Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nghề… nghe chửi

Tạp Chí Giáo Dục

Có được tận mắt chứng kiến mới thấy hết sự vất vả của người làm nghề “đầy tớ”. Ảnh: T.A

Cuộc sống hiện đại kéo theo nhiều loại hình dịch vụ “tận răng”. Một trong những loại hình dịch vụ ấy là dịch vụ vệ sinh salon, giặt rèm cửa… Không ít người bảo người làm nghề này là “đầy tớ” hay nghề… nghe chửi.
Nghề… “đầy tớ”
Hơn 4 năm chị Nguyễn Thị Hải Anh làm công việc trực điện thoại cho dịch vụ giặt salon, rèm cửa Minh Thông (đường Lý Thái Tổ, quận 3) chị không nhớ nổi mình đã nhận bao nhiêu cuộc điện thoại từ khách hàng mắng oan. “Đó là những vị khách cực kỳ khó tính”. Chị Hải Anh khẳng định. Từ chuyện nhân viên làm cẩu thả, vận chuyển salon không nhẹ nhàng đến chuyện lỡ tay làm văng nước bẩn ra sàn hoặc tường nhà. Có những lý do không đâu vào đâu, hết sức nhảm nhí mà khách hàng cũng gọi điện mắng cho đã cái miệng.
Người trực tiếp hướng dẫn các “đầy tớ” làm việc tại nhà khách hàng của dịch vụ Minh Thông là anh Nguyễn Văn Thịnh. Anh Thịnh đã có 15 năm làm nghề “đầy tớ”. Những ngày đầu vào nghề, dịch vụ này chưa thực sự ăn khách nên thu nhập rất bấp bênh. Lúc bấy giờ, chủ yếu thực hiện giặt thảm cho các nhà hàng, khách sạn. “Những năm gần đây, nhất là vào dịp Tết tìm “đầy tớ” không ra. Cái nghề nghe rẻ mạt vậy mà trở nên có giá”. Anh Thịnh tự tin nói.
Theo “hợp đồng”, nhóm “đầy tớ” phải giặt hai bộ salon bằng vải bố, 6 chiếc ghế (ghế bàn ăn) và 12 bộ rèm cửa lớn nhỏ. Chủ nhân của căn biệt thự trị giá khoảng 5 tỷ đồng là một phụ nữ to béo có giọng nói “hàng cá hàng tôm”. Chúng tôi vừa bước qua cổng chính, chủ nhà dặn dò: “Làm cho thật sạch, không để nước vấy bẩn lên tường, khiêng ghế nhẹ kẻo trầy gạch…”. Với tôi, chỉ bấy nhiêu đó thôi nghe cũng đã thấy… đuối. Đồ nghề của “đầy tớ” tương đối gọn nhẹ, tất cả các loại xô chậu, nước tẩy rửa… đều được cho vào chiếc máy chuyên giặt ghế và salon. Công đoạn trước tiên là hút bụi sau đó mới dùng đến bàn chải chà nhẹ (bằng nước xà bông), cuối cùng là dùng máy hút nước từ ghế ra. Bà chủ nhà lê tấm thân ục ịch đi tới đi lui, miệng liên tục nhắc nhở các “đầy tớ” làm kỹ hơn nữa. Anh Thịnh quay sang tôi nói khẽ: “Chua quá”. Loay hoay mãi với chiếc ghế salon bị hoen ố, “đầy tớ” Phong không thể tiếp tục xử lý vết bẩn quá cứng đầu. “Cái này bị thâm từ lâu, có thể bị dính mủ trái cây không giặt được”, Phong nói với chủ nhà. Ngay lập tức, từ bên trong cánh cửa kiếng đang hé mở, chủ nhà đáp lại như quát: “Tụi bây nhắm làm được thì làm không thì để tao báo với chủ tụi bây”. Bằng mọi biện pháp như cố để chủ nhà bớt giận nhưng vẫn không xóa được vết bẩn, anh Thịnh nói: “Dùng hóa chất đậm đặc (chất tẩy rửa – PV) sẽ xử lý được nhưng sẽ làm hỏng các đường chỉ thêu họa tiết trên mặt nệm ghế”.
Nỗi niềm người trong cuộc
Anh Thịnh tâm sự: “Làm cái nghề này mà nóng tính thì thua chắc, phải khôn khéo trong xử lý các tình huống. Ai mới vào nghề cũng nghĩ sẽ bỏ cuộc sau một ngày đầu vì chủ nhà khó tính quát mắng chẳng khác nào chủ mắng “đầy tớ”. Cũng có không ít “đầy tớ” không kìm được sự tức giận nên trả thù cho bỏ ghét bằng cách thấm hóa chất đậm đặc làm hỏng đồ đạc của chủ, anh Thịnh cho biết thêm.
Nghề “đầy tớ”, cái nghề ít người nể trọng, lắm kẻ khinh khi. “Gặp chủ nhà niềm nở, biết quý trọng công việc của “đầy tớ”, hỏi han, chia sẻ với những khó khăn của mình thì mình tìm thấy niềm vui nơi công việc. Nhiều lúc muốn tìm một công việc khác khi bị xúc phạm nhưng biết đâu chính những lời chửi mắng của chủ nhà đã cho mình thấy rằng mình phải cố gắng hơn nữa để thoát khỏi cái nghèo. Dù thế nào mình cũng phải chịu đựng, nhẫn nhục, đó là tố chất của người làm nghề này. Tụi này bị chửi riết rồi cũng quen, lắm lúc không được nghe chửi cũng buồn”, “đầy tớ” Phong nói. Hầu hết các “đầy tớ” đều hưởng lương tháng, khi nào làm ngoài giờ sẽ được hưởng phần trăm/sản phẩm. Lương của “đầy tớ” không cao lắm, khoảng 2,5 đến 3, 5 triệu đồng/tháng. “Có tháng kiếm cũng được từ 5 – 7 triệu nhờ gặp khách sộp “boa”. Anh Thịnh cho hay.
Trời nhá nhem tối, nhóm anh Thịnh đã hoàn tất công việc. Đang thu dọn đồ nghề thì chuông điện thoại anh Thịnh reo. Nghe xong, quay sang nhìn tôi anh Thịnh bảo: “Ông về trước, tụi này còn phải đi nữa, chắc đến 12 giờ đêm mới xong”. Nghề “đầy tớ” là thế đấy.
Trần Tuy An
Mỗi bộ ghế salon khách phải trả cho dịch vụ từ 250 đến 350 ngàn đồng. Giặt một bộ ghế ăn (6 chiếc) giá từ 100 – 120 ngàn đồng, rèm cửa giá 12 ngàn đồng/kg… “Đầy tớ” phải làm công việc nặng nhọc, kỳ công nhưng thu nhập không cao lắm, nếu không may hỏng đồ đạc của chủ “đầy tớ” phải móc hầu bao ra đền.
 

