Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Kỹ sư” non bộ

Tạp Chí Giáo Dục

Lao động của “kỹ sư” non bộ là lao động sáng tạo, thu nhập thấp nhất không dưới 100 ngàn đồng/ngày. Ảnh: I.T

Xuất thân từ những thợ xây, thậm chí chưa được một ngày làm thợ lại trở thành những kỹ sư non bộ chuyên nghiệp với thu nhập cao. Đến với nghề thiết kế, tạo dáng non bộ ngoài tính kiên trì, chịu khó phải có óc thẩm mỹ và trí sáng tạo.
Làng “kỹ sư non bộ”
Tôi đến “Làng non bộ” (phường Tân Phong, quận 7) vào một buổi trưa trung tuần tháng 12. Khu vực này có trên chục cơ sở chuyên trồng và kinh doanh hoa kiểng, trong số ấy có đến 6 hộ gia đình kiêm luôn nghề thi công non bộ. Nhiều đại gia còn gọi Làng non bộ bằng một cái tên khác: Làng “kỹ sư” non bộ. Không khó để hiểu vì sao có cái tên như vậy vì nơi đây được xem có nhiều thợ thi công non bộ tay nghề thuộc bậc nhất của TP.HCM. Bước vào trong một hoa viên, một thiếu niên từ bên trong chạy ra với lời mời đon đả: “Chú mua kiểng hả, lớn hay nhỏ, loại nào cháu cũng có hết”. Tôi chưa kịp trả lời, cậu ta tiếp: “Hay là chú cần hòn non bộ, ở đây có mẫu đã tạo dáng sẵn, nếu chú không thích tụi cháu sẽ đến tận nhà thi công theo ý của chú”. Tôi đi thẳng vào bên trong nơi trưng bày nhiều mẫu hòn non bộ. Chỉ vào mẫu thích hợp đặt trong nhà có kích thước vừa phải, tôi giả vờ hỏi giá. “Chú mới đến đây lần đầu, cháu lấy giá hữu nghị để làm quen, 8 triệu đồng chú à”. Cậu thiếu niên lúc nãy trả lời. Đang suy nghĩ tìm cách từ chối sao cho khéo, một thanh niên từ bên ngoài vào (sau mới biết tên Hưng) bồi thêm: “Đây là mẫu thợ mới sáng tác, anh đi khắp làng này cũng không kiếm ra mẫu đặc biệt này đâu”. Nói mẫu đặc biệt vậy chứ cũng chỉ là những mẫu có hình dáng, kiểu cọ hết sức bình thường, tạo dáng rất thô kệch. Phía trước là một cái thác nước nhỏ, bên trong là san hô được xây nối cao bằng hồ (xi măng).
Thu nhập của “kỹ sư” non bộ khá cao, người có tay nghề yếu nhất cũng kiếm được không dưới 100 ngàn đồng/ ngày. Như anh Nguyễn Bá Thân (quê Diên Khánh, Khánh Hòa), dù mới vào nghề chưa lâu nhưng lương 3 triệu đồng/ tháng. Ở hoa viên Bình Minh có anh Cao Xuân Thanh lĩnh lương 5 triệu đồng/ tháng. Nhiệm vụ của anh Thanh hàng ngày là đưa ra ý tưởng, chủ đề và mô phỏng non bộ trên giấy cho công nhân thi công. Hiện anh Thanh cũng được nhiều đại gia “săn” về thiết kế mẫu non bộ cho các căn biệt thự sân vườn. Anh Thanh cho biết: “Chỉ tính riêng giá thiết kế một mẫu không dưới 5 triệu đồng (chưa kể công thi công-NV). Cũng như các cơ sở khác, nếu không đồng ý thì cũng phải trả tiền thiết kế từ 500 đến 700 ngàn đồng, tùy vào giá trị của mẫu thiết kế. Với giá thiết kế như vậy, để thi công phải mất trên dưới 50 triệu đồng/ non bộ”.
“Hàng ngày có rất đông thợ tìm đến Làng non bộ xin việc, tuy nhiên số người có năng khiếu thật sự chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hơn nữa, một tố chất không kém phần quan trọng để đến với nghề này đó là lòng yêu nghề họ cũng không có nên hầu hết họ chỉ được nhận vào làm thi công ở những công đoạn đơn giản. Trong tương lai không xa, nghề thi công non bộ sẽ là nghề “hot” trong giới sinh vật cảnh” – anh Thanh tự tin nói.
Giữ chân “kỹ sư”
Ông Nguyễn Văn Bảy, chủ cơ sở kinh doanh non bộ Bảy Nhất tâm sự: “Kiếm được một “kỹ sư” non bộ không dễ cũng không khó. Hiện nay, thợ có tay nghề là không hiếm, quan trọng mình có đủ khả năng trả lương cho họ hay không. Chú thấy đấy, trung bình một thợ mình phải mất 3,5 triệu đồng/ tháng, làm ăn được thì không nói gì, hàng làm ra cứ để phơi nắng chỉ có đường bán nhà trả lương. Đã vậy thợ bỏ đi hết, mà khi họ đi đồng nghĩa với việc mẫu mới của mình bị sao chép, bị tuồn ra ngoài”. Thợ ở các hoa viên, non bộ phải tuyệt đối giữ bí mật về các mẫu mới mà cơ sở của mình sắp tung ra thị trường. Anh Thân kể: “Năm ngoái, mất hai tháng ròng tôi mới cho ra một mẫu mới và đang trong thời gian thi công để kịp dự thi Lễ hội sinh vật cảnh thành phố thì phát hiện một cơ sở khác cũng làm một mẫu tương tự dựa trên ý tưởng của mình. Biết chắc là có ai đó để lộ ra ngoài, tôi và ông chủ làm công tác tư tưởng suốt mấy đêm liền mới có người nhận lỗi đã bán ý tưởng ấy ra ngoài với giá 4 triệu đồng”.
Dịp cuối năm, kỹ sư non bộ có tay nghề chạy sô bở hơi tai. Cứ vài tháng một lần “kỹ sư” phải đến nhà sửa, tân trang lại hòn non bộ theo yêu cầu của chủ. Hơn nữa, nhiều hòn non bộ còn trong thời gian “bảo hành” phải ưu tiên số một. Kỹ sư cũng được quy định năng suất làm việc, mỗi năm cho ra bao nhiêu mẫu mới được lĩnh lương theo thỏa thuận. “Kỹ sư” nào vượt định mức có thể chạy sô kiếm thêm thoải mái nhưng tuyệt đối không làm thêm bỏ tiền túi đối với khách là mối của chủ cơ sở. Ngược lại, “kỹ sư” làm việc không đạt yêu cầu cũng bị chế tài vào lương hoặc thuyên chuyển làm việc khác với thu nhập thấp hơn như tưới cây, vận chuyển hoa kiểng đến nhà khách khi cần.
Ông Bảy còn cho hay, vào dịp cuối năm thợ thường tìm đến những chỗ trả lương cao hơn để làm. Năm nay, để giữ chân thợ tôi khuyến khích anh em bằng cách ai sáng tạo ra mẫu nào lạ, có ý nghĩa độc đáo nhất sẽ được thưởng 30% giá trị của hòn non bộ đó.
Trần Tuy An

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)