Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Kỷ niệm ngày HSSV (9-1- 2010): Bài 1: Những ngày rực lửa

Tạp Chí Giáo Dục

Bà Hồng bên tấm ảnh người cha – Cố TBT Hà Huy Tập

Hành trình đi tìm cha của bà Hà Thúy Hồng như một câu chuyện cổ tích nhưng mãi đến năm 1975 kết thúc mới có hậu. Đến lúc này bà mới biết mình là người con duy nhất của cố Tổng bí thư Đảng CSVN Hà Huy Tập. Năm nay vừa bước sang tuổi 81 nhưng bà vẫn còn cất giữ trong ký ức rất nhiều câu chuyện thuở thanh xuân trong đó có những ngày cùng bạn bè xuống đường tranh đấu đòi quyền sống.
Hai mẹ con trên một chuyến tàu
Trong ngôi nhà 45 Lam Sơn, P.5, Q. Phú Nhuận, TP.HCM tôi đã gặp người phụ nữ bình thường như bao người phụ nữ bình thường khác, vậy mà đã có một thời người phụ nữ đó cùng bạn bè mang gan vàng, dạ sắt xuống đường đối chọi với súng đạn quân thù.
… Sinh ra tại Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh ngay từ nhỏ Hà Thúy Hồng đã thiếu vắng khuôn mặt của cha. Cô bé lớn lên bằng bầu sữa, thìa cháo và tình thương của người mẹ ở xóm nghèo xã Cẩm Hưng. Vì thế ông bà nội ngoại và cô gì chú bác càng yêu thương Hồng hết mực. Qua những câu chuyện kể của gia đình, cô bé chỉ mường tượng được là cha đi dạy học và làm ăn xa ở tận Sài Gòn không có cơ hội trở về thăm 2 mẹ con dù chỉ một lần. Rồi đến một ngày mẹ vội vàng xếp áo quần, đồ đạc vào túi xách và dẫn Hồng ra ga xe lửa mua vé vào Nam. Hồng đâu ngờ rằng đó là lần ra đi không hẹn được ngày về của một cô bé chưa đầy 7 tuổi. “Tôi chỉ nhớ là đi tàu hỏa mất mấy ngày mới đến được ga cuối cùng. Hình như biết cha tôi đang hoạt động ở Sài Gòn nên mẹ đã cất công vào đây tìm” – bà nhớ lại. Cứ tưởng có một ngày không xa hai mẹ con sẽ tìm được người cha, người chồng trong niềm vui sum họp. Thế nhưng “tìm người như thể tìm chim” nhất là thời chiến tranh giặc giã nên hy vọng vẫn mãi là hy vọng. Hai mẹ con đâu biết rằng thời điểm này ông Hà Huy Tập đã được tổ chức bí mật cử sang Quảng Châu (Trung Quốc) nhen nhóm tổ chức Thanh niên CM Đồng chí Hội và sau đó sang Liên Xô tiếp thu CN Mác Lê- nin tại Trường ĐH Phương Đông. Sau một thời gian tá túc ở Sài Gòn phồn hoa đô hội không có bà con thân thích, người mẹ lại dắt đứa con gái xuống tận TP.Cần Thơ tìm nơi nương tựa. Không ngờ Tây Đô lại là bến đỗ thứ hai của 2 mẹ con.
Xuống đường tranh đấu     
Vốn con nhà dòng dõi lại được học hành đến nơi đến chốn, nên mẹ của Hồng có rất nhiều vốn liếng chữ nghĩa. Cùng một vài người bạn, bà đã mở lớp dạy chữ cho con em trong vùng. Thế là một ngôi trường nhỏ cạnh cầu đôi Cái Khế ra đời. May mắn đã đến với Thúy Hồng khi được vào học chữ trong ngôi trường của mẹ. Sau đó hai mẹ con đã trở lại Sài Gòn sinh sống.
Mới ngày nào cô bé Hà Thúy Hồng tóc còn chấm ngang vai mà bây giờ đã trở thành một nữ sinh duyên dáng, tham gia nhiều hoạt động xã hội của Trường nữ Gia Long. Đây cũng là thời điểm nhiều HSSV tham gia phong trào “theo tiếng gọi sơn hà xếp bút nghiên lên đường chiến đấu”. Cùng một vài bạn bè chung lớp, Thúy Hồng xin phép mẹ ra vùng chiến khu theo các anh các chú làm cách mạng. Tuy chưa được đứng vào hàng ngũ trực tiếp chiến đấu nhưng Hồng rất vui vì được tổ chức tin tưởng giao cho việc sắp chữ, sửa lỗi morasse tại một nhà in bí mật ở Đức Hòa (Long An). “Không chỉ có HS tham gia mà một số thầy cô dạy chúng tôi như cô Bích Liên – giáo viên môn thể dục cũng bỏ trường ra khu ( cách gọi tắt chiến khu). Do nhà máy in cơ động lại ở trong nhà dân và luôn được bà con che chở nên bọn Pháp không thể nào phát hiện được” – bà Hồng kể thêm. Được một thời gian, các anh lại khuyên Hồng trở lại nội thành để khỏi dang dở chuyện học hành. Nhớ trường nhớ bạn lại về sống trong vòng tay yêu thương của mẹ, lòng Hồng ngập tràn niềm vui. Tổ chức biết Hồng từ chiến khu về nên đã tìm cách móc nối và phân công một số nhiệm vụ trong phong trào đấu tranh chống Mỹ của HSSV. Do làn sóng đấu tranh giành quyền sống dâng cao nên thời kỳ này nhiều HS Trường Pétruský (Lê Hồng Phong) và Trường Gia Long bị bọn địch bắt giam. Thế nhưng “càng tức nước càng xui bờ vỡ” hàng trăm HS ở các trường khác cũng đồng loạt biểu tình. Mang sẵn lòng nhiệt tình, hễ có cuộc mit-tinh nào dù ngày hay đêm Hồng đều tìm mọi cách để tham gia cho bằng được. Trong đám nữ sinh mặc áo bà ba trắng, bọn cảnh vệ thường thấy một cô gái dáng người nhỏ nhắn, cặp mắt sáng tay giơ cao biểu ngữ yêu cầu không được bắt bớ, không đánh đập người vô tội. Và cứ thế làn sóng đấu tranh lan rộng từ trường này sang trường khác.
Nối nghiệp mẹ, bà Hồng bước vào đời bằng nghề dạy học. Gần 30 năm đứng trên bục giảng bà không thể nhớ hết các thế hệ đã qua dòng sông tri thức bằng những chuyến đò chữ nghĩa cho đến khi đã mỏi tay chèo. Nhớ thương người cha, bà đã lặn lội lên Hóc Môn tìm lại ngôi nhà trước đây đồng chí Hà Huy Tập ẩn náu để gieo hạt giống cách mạng trong đêm trước cuộc khởi nghĩa Nam kỳ và lòng dặn lòng bằng mọi cách phải tìm cho được hài cốt của thân phụ. Và không gì vui hơn là ước nguyện của bà đã trở thành hiện thực.
Hương Thủy

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)