Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Vì sao sinh viên ĐH QGTPHCM chê KTX mới?

Tạp Chí Giáo Dục

Việc bàn giao nhà chậm sau thời gian nhập học làm sinh viên rơi vào thế đã rồi. Dư âm tình trạng mất an toàn ở lối vào ký túc xá (KTX), thiếu phương tiện đi lại về đêm, giờ đóng cửa cứng nhắc làm sinh viên ngần ngại. Ban quản lý sẽ sớm khắc phục việc này.

KTX khu B ĐH Quốc gia TP.HCM được xây dựng khá hiện đại đáp ứng nhu cầu cho hơn 5.000 sinh viên. Tuy nhiên, năm học này, nơi đây mới chỉ tiếp nhận 2.000 sinh viên.
Ông Trần Thanh An, Giám đốc KTX ĐHQG TP.HCM, giải thích nguyên nhân như sau: ĐHQG có hơn 30.000 sinh viên. Hiện tại KTX đáp ứng được một nửa trong số đó. Nguyên nhân KTX dư 3.000 chỗ ở là do tiến độ xây dựng, bàn giao nhà chậm hơn thời gian nhập học. Khi KTX tiếp nhận nhà thì sinh viên đã vào học và có chỗ ở ổn định. Nhưng qua khảo sát của chúng tôi, việc sinh viên chê KTX mới còn do một số nguyên nhân khác.
Ngán ngại tình trạng thiếu an ninh
Từ trung tâm khu đô thị ĐHQG TP.HCM đến KTX khu B dài 2-3 km. Muốn vào KTX, sinh viên phải đi qua khu vực hồ đá và hai cánh rừng tràm trải dài dọc đường. Ban ngày, khu vực này khá lãng mạn, từng tạo ra kỷ niệm đẹp cho nhiều thế hệ sinh viên.
Tuy nhiên, mấy năm trước khu vực hồ đá và rừng tràm thường xảy ra tình trạng cướp giật, trấn lột và chết đuối. Hai khu rừng tràm được đặt tên “cánh rừng tội lỗi” do từng xảy ra cảnh bạo lực, chết chóc… gây tâm lý e ngại vào ban đêm. Thời gian gần đây, an ninh thắt chặt, đèn chiếu sáng được tăng cường. Ngay đầu đường vào khu hồ đá được lập một chốt bảo vệ thường trực 24/24. Bên trong khu vực hồ có thêm hai chốt bảo vệ chặn các ngả đường. Hồ đã được rào chắn xung quanh bằng thép gai cùng nhiều biển cảnh báo nguy hiểm.
Dẫu rằng tệ nạn giờ đã giảm nhưng tình trạng vắng vẻ vẫn gây tâm lý bất an cho sinh viên, đặc biệt là đối với các bạn năm nhất, năm hai nên nhiều sinh viên chấp nhận thuê phòng bên ngoài với giá cao gấp nhiều và phải sống chung với tình trạng trộm cắp.
Bạn Nguyễn Văn Đức, sinh viên năm hai Trường ĐH KHXH&NV, cho biết mình xin vào khu A của KTX không được, có nghe nói trong khu B còn chỗ nhưng thấy trong đó vắng vẻ quá, đi lại buổi tối không an toàn nên không muốn xin vào, đành ra ngoài ở trọ với giá 1 triệu đồng/tháng. “Ở ngoài bất tiện lắm, giá nước, giá điện sinh hoạt khá cao, phòng trọ nhỏ, mái tôn ẩm thấp. Trời nắng, ban ngày nóng không chịu được; trời mưa, nước dột khắp phòng nhưng đành chấp nhận sống qua thời sinh viên” – Đức than thở.

KTX khu B khang trang, hoành tráng nhưng đường vào KTX phải băng qua khu vực hồ đá và khu rừng tràm vắng vẻ khiến sinh viên cảm thấy bất an nếu đi lại vào ban đêm.
Bất tiện giờ giấc, đi lại
Bạn Nguyễn Thị Kim Liên, sinh viên năm hai Trường ĐH KHXH&NV, cho biết: “Hồi năm nhất mình xin vào KTX khu A nhưng không được nên mình ra ngoài thuê phòng trọ ở chung với hai bạn trong lớp. Giờ tụi mình ở chung với nhau quen rồi nên không có ý định vào ở KTX nữa. Vẫn biết ở KTX sẽ an toàn và tiết kiệm hơn nhiều so với ở ngoài nhưng tụi mình nấu ăn quen rồi. Riêng khu B, