Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Chạm đến linh hồn của dó

Tạp Chí Giáo Dục

Đứng trước bức tranh giấy dó êm ả, người ta biết ngay đó chỉ có thể là tranh của Việt Nam.

Festival – tranh giấy dó của Dương Việt Nam

“Trong giấy dó có hồn người Việt” – câu nói đó gần như là khẩu hiệu của triển lãm “Nghệ thuật dó Việt đương đại lần thứ nhất” tại Âu Cơ gallery (số 1, ngõ 124/22 Âu Cơ, Tây Hồ, Hà Nội) của chín họa sĩ vẽ giấy dó lâu năm là: Lý Trực Sơn, Nguyễn Quân, Lương Xuân Đoàn, Phan Cẩm Thượng, Nguyễn Xuân Tiệp, Nguyễn Sỹ Bạch, Nguyễn Văn Cường, Phạm Viết Hồng Lam, Dương Việt Nam. Triển lãm trưng bày tới hết ngày 4-6-2010.

Là họa sĩ Việt Nam, hầu như ai cũng từng vẽ qua chất liệu giấy dó, nhưng để tôn vinh một chất liệu truyền thống mà người xưa dùng để in khắc sách cổ, làm tranh thờ, tranh dân gian (giấy điệp để in tranh Đông Hồ chính là giấy dó quét vỏ điệp…) và để giấy dó chuyển tải những thông điệp của hội họa hiện đại thì không phải là dễ…

Trước đây, giấy dó thường được các họa sĩ đặt làm với khổ lớn dùng để vẽ chơi hoặc làm ký họa, phác thảo… chứ chưa trở thành một chất liệu có vị trí như lụa hoặc sơn mài. Có nhiều cỡ giấy và loại giấy, từ dày dặn cho đến mỏng tang như lụa. Khoảng những năm 1980, giấy dó mới được các họa sĩ chú trọng thể hiện như một chất liệu tự thân cho hội họa với đặc trưng Việt Nam rất khác biệt so với giấy xuyến chỉ của Trung Quốc hay các loại giấy vẽ của châu Âu.

Họa sĩ Lý Trực Sơn, người vẽ giấy dó khá “cự phách”, nói rằng vẽ chất liệu nào thì phải đắm đuối mới thực hiểu chất liệu ấy. Vẽ trên giấy dó phải tận dụng hết sức biểu hiện của nền giấy, kể cả khoảng trống không vẽ, độ thấm màu và cả những độ “lờm xờm” của góc cạnh tờ giấy. Giống như bề mặt chưa vẽ của tấm vóc (sơn mài) có sự trừu tượng, tấm lụa có sự mịn màng mờ ảo, thì bề mặt tờ giấy dó chưa vẽ cũng có nét đẹp đặc trưng là cảm giác ấm, mịn, đằm mắt, đầy đặn (hoặc thô xước nhưng vẫn ấm cúng) như một món ăn ngon vậy.

Có họa sĩ nói “trong giấy dó có hồn người Việt” thì rất hay, nhưng khi vẽ xong thì “hồn Việt” có còn hay không lại là chuyện khác. Có người vẽ chì chạt lên nền giấy dó, chẳng thấy cảm giác nền đâu. Nếu vẽ dó mà không để ý đến linh hồn của nó thì vẽ trên bìa hay trên tờ giấy báo cũng không khác gì…

Có thể nói trong triển lãm lần này các họa sĩ đã “căng” những cung bậc biểu hiện của hội họa khá dài trên nền giấy dó vừa mộc mạc, vừa sang trọng. Từ những tranh mô tả phong cảnh làng quê thanh bình đơn giản của Phạm Viết Hồng Lam, đến phong cảnh “chụp ảnh” phố xá màu mè rộn rã của Dương Việt Nam; tới những bức tranh biểu hiện của các họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Nguyễn Quân, Nguyễn Xuân Tiệp, Sỹ Bạch, Nguyễn Văn Cường…

Và cuối cùng là những bức tranh gần như trừu tượng hoàn toàn “chạm đến linh hồn của dó” của các họa sĩ Lý Trực Sơn, Phan Cẩm Thượng.

VŨ LÂM (Theo TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)