Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Đảng là cuộc sống của tôi: Bài 2: Lời dặn khắc ghi

Tạp Chí Giáo Dục

Gia đình ông Nguyễn Kim Lương

Trong năm học 2007-2008, gia đình ông Nguyễn Kim Lương (Đảng viên lão thành chi bộ KP 10, P.17, Q. Gò Vấp – TP.HCM) có thêm 2 đảng viên trẻ. Đó là anh Nguyễn Dương Hoàng và anh Nguyễn Kim Hiếu.
Trái tim hồng
Gia đình ông Nguyễn Kim Lương (quê ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) có truyền thống cách mạng từ nhiều đời. Nằm trong Ban văn – xã (tuyên truyền và tổ chức văn hóa xã hội) và tham gia các hoạt động tại địa phương, sau những ngày tổng khởi nghĩa năm 1945 cả bố và mẹ ông sớm được vào Đảng. Khi miền Bắc bắt đầu có chiến tranh, năm 1966 chàng trai xã Lộc Yên không một chút phân vân tình nguyện lên đường tòng quân khi tuổi đời còn căng nhựa sống. Chỉ sau 2 năm trong quân ngũ, Thượng sĩ Kim Lương đã trở thành người Đảng viên trẻ nhất của Đoàn vận tải Trường Sơn 59. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng ông vẫn không quên những ngày tháng hào hùng đó: “Trong thời gian đầu huấn luyện tôi đã được cử làm tiểu đội phó, tiểu đội trưởng rồi chính trị viên phó đại đội. Khi nhập ngũ tôi mới chỉ là anh quần chúng được giới thiệu cảm tình Đảng. Đến năm 1968, tôi được chi bộ xét kết nạp trước khi đơn vị đi sang Lào”. Trong hồi ức của mình ông vẫn nhớ buổi lễ kết nạp Đảng viên mới giữa rừng Trường Sơn tuy đơn giản nhưng rất trang trọng và thiêng liêng. Không như một số đồng đội khác, việc thẩm tra lý lịch của ông rất thuận lợi khi bố mẹ, chú bác trong nhà đều là những người trọn đời một lòng đi theo cách mạng. 
Cũng từ ngày đó Thượng sĩ Lương đã vững vàng hơn trong bước đường công tác. Ba mươi năm ở trong quân ngũ là cũng chừng ấy thời gian anh vẫn giữ cho Đảng được một trái tim hồng. Đi gần hết dãy Trường Sơn, từng uống nước suối trên đất bạn Lào và băng đồng tiếp lương tải đạn trên đất nước chùa Tháp Căm-pu-chia, quân đội đã đúc cho ông một “khối thép” trong nghị lực và ý chí. Bây giờ đã về hưu không quyền cao chức trọng, không “áo mão cân đai”, ông vẫn một lòng trung thành với ngọn cờ của Đảng”.
Với ông không chỉ quân đội mà tổ chức Đảng cũng là một trường học lớn nhất của thế hệ trẻ: “Được vào Đảng là niềm vinh dự của tôi vì bố mẹ từng dặn dò, vào Đảng là để cống hiến chứ không phải tìm quyền chức cho mình để tiến thân”. Ông nói một cách nôm na là vào đó không phải để làm “quan”, tìm cách kiếm lợi cho mình. Nếu cơ hội, bè cánh nên xin ra khỏi Đảng thì tốt hơn. Vào Đảng là để có chỗ phấn đấu, có thêm môi trường rèn luyện vừa tốt vừa trong sạch để vượt qua thử thách, khó khăn. Khi biết 2 cậu con trai là quần chúng tích cực trong diện cảm tình Đảng, người cha đã nhiều lần lấy tấm gương của ông bà nội và những đồng đội của mình soi rọi vào con đường lý tưởng mà các con đã chọn lựa. Những lời chỉ bảo dặn dò của ông như dòng nước mát mỗi ngày tưới vào vườn cây non mới lớn giúp Hoàng và Hiếu cứng cáp hơn.