Bình luận (0)

Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Nghề “nghe chửi”

Tạp Chí Giáo Dục

Sau 6 tháng làm việc, khoảng 30% số nhân viên tại Call Center bỏ việc vì áp lực – Ảnh: Trường Sơn

Tại Việt Nam, không có trường nào đào tạo nghề Call Center. Cũng rất ít người có thể hình dung công việc này ra sao. Chỉ đến khi nghe người trong cuộc than là "nghề nghe chửi mắng", thì người ta mới hiểu đôi chút…

Cảm ơn khi khách hàng… chửi!

Nếu hiểu một cách nôm na thì đây được coi là nghề trả lời điện thoại và công việc có vẻ tương tự như tổng đài 1080. Tuy nhiên, cùng là trả lời điện thoại, nhưng làm việc tại Call Center (bộ phận giải đáp khách hàng của các mạng di động) và tại đài 1080 là rất khác nhau.

Tại Call Center, hầu hết các khách hàng đều đang bực mình vì các sự cố của các mạng di động như mạng trục trặc, tiền khuyến mại bị thiếu, tin nhắn gửi không được… Thêm vào đó, các cuộc gọi tới Call Center là hoàn toàn miễn phí. Vì thế, điều kiện cho việc bày tỏ bức xúc càng có cơ hội… phát triển. Chưa hết, có mạng di động còn đặt ra nguyên tắc: "Xin lỗi khách hàng khi khách hàng không hài lòng với dịch vụ của chúng ta, cho dù chúng ta có lỗi hay không". Vì vậy các nhân viên không có quyền phản ứng khi khách hàng phàn nàn mà chỉ được “xin lỗi” và “cảm ơn” cả khi bị khách hàng chửi mắng…

Trung bình một ngày, một nhân viên làm việc tại Call Center phải nhận và trả lời ít nhất khoảng 150 cuộc điện thoại, lúc cao điểm là khoảng 250 cuộc. Vài năm trước đây, số cuộc trả lời trung bình của một nhân viên còn lên đến gần 300. Vào thời điểm hiện tại, thời gian cộng dồn trả lời liên tục của một điện thoại viên là 5 giờ, còn cao điểm thì tới gần 7 giờ liên tục (trong tổng thời gian là 8 giờ làm việc).

