Thượng úy Nguyễn Thế Tiến được vinh danh Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2014 chụp hình lưu niệm cùng lãnh đạo TP
|
Giao thừa. Thời khắc thiêng liêng đó cũng là lúc Thượng úy Nguyễn Thế Tiến cùng đồng đội trong Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm đang trên đường tuần tra nhằm bảo vệ an ninh trật tự phố phường.
Trung thành với sứ vụ
Là con trai duy nhất trong gia đình, Thượng úy Nguyễn Thế Tiến, Trinh sát Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP.HCM, theo lời nhận xét của người thân thì anh đã “chọn cái nghề không hề nhẹ nhàng”. Chỉ vì anh mê ngành hình sự từ nhỏ. Tốt nghiệp ngành Luật Hình sự của Trường ĐH Luật TP.HCM, sau thời gian lần lượt công tác tại Viện Kiểm sát Nhân dân TP, UBND quận 2, nhưng hình ảnh người trinh sát hình sự đã thôi thúc anh nộp đơn xin phục vụ lâu dài trong ngành công an nhân dân. Cho đến tháng 3-2009, anh được điều động về công tác tại Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, và sau đó anh được phân công công tác ở Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm.
Công việc đấu tranh với tội phạm hình sự liên quan đến các đối tượng cướp giật, đâm chém, xã hội đen, theo cảm nhận của anh là tương đối nguy hiểm. Nhất là đối tượng cướp giật thường có hung khí và thường có hành vi chống trả nhiều nhất trong các loại tội phạm. Chưa kể đối tượng cướp giật chưa sử dụng ma túy thường lưu thông với tốc độ 80-90km/giờ, đối tượng có ma túy thì… có bao nhiêu ga chạy hết bấy nhiêu. Tác nghiệp đấu tranh với các đối tượng này, là quá trình nằm gai nếm mật, kiên trì, dầm mưa dãi nắng, nhiều đêm thức trắng, bị sây sát do đối tượng chống trả. Thế nhưng với lòng kiên cường, với niềm đam mê và trau dồi năng lực nghề nghiệp, anh đã triệt phá thành công nhiều chuyên án lớn, phức tạp, kể cả chuyên án do đối tượng là người nước ngoài.
Nhớ về chuyên án có bí số 907T, vốn làm đau đầu lãnh đạo TP bởi thủ đoạn tinh vi, mới mẻ của 6 đối tượng người Indonesia, anh kể rằng hung khí gây án của chúng là một loại đinh có hai đầu nhọn, được gài vào bao thuốc lá. Bọn chúng mục kích ở các trụ sở của ngân hàng, chờ khi khách hàng đưa tiền về bằng xe ô tô thì bám theo. Chờ đến khi đèn đỏ ở các ngã tư, chúng đá hộp thuốc có gắn đinh sẵn vào bánh xe trước hoặc sau để gây xẹp lốp một cách nhanh chóng. Và khi người trên xe ô tô vừa bước xuống để kiểm tra thì chúng nhanh chóng mở cửa xe để lấy tiền. Với phương thức gây án này, bọn chúng đã thực hiện trót lọt nhiều vụ với số tiền chiếm đoạt được mỗi vụ từ vài chục ngàn đến cả trăm ngàn đô ở địa bàn TP.HCM và cả Hà Nội. Nhận nhiệm vụ từ cấp trên về hồ sơ của chuyên án này, anh Tiến đã nhanh chóng thu thập thông tin, khoanh vùng và xác định đối tượng. Sau nửa tháng xác lập chuyên án, anh gặp khó khăn vì các đối tượng thay đổi chỗ ở liên tục, trước tình thế đó anh đã kiên trì theo dõi để bắt quả tang, vì nguyên tắc trộm cắp là phải có bị hại và tài sản bị mất mới xử lý được. Và rồi chuyện gì đến đã đến. Hôm ấy là ngày 14-8-2009, các đối tượng hành động ở Ngân hàng Mega (Icbc) trên đường Tôn Đức Thắng. Chờ đúng lúc một người khách xách tiền ra thì bọn chúng bám theo. Đến giao lộ Trần Hưng Đạo – Đề Thám thì xe của bị hại xẹp lốp, khi người này vừa bước xuống xe để xem sự tình thì bọn chúng nhanh tay mở cửa xe lấy tiền. Ngay lúc đó trời đổ mưa rất lớn, Tiến cùng các trinh sát liền ập vào bắt quả tang 3 đối tượng, còn 3 đối tượng tháo chạy hòng tẩu thoát. Các trinh sát liền đuổi theo tới quận 4, một số trinh sát bị chúng đạp xe té ngã, nhưng cuối cùng cũng tóm được 3 tên còn lại.