Hai “thủ lĩnh” đoàn phường  
Vốn ham thích công tác phong trào và hoạt động xã hội nên sau khi học xong lớp 12, Nguyễn Dương Hoàng “kết” luôn với công tác Đoàn Thanh niên tại địa phương. Trầm tĩnh, ít nói nhưng anh cán bộ đoàn phường 17, Q. Gò Vấp lại có tài lôi cuốn, tập hợp thanh niên các khu phố thành lập các làng nghề, tổ sản xuất, xây dựng nếp sống văn hóa đô thị. Nhiều người khẳng định, anh không làm thì thôi còn đã làm thì “đâu ra đó” rất bài bản, chắc chắn. Đối tượng mà Bí thư đoàn phường 17 quan tâm nhất là những thanh thiếu niên ít học, thiếu công ăn việc làm, luôn đứng gần bờ sa ngã có nhiều lực hút cám dỗ. Không chỉ trò chuyện bảo ban, Bí thư Hoàng còn tạo điều kiện cho họ lập thân bằng cách vay vốn, tìm nguồn tài trợ, đề đạt cấp học bổng, xóa đói giảm nghèo… Cậu em trai Nguyễn Kim Hiếu cũng trưởng thành từ phong trào đoàn thanh niên tại địa phương như anh trai mình đã lựa chọn. Thấy vậy một vài người thắc mắc sao cha mẹ không cho con cái đi vào con đường làm ăn kinh tế dễ kiếm ra tiền hơn nhưng như ông Lương tâm sự, hai vợ chồng không muốn con cái mình phải bon chen trong một “vòng xoáy” nếu không có bản lĩnh dễ làm cho con người bị sa ngã. Dù kiêm nhiệm nhưng Hoàng đã từng từ chối chế độ lương thanh tra xây dựng mà chỉ nhận khoản tiền từ đồng lương bên đoàn thanh niên chu cấp. Anh vẫn nhớ lời cha thường căn dặn về sự lựa chọn môi trường sống của mình: càng tránh xa sự cám dỗ bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Biết cho con làm công tác xã hội là phải chịu cảnh “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” nhưng ông nghĩ người nào cũng né tránh thì ai sẽ gánh phần việc đó, hơn nữa ông thấy trong môi trường đó “độ an toàn” luôn cao nhất. 
Dù sinh ra trong một nhà nhưng 2 anh em có tính cách trái ngược nhau. Nếu anh trai Nguyễn Dương Hoàng điềm tĩnh, mực thước thì cậu em Nguyễn Kim Hiếu lại thuộc “tuýp” người xốc vác, năng nổ. Thế nhưng nhờ sự “đối nghịch” này mà 2 anh em trong một nhà đã biết “bù qua sớt lại” cho nhau những sở trường cũng như sở đoản. Tuy “vào nghề” sau nhưng anh Bí thư đoàn phường 8, Q. Gò Vấp Nguyễn Kim Hiếu lại “tăng tốc” rất nhanh trong việc phấn đấu của cá nhân và cũng làm nên chuyện phong trào đoàn thanh niên “sau lũy tre làng”. Cả 2 đều là “thủ lĩnh” phường đoàn giỏi của quận Gò Vấp không thiếu tên trong đội ngũ kế cận của địa phương.
 Suốt ngày chạy ngược chạy xuôi tay chân rối rít với công việc đoàn thể trong một địa bàn rộng nhưng 2 anh em vẫn không quên việc học. Cuối năm nay khi anh trai Dương Hoàng lấy được tấm bằng cử nhân kinh tế thì Hiếu cũng bắt đầu vào học năm cuối Trường ĐH Luật TP.HCM. Có được thành quả đó ngoài công sức cá nhân không thể không kể đến sự khuyến khích của cha mẹ vì theo ông Lương: “Trong thời đại mới, người Đảng viên không có tri thức, thiếu trình độ thì làm việc gì cũng khó”.
Bài, ảnh: HƯƠNG THỦY

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)