Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nhịp sống công nhân: Bài cuối: “Hy sinh đời mẹ… củng cố đời con”

Tạp Chí Giáo Dục

Một trường mầm non tư thục ở KCN Sóng Thần chuyên nhận trẻ của con em công nhân làm việc tại đây. Ảnh: Q.Huy

Đối với những công nhân (CN) đã lập gia đình, họ dành hết niềm hy vọng vào những đứa con. Mặc dù cuộc sống của một gia đình là CN ở thành phố hết sức khó khăn nhưng vẫn cố gắng làm việc cả ngày lẫn đêm để những đứa con của họ ngày ngày được đến trường như bao đứa trẻ khác.
Khó khăn mấy cũng cho con đến trường
Hiện nay, số lượng các nhà trẻ thì không nhiều nhưng trẻ nhỏ cần đến trường ở các khu công nghiệp là rất cao. Hầu hết, CN bám trụ lại ở thành phố đều ở các phòng trọ, không có hộ khẩu nên đường đến trường của con cũng gặp nhiều khó khăn.
Chị Thu, CN làm việc ở Khu công nghiệp Sóng Thần, Bình Dương kể: “Hai vợ chồng mình không có hộ khẩu ở thành phố nên chuyện đưa con đến nhà trẻ gặp rất nhiều phiền phức. Hiện số nhà trẻ ở khu vực gần đây là rất hiếm nên nhiều nhà trẻ buộc chúng tôi phải có hộ khẩu mới nhận giữ trẻ cho. Chuyện có hộ khẩu ở thành phố quả thật là không dễ nên mình phải đi gửi con tận nhà trẻ ở Thủ Đức. Sáng sớm dậy chở con đi học gần chục cây số cho kịp giờ làm mà nhiều khi đưa con đến nhà trẻ còn chưa mở cửa, cực lắm chị ạ”.
Mọi người trong tổ may ai cũng bảo Loan làm việc chăm chỉ và lại khỏe nữa. Ngày nào cũng tăng ca đến 8, 9 giờ đêm mà chủ nhật vẫn còn đi phục vụ cho đám cưới. Lương tăng ca khoảng 2 triệu đồng, nhưng phải làm thêm để lo cho con được học hành đàng hoàng. So với CN thì lương của Loan như vậy là khá cao. Nhưng cũng ít ai biết được cô gái trẻ chỉ mới 24 tuổi này ngày đêm phải làm trầy trật mà không dám mua cho mình thứ gì. Kể từ khi người chồng bội bạc bỏ đi, chỉ còn hai mẹ con ở thành phố. Cô ngày ngày làm việc ở công ty, còn đứa nhỏ thì gửi cho nhà trẻ, mỗi tháng chi phí cho con cũng hơn cả triệu. “Gửi con ở gần chỗ làm thì cũng đỡ vất vả phần nào, nhưng ngặt nỗi không có hộ khẩu, người ta không chịu nhận giữ trẻ cho mình. Vì vậy nên mình phải đưa con lên đến quận Thủ Đức gửi”. Nhiều lần mệt mỏi, cô tính gửi con về quê cho bà ngoại nhưng nghĩ đến cảnh phải xa con là cô không thể chịu đươc. Nhìn thấy con, cô như được tiếp thêm sức mạnh để phấn đấu cho một ngày mai tươi sáng hơn của hai mẹ con.
Gieo niềm hi vọng vào con
Những công nhân không đủ điều kiện để con ở lại thành phố học hành thì họ gửi về quê cho người thân trông nom. Cuộc sống lao động khổ cực nhưng những gia đình CN chưa bao giờ chịu bỏ cuộc. Họ vẫn cần mẫn làm việc cả ngày đêm, quyết chí cho con ăn học nên người để sau này con họ không còn phải lam lũ như bố mẹ nữa.
Anh Hoạt (tài xế lái xe tải cho một doanh nghiệp nhỏ ở Bình Dương) cả mấy năm nay làm việc cật lực, hầu như là không có ngày nào được nghỉ trọn vẹn. Thứ bảy hay chủ nhật anh cũng đi làm, còn sức lực là anh lại cố gắng làm việc thật chăm chỉ để trang trải cho cuộc sống của hai vợ chồng và cho hai đứa nhỏ đang gửi cho ông bà nội ở ngoài quê. Đứa lớn 6 tuổi hiện đang học lớp 1, còn đứa nhỏ gửi nhà trẻ. Mỗi tháng chi phí cho hai đứa nhỏ ăn học đã gần hết 3 triệu đồng. Lương hai vợ chồng đều là CN cũng được có chừng đó. Vậy là ngoài giờ làm việc, anh phải tranh thủ làm thêm. Anh tâm sự: “Dù mình có khổ, có vất vả đến bao nhiêu chăng nữa thì cũng không để bọn trẻ nghỉ học được. Mình làm việc vất vả thế này mà vẫn không đủ sống là do mình không có kiến thức. Vì vậy không thể để bọn trẻ giẫm theo vết xe đổ của mình”.
Với những CN có một gia đình đủ vợ đủ chồng mà việc chèo chống trong cuộc sống này đã quá khó khăn, vất vả thì những CN một thân một mình lo cho con cái ăn học nên người quả thật là không dễ.
Trong những ngày đầu mới vào Sài Gòn, đêm nào chị Hòa cũng khóc vì nhớ con. Ngày chồng mất, chị gần như suy sụp hết sức lực cũng như tinh thần. Chị không thiết tha gì cho cuộc sống này nữa, nhưng nhìn hai đứa trẻ còn ngây thơ buộc chị phải có trách nhiệm, phải cố gắng vun vén cho chúng nên người. Nhà chỉ có mảnh vườn nhỏ, mấy mẹ con bữa đói bữa no. Đến ngày tựu trường của con, hai đứa mới chỉ học cấp 1 nhưng cũng phải đóng hơn cả triệu. Chị chạy ngược chạy xuôi, vay hết chỗ này chỗ nọ mới gom góp đủ. Ở quê không đủ tiền để bươn chải cho cuộc sống, chị Hòa buộc phải ngậm ngùi xa bọn trẻ vào miền Nam làm CN cùng với chị gái. Chị tâm sự: “Bằng mọi giá, mình phải cho con mình học hành đến nơi đến chốn mới được. Đứa lớn năm nay học lớp 7 và năm nào cũng được học sinh xuất sắc, còn đứa nhỏ mới chỉ học lớp 2 nhưng cũng thông minh lắm…”. Nhắc đến con, mắt chị đỏ hoe, “không biết giờ này bọn chúng đang làm gì?”. Để hai đứa trẻ bơ vơ ở nhà, chị dằn vặt và lo lắng suốt ngày nhưng “nếu cứ ở nhà thì ba mẹ con có ngày chết đói. Đời mình đã khổ vì không được học hành đến nơi đến chốn rồi thì giờ có khổ mấy mình cũng cố gắng để bọn trẻ kiếm được cái chữ thôi”, chị kể.
Dù cuộc sống hết sức cực khổ nhưng để con được đến trường hàng ngày là nguồn động viên lớn xoa đi nỗi vất vả, mệt mỏi hằn trên gương mặt những người CN. Cũng chính nhờ có niềm tin, niềm hi vọng mà các anh chị em CN cố gắng làm việc quên cả mệt nhọc để tiếp tục vừa làm vừa học cho một tương lai tốt đẹp hơn.
Dương Bình

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)