Chuyên án này là thành công của đơn vị, của ngành cũng là chiến công đầu tiên khi anh mới chân ướt chân ráo vào nghề. Trong những tháng ngày công tác với nhiều nỗ lực, liều lĩnh, xả thân, gan dạ, anh luôn tâm niệm một điều: “Mình đấu tranh chống tội phạm nhưng luôn phải bảo đảm an toàn cho người dân”. Cũng có những chuyên án dài 1 đến 3 năm do các đối tượng hoạt động cầm chừng, di chuyển đến các tỉnh, nhưng anh vẫn kiên trì đeo bám và làm cho tới cùng.
Công việc anh lúc nào cũng tất bật, nhưng vào những ngày nghỉ, Tiến vẫn xách xe đi điều nghiên truy lùng thủ phạm. Với anh, “ngày nghỉ mà nghỉ thì uổng lắm”, và việc anh hay bắt được đối tượng trong ngày nghỉ khiến cấp trên phải ngạc nhiên. Trong những giây phút rảnh rỗi hiếm hoi, anh trở về với gia đình nhỏ, nhưng vẫn say mê nghiên cứu về Luật Hình sự, Luật Lãnh thổ… và tự học ngoại ngữ. Việc trau dồi đó với anh là rất cần thiết, vì đối tượng phạm tội hình sự nay có cả người nước ngoài, và đôi khi trong công việc anh cũng gặp một vài đối tượng “đem luật ra để đôi co với trinh sát”.
Quá trình thực hiện chuyên án cho anh rất nhiều kỷ niệm, có vui, có buồn, nhưng cảm nhận của anh rõ nhất là khi thành công vụ án thì anh vui lắm, không thì cứ trằn trọc ưu tư cho đến khi hoàn thành mới thôi.
Giao thừa bên đồng đội
Thượng úy Nguyễn Thế Tiến cũng đã nhận được nhiều giấy khen của Công an TP, danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở (năm 2012, 2013) và Chiến sĩ tiên tiến vào các năm 2009, 2010 và 2011. Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM 2014.
|
Trong thời điểm từ Tết Tây đến Tết Nguyên đán là thời điểm các đối tượng hoạt động mạnh, tăng tần suất gấp nhiều lần so với ngày bình thường để kiếm tiền xài Tết, Thượng úy Tiến cảnh báo rằng người dân nên cảnh giác với hai đối tượng “kiếm ăn” nhiều nhất là các băng nhóm cướp giật và dàn cảnh đụng xe ở ngoài đường để chiếm đoạt tài sản của người dân.
Cũng trong thời điểm này, đơn vị anh đang mở nhiều đợt cao điểm để tấn công trấn áp tội phạm. Đó cũng là lý do mà Tết Tây và Tết Nguyên đán thường có những chuyên án đột xuất khiến anh ít có thời gian được ở bên cạnh người thân. Anh nhớ lại khi thực hiện chuyên án 114, các đối tượng thách thức các trinh sát bằng cách hoạt động cầm chừng, hoạt động vài ngày lại nghỉ, lúc ấy anh cũng quyết tâm: “Một là mình ăn Tết, hai là bọn chúng ăn Tết, nếu không bắt được bọn chúng trước Tết thì mình khỏi ăn Tết luôn”.
Giao thừa hoặc ngày mùng 1 mọi năm anh không được ở nhà bên mẹ, vợ trẻ và con thơ. Giao thừa năm nay cũng thế. Anh sẽ trực ca chính và phối hợp với các đồng đội thực hiện việc tuần tra các khu vực trọng điểm. “Thời khắc giao thừa, ai cũng muốn được sum vầy với gia đình, còn em thì đi suốt. Nhiều khi thấy thương mẹ và thương vợ con quá chừng”, Thượng úy Tiến thổ lộ.
Tết sắp đến gần, sau một đêm gần như thức trắng để thực hiện chuyên án, anh đã dành chút thời gian quý báu để trải lòng với chúng tôi, rồi anh lại vội vã xách xe đi “tìm đối tượng cần tìm”. Trước khi đi, anh còn dặn với theo: “Khi nào có báo chị cho em một tờ, em thích báo giấy vì có thể đưa về cho mẹ xem và giữ làm kỷ niệm”.
Bích Vân
Từ tháng 3-2009 đến nay, Bí thư Chi đoàn Cảnh sát đặc nhiệm Nguyễn Thế Tiến đã cùng phối hợp với đồng đội triệt phá thành công 150 vụ án hình sự, bắt giữ hơn 1.400 đối tượng. Đồng thời khám phá 16 chuyên án, triệt phá 532 băng nhóm, bắt giữ 1.230 đối tượng. Trong đó, chuyên án 911 (chuyên án cướp giật tài sản trên địa bàn quận 10 và quận 11) có số đối tượng bị bắt giữ cao nhất là 39 đối tượng.
|
Bình luận (0)