Chỉ tính riêng việc phải nhận từng đó cuộc gọi và phải trả lời điện thoại liên tục với từng đó thời gian trong một ngày, có thể thấy công việc của một điện thoại viên áp lực đến mức nào. Áp lực này còn tăng lên gấp bội khi hầu hết các cuộc điện thoại gọi đến đều có giọng điệu bức xúc, tức tối…

Chị Phạm Diệu Thúy, Phó giám đốc Công ty Vinatad – một công ty cung cấp và quản lý nhân lực Call Center cho biết, do áp lực quá căng thẳng, rất nhiều nhân viên đã bị ngất xỉu trong ca làm việc. "Tôi đã rất nhiều lần phải đưa nhân viên đi cấp cứu vì bị ngất khi đang hoặc vừa dứt cuộc điện thoại trả lời khách hàng", chị Thúy nói.

 

 

Theo thống kê của các công ty cung cấp và quản lý nhân lực Call Center cho các mạng di động, hơn 90% điện thoại viên ở Call Center là nữ và có độ tuổi dưới 30. Các tiêu chí khác là không được nói giọng phương ngữ, không nói quá ngọng… Trong số 100 người trúng tuyển có 30 người tự bỏ việc trong vòng 6 tháng đầu tiên.

 

Chị T., nguyên là nhân viên Call Center của MobiFone, kể lại một câu chuyện khi chị còn là điện thoại viên. Vừa nhấc máy lên, chị T. đã bị chửi tới tấp. "Tiên sư cha chúng mày, đồ ăn cướp. Chúng mày trắng trợn thế hả? Tao vừa nạp tiền sao cướp luôn của tao?". Nhân viên này trả lời: "… Anh cho em xin số máy để kiểm tra ngay lập tức nhé". Khách hàng này lại tiếp tục: "Mày điên à? Mất rồi còn kiểm tra cái gì?". Sau đó, một bên thì cứ: "Dạ, vâng. Xin lỗi. Cảm ơn", một bên thì cứ chửi và kéo dài tới hơn 30 phút. Sau khi xả stress bằng… chửi, anh này nói với nhân viên: "30 phút nữa mày không gọi lại thì đừng có trách ông đấy nhé", nhân viên này lại… cảm ơn và hứa chắc chắn sẽ gọi lại.

Nỗi niềm Call Center

Điện thoại viên của một công ty cung cấp và quản lý nhân sự Call Center nói: "Em cũng thích cái nghề này nhưng làm lâu mà lương cũng không tăng mấy và cơ hội thăng tiến cũng ít nên đôi lúc cũng hơi buồn". T.T.H – một điện thoại viên của một công ty tại Hà Nội – thì tâm sự: "Nhìn bên ngoài, rất nhiều người tưởng bọn em là nhân viên của các mạng di động. Nhưng thực tế, bọn em chỉ là những người làm thuê ở bên ngoài và được hưởng rất ít lợi ích từ những khoản lợi nhuận khổng lồ của các mạng này. Các mạng di động lãi hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm, nhân viên tại các mạng này được thưởng to, tăng lương… nhưng nhân viên Call Center bọn em thì thu nhập cũng vẫn vậy. Không ít trường hợp, cùng một công việc tương tự nhau, thậm chí cùng ngồi chung trong một căn phòng làm việc nhưng nếu làm ở mạng di động thì thu nhập sẽ cao hơn ít nhất 3 – 4 lần…".

Bên cạnh vấn đề thu nhập, việc thừa nhận của xã hội đối với nghề này cũng là một bức xúc khác. Cùng với sự ra đời của mạng di động, Call Center cũng đã xuất hiện được 16 năm tại Việt Nam nhưng đến nay nghề này dường như vẫn không có mấy người biết tới và vẫn không được đánh giá cao. Phạm Thanh Vân – Giám đốc Call Center của Viettel cho biết: "Rất nhiều người vẫn còn cho rằng nghề này là cái nghề chẳng cần đầu óc gì, toàn người "thiếu iốt" mới vào đó làm… ".

Hoàng Ly (TNO)