Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Sóc Trăng: Dân nghèo bị cán bộ ấp ăn chặn

Tạp Chí Giáo Dục

Có mặt tại ấp Đắc Lực, gặp gỡ trực tiếp với nhiều người dân nghèo bị “mất tiền oan” ai cũng khẳng định chuyện Phó Ban nhân dân ấp Nguyễn Thành Bé đứng nhận vay cho bà con sau đó “chặn” lại mỗi hộ vài triệu đồng là có thật.

Gần đây, bà con ở ấp Đắc Lực, xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) phản ánh về việc nhiều hộ nghèo bị anh Nguyễn Thành Bé, Phó Ban nhân dân ấp, phụ trách công an ấp Đắc Lực lợi dụng việc đại diện cho bà con nghèo vay vốn ngân hàng Chính sách xã hội tại huyện, sau đó đã “ăn chặn” bớt tiền, trong khi bà con vẫn phải trả lãi đầy đủ cả số tiền phải vay của ngân hàng.
3 tháng trước, anh Trần Thanh Lâm ở ấp Đắc Lực rất vui mừng khi được nhận 6 triệu đồng tiền vay từ tay Nguyễn Thành Bé, nhưng trong sổ vay của ngân hàng, số tiền thực ghi anh vay, và phải trả lãi hàng tháng là 8 triệu đồng.
Đem chuyện số tiền thực nhận với số vay phải trả trong sổ hỏi lại anh Bé thì được anh Bé trả lời là “Do nhiều hộ trong ấp vay cũ chưa trả nợ từ năm 1993 đến nay nên phải “trích” bớt ra để trả cho các hộ đó ngân hàng mới cho dân của ấp vay lại”(?).
Cũng bị “trích bớt” như anh Lâm nhưng bà Lê Thị Nga thì lúc nào cũng muốn khóc khi kể lại cho chúng tôi biết bà chỉ nhận được 6 triệu đồng trong khi sổ vay của nhà bà ghi nợ tới 15 triệu đồng (tức bà đã bị ăn chặn hết 9 triệu đồng) và bà cũng vẫn phải trả lãi suất của 15 triệu đồng vay như trong khế ước vay nợ của ngân hàng Chính sách xã hội huyện Châu Thành.
Giống như bà Nga, anh Lâm, hộ chị Nguyễn Thị Thanh Thúy theo sổ vay là 8 triệu đồng nhưng thực nhận chỉ 6 triệu đồng; Hộ anh Trần Văn Hiệp vay 10 triệu, thực nhận 8,5 triệu đồng; hộ chị Lê Thị Đào ghi vay 12 triệu nhưng chỉ nhận 6 triệu đồng; hộ bà Lê Thị Mười Ba, nhận được 6 triệu đồng nhưng sổ vay ghi 12 triệu đồng…
Theo bà con trong ấp Đắc Lực phản ánh thì số hộ vay tiền ngân hàng chính sách xã hội của ấp lên tới trên 30 hộ và số tiền anh Bé “giữ lại” là khá lớn. Thực tế, khi tiếp xúc với chúng tôi có hơn chục hộ đại diện và số tiền sơ bộ theo bà con có mặt phản ánh đã trên 50 triệu đồng.
Đối tượng được vay theo diện này tất cả là những hộ nghèo và mục đích vay là để đầu tư, phát triển sản xuất, chăn nuôi, mua máy móc phục vụ sản xuất… Tiếc thay niềm vui được vay số tiền với lãi suất thấp (0,3%/tháng) này của bà con đã không được hưởng trọn vẹn, ngược lại lại mang nỗi lo cho nhiều hộ khi đáo hạn không biết lấy gì để trả bù.
Qua đơn phản ánh và thực tế xác minh tại địa bàn, chúng tôi cũng không khỏi ngạc nhiên trong việc sử dụng cán bộ cơ sở của địa phương. Bởi anh Nguyễn Thành Bé, phụ trách công an ấp Đắc Lực hiện nay, là người đã từng ngồi tù 2 năm 1993-1994 về tội mua bán xe mô tô trái phép, 2 năm sau khi được ra tù, Bé được giới thiệu đưa vào công an ấp Đắc Lực, rồi lên công an xã Hồ Đắc Kiện, sau đó về lại phụ trách công an ấp, kiêm phó ban nhân dân ấp Đắc Lực.
Là phó ban nhân dân ấp nhưng thực quyền anh Bé nắm hết, ngay cả việc đứng ra vay cho dân nghèo không phải việc của phó ban nhưng Bé vẫn đứng ra làm để lợi dụng bớt tiền của người nghèo. Càng ngạc nhiên hơn khi biết, Bé mới được kết nạp Đảng Chính thức chỉ sau hơn 7 tháng là Đảng viên dự bị (chưa có trong tiền lệ tại địa phương vì thời gian dự bị luôn phải sau 1 năm), Bé còn được lãnh đạo xã Hồ Đắc Kiện “ưu ái” đưa đi học và đang dự học lớp trung cấp pháp lý tại tỉnh đã được hơn một năm nay.
Trong việc vay vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội, người dân nghèo không được tiếp cận với ngân hàng mà thông qua gián tiếp là người đại diện tại địa phương cũng cần phải xem lại, bởi đại diện cho dân mà vì dân thì dân được nhờ, còn với những người không có cái tâm “vì dân phục vụ” thì người dân nghèo lại chính là người “lãnh nợ oan” như ở ấp Đắc Lực không phải là chuyện hiếm…
TTXVN

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)