Tác phẩm ảnh nghệ thuật đoạt giải thưởng quốc tế của NSNA Hoàng Quốc Tuấn |
“Đừng bắt tôi phải đếm lại số huy chương, vì làm như vậy tôi cảm thấy mất nhiều thời gian lắm. Hãy cho tôi đi tiếp để có thêm những tác phẩm lưu lại cho đời” thầy giáo – nhiếp ảnh gia Hoàng Quốc Tuấn tâm sự.
“Lên núi” luyện… đam mê
Năm 1980 sau khi tốt nghiệp, Hoàng Quốc Tuấn – chàng trai khoa Văn (ĐH Sư Phạm TP.HCM) tình nguyện về dạy ở một trường vùng cao tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Phước). Ngày ấy, thầy Tuấn vừa là giáo viên đứng lớp vừa đảm nhiệm công tác Đoàn của trường. Thầy Tuấn nói: “Chính vì kiêm nhiệm công tác Đoàn của trường nên tôi có dịp dùng máy ảnh, chụp nhiều ảnh hoạt động của học sinh, nhà trường. Cứ mỗi mùa hè, tôi lại xuống Sài Gòn theo học các khóa ngắn hạn về nhiếp ảnh. Để rồi, vào năm học tôi cứ lấy học trò ra làm đề tài để “tác nghiệp”, thực hành tay nghề”. Qua những lần tổ chức hội trại cho học sinh, “tay nghề” nhiếp ảnh của thầy Tuấn nâng lên rõ rệt. Thầy Tuấn “bật mí”: “Nếu không lên dạy ở vùng cao, không phải là giáo viên, tôi chưa chắc là nhiếp ảnh gia như hiện nay. Bởi ở môi trường học đường, lại một trường vùng cao, tôi có nhiều thời gian rỗi và có đám học trò hồn nhiên, dễ thương nên tha hồ rèn tay nghề. Tay nghề nhiếp ảnh của tôi lên nhanh là nhờ những năm tháng đứng trên bục giảng”. Là giáo viên trẻ nhiệt huyết, năng động nên thầy Tuấn được phòng giáo dục địa phương tạo điều kiện làm việc. Thầy Tuấn nhận thấy đó là cơ hội tốt khó có lần thứ hai nhưng thầy đã từ chối vì yêu bục giảng, yêu học sinh. Sau hơn 5 năm đứng trên bục giảng ở vùng cao, thầy giáo Tuấn đã đổ bệnh. Mắc bệnh hiểm nghèo, thầy Tuấn nghĩ mình không thể vượt qua nên đành xa bục giảng, xa học trò vùng cao nghèo về vật chất nhưng “giàu” tình cảm, lễ phép. Rời bục giảng về Sài Gòn chữa bệnh, thầy Tuấn không biết làm thế nào để kiếm tiền. Thầy Tuấn mở tiệm chụp hình, vợ trang điểm cô dâu. Khi bệnh đã thuyên giảm, đam mê nhiếp ảnh lại thôi thúc. Ngoài những “sô” chụp ảnh cưới, thầy Tuấn tranh thủ đi thực tế để ghi lại bằng ảnh những khoảnh khắc tuyệt đẹp của cuộc sống, phong cảnh quê hương. Rồi các bức ảnh này mang về giải thưởng, ban đầu là giải thưởng trong nước, rồi liên tiếp những giải thưởng quốc tế. Chàng trai khoa Văn ngày nào đã trở thành nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) quốc tế với tước hiệu E.PIAP (danh hiệu do Liên đoàn Nhiếp ảnh thế giới tặng).
Làm “vua” vẫn nhớ bục giảng
NSNA Hoàng Quốc Tuấn |
Từ tay máy phong trào “thăng hạng” NSNA tước hiệu E.PIAP, thầy giáo – nhiếp ảnh gia Hoàng Quốc Tuấn đã lao động không ngừng. Để được đồng nghiệp tặng biệt danh “vua” thể loại ảnh sáng tạo, nhiếp ảnh gia Hoàng Quốc Tuấn lao tâm lao lực. Thể loại ảnh sáng tạo đòi hỏi ở NSNA phải phát huy tối đa trí sáng tạo, ý tưởng và sự rung động tinh tế của tâm hồn. Hoàng Quốc Tuấn chứng tỏ mình không phải ăn may để đến ngôi “vương”, khi cho biết: “Tôi mang trong mình dòng máu hội họa không chính thức. Bởi trước khi tôi là SV, tôi được “thọ giáo” ông anh vốn là SV Trường ĐH Mỹ thuật. Nhờ có khiếu hội họa nên khi trở thành SV, tôi đã kiếm được tiền từ nghề vẽ tranh. Đấy là cơ sở ban đầu để tôi đi sâu vào thể loại ảnh sáng tạo”. Ảnh sáng tạo còn gọi là ảnh thể nghiệm, là sự kết hợp giữa hội họa và nhiếp ảnh. Đây là thể loại ảnh mới mẻ ở Việt Nam, rất ít NSNA chọn đi vào con đường gian nan này. NSNA Hoàng Quốc Tuấn cho biết: “Có những tác phẩm tôi thực hiện đi thực hiện lại đến… 45 ngày mới xong. Liên tục làm việc từ 12h đêm đến 2h sáng, ăn uống thất thường. Vợ tôi thấy vậy lo quá, sợ tôi đổ bệnh nên cứ khuyên can tôi bỏ nghề nhưng tôi sinh ra đã trót đam mê nghệ thuật. Mê nhiếp ảnh, sống với tác phẩm nghệ thuật, có khi tôi thấy mình cũng khùng khùng, điên điên”.
Cùng với giải thưởng, “thương hiệu” NSNA Hoàng Quốc Tuấn đã “vượt biên”, anh lọt vào tầm ngắm của các công ty nước ngoài vào Việt Nam làm ăn. Hiện nay anh đang làm việc cho một công ty xuất khẩu đồ gỗ của Mỹ tại Việt Nam. Anh chịu trách nhiệm về khâu nhiếp ảnh, thực hiện các catalog ảnh sản phẩm của công ty để giới thiệu với đối tác của họ ở khắp thế giới. Từ “thương hiệu” NSNA quốc tế, tiệm chụp ảnh cưới của vợ chồng anh ăn nên làm ra. Thế nhưng, NSNA Hoàng Quốc Tuấn vẫn là thầy giáo Tuấn ngày nào. Dù công việc bộn bề, dù lên đến ngôi “vua”, nhưng ở nghệ sĩ – thầy giáo này không mắc bệnh “sao” như một số nghệ sĩ khác. Hoàng Quốc Tuấn vẫn ưu ái dành cho SV những buổi lên lớp mà không hề nhận khoản thù lao nào. Anh cho biết: “Không chỉ SV mà các CLB nhiếp ảnh cũng vậy, bao giờ tôi cũng chuẩn bị bài, giáo án thật chỉn chu, nghiêm túc để lên lớp. Tôi đến lớp là để chia sẻ kinh nghiệm nhưng tôi từng là thầy giáo nên tôi phải thể hiện tác phong, nghiệp vụ của một nhà giáo. Nghề nhiếp ảnh cho tôi nhiều nhưng tất cả bắt đầu từ bục giảng. Nói thật, nếu không bị bệnh nặng, tôi đã không bỏ nghề, không rời ngôi trường vùng cao ở Sông Bé”.
Công Việt
Thầy Tuấn bộc bạch: “Việc lên lớp không nhận thù lao với tôi không có gì khó, không có gì lớn lao cả. Bởi tôi được thỏa đam mê nghề giáo, được đứng trên bục giảng mà thời trẻ tôi luôn mơ ước”. |
Bình luận (0)