Theo số liệu thống kê từ đường dây nóng của Cục Bảo vệ Chăm sóc Trẻ em trong những ngày cuối năm 2012, bạo hành tại trường học tăng 13 lần so với 10 năm trở về trước. Một trong những nguyên nhân chính là do phía cha mẹ đã lơi lỏng trong việc dạy con.
Bên cạnh đó, một cuộc khảo sát do khoa Xã hội học, Trường ĐH KH XHNV – ĐH Quốc gia Hà Nội thực hiện mấy năm trước tại 2 trường THPT tạiquận Đống Đa (Hà Nội) về tình trạng bạo lực nữ sinh đã cho thấy nhiều kết quả đáng lo ngại. Cụ thể, có đến 96,7% số học sinh (HS) trong mẫu được hỏi cho rằng ở trường các em có xảy ra hiện tượng nữ sinh đánh nhau. Mức độ bạo lực trong nữ sinh là 44,7% rất thường xuyên; 38% thường xuyên và 17,3% không thường xuyên.
Hiện tượng học sinh nữ đánh nhau khá phổ biến.
Cha mẹ mải mê kiếm tiền và ỉ lại nhà trường!
Vài năm trước, hiện tượng HS đánh nhau trong Trường THPT Kim Anh (Sóc Sơn, Hà Nội) diễn ra khá phổ biến, nhà trường đã phải phối hợp với các cơ quan liên quan mới ngăn chặn kịp thời.
Lãnh đạo Trường THPT Kim Anh cho biết, vấn đề này chúng tôi rất ngại vì tâm tư suy nghĩ của các em khó lường hết được. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là nhận thức của cha mẹ bởi 85% cha mẹ HS của trường là nông dân nên có rất nhiều hạn chế về nhận thức trong việc quan tâm đến tâm sinh lý con em mình, điều kiện kinh tế khó khăn nên một số cha mẹ học sinh gần như không để mắt đến việc dạy bảo con cái họ, phó mặc cho nhà trường.
Số đông cha mẹ học sinh không để ý đến tâm sinh lý các em, bắt các em làm việc, nhiều em như lao động chính trong gia đình. Trong trường trước đây có trường hợp cha mẹ đi làm thuê xa để con ở nhà tự do không có người chăm sóc nên bị lôi kéo dẫn đến sa ngã đua đòi. Ví dụ như năm trước đây ở trường có một học sinh nữ theo đám bạn xấu bỏ đi 5 ngày, gia đình kết hợp với chính quyền tìm được về. Bên cạnh đó, nhiều cha mẹ HS là lao động chân tay nên phương pháp giáo dục con cái rất hạn chế, các bậc cha mẹ vẫn dùng biện pháp trừng phạt thân thể, tinh thần, chửi mắng, sỉ nhục các em… để giáo dục con họ, khiến các em cảm thấy thiếu tự tin, bị tổn thương hay mặc cảm về bản thân, ít gần gũi và chia sẻ với mọi người nhất là các em gái đang tuổi mới lớn. Khi bị cha mẹ đánh, các em cảm thấy xấu hổ với bạn bè, càng làm diễn biến xấu đi.
Cô giáo Nguyễn Thị Bạch Loan, Trường THCS Kiến Hưng cho biết: “Trước đây, nhiều cha mẹ HS của trường do mải làm kinh tế thậm chí không biết con học lớp nào, thầy cô nào chủ nhiệm. Có khi sự việc xảy ra với con mình thì có thái độ bất hợp tác hoặc còn can thiệp một cách tiêu cực như dọa, đánh HS dẫn đến mâu thuẫn giữa các phụ huynh với nhau. Thực tế, khi được hỏi về chuyện dạy con em mình cách phòng chống xâm hại, hầu hết các phụ huynh đều trả lời rằng “Bản thân họ hồi bé cũng chưa ai dạy về vấn đề này nên họ không biết làm sao để dạy lại cho con” dẫn đến tâm lý ỉ lại cho nhà trường”.
Cô Loan cho hay, hiện nay tình trạng bạo lực học đường trong nhà trường đã giảm hẳn bởi vì công tác tuyên truyền và nêu gương đội ngũ cha mẹ HS của trường đã có sự chuyển biến trong nhận thức, từng bước đã quan tâm đến con cái, thường xuyên trao đổi với giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn, hợp tác – phối hợp kịp thời với nhà trường.
Phối hợp chặt chẽ với nhà trường
Vấn đề bạo lực học đường đã, đang và có thể diễn ra tại bất kỳ một ngôi trường nào, nó không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm lý, sức khỏe có khi cả tính mạng con người và vấn đề này đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người.
Các bên liên quan dẫn tới bạo lực học đường chính là gia đình, nhà trường và xã hội và từ chính bản thân cô đơn bế tắc của một số trẻ. Cha mẹ và người thân trong gia đình chưa gần gũi, chia sẻ, dành thời gian chăm sóc dạy dỗ con. Một số giáo viên chưa có kinh nghiệm xử lý tình huống sư phạm. Xã hội nhiều tệ nạn, tranh ảnh, sách báo thiếu lành mạnh đã tác động không nhỏ đến tâm sinh lý và sự hình thành nhân cách HS.
Để khắc phục tình trạng này, Trường THCS Dương Quang (Hà Nội) đã phối hợp với ban Đại diện cha mẹ HS cung cấp tài liệu, tổ chức tuyên truyền phòng chống bạo lực học đường tới 100% phụ huynh, HS nhằm nâng cao hiểu biết của phụ huynh về đặc điểm tâm lý lứa tuổi của trẻ vị thành niên, nâng cao nhận thức về các dấu hiệu của hành vi bạo lực học đường góp phần giáo dục tích cực ngay từ gia đình.
Lãnh đạo Trường THCS Thăng Long (quận Ba Đình, Hà Nội) đề nghị: “Phía gia đình cần chú ý tới các mối quan hệ bạn bè của con gái. Biết giúp con giải tỏa những bế tắc trong cách ứng xử với bạn bè hoặc các mâu thuẫn của con với các bạn. Gia đình gần gũi nhất với các em nên cha mẹ nếu thấy sự bất thường hay suy nghĩ, hành động lệch lạc của con thì cần định hướng lại ngay và báo cho giáo viên chủ nhiệm cùng phối hợp giúp đỡ”.
Lãnh đạo Trường THPT Cầu Giấy Hà Nội cho rằng, giải quyết vấn đề bạo lực giới học đường cần sự chung tay, chung sức của các bậc cha mẹ HS, giáo viên chủ nhiệm và các lực lượng giáo dục trong nhà trường cũng như các lực lượng chức năng trong xã hội.
Về phía cha mẹ, trước hết phải là tấm gương sáng cho các con. Cha mẹ phải xây dựng được môi trường gia đình hạnh phúc, công bằng và không có bạo lực giới. Cha mẹ không được phân biệt đối xử giữa con trai và con gái, cần nắm rõ đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi của các con mình, cần quan tâm tới con cái một cách toàn diện cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Cha mẹ cũng cần trang bị cho mình và trang bị cho con những kỹ năng sống cần thiết để tránh xa bạo lực giới và tự bảo vệ mình trước bạo lực giới. Bên cạnh đó, khi nhận thấy các dấu hiệu của bạo lực giới xảy đến đối với con mình, cần báo cáo, chia sẻ với các thầy cô giáo, với nhà trường và các lực lượng chức năng để cùng tìm phương án giải quyết, giúp đỡ cho con.
Hồng Hạnh
(Dân trí)
Bình luận (0)