chơi. Âu đó cũng là do tính ham chơi của một thuở học trò. Đằng này, người làm công tác giáo dục, làm quản lý và làm thầy thế mà vẫn có những sự cố đáng tiếc!
Tuệ Hải

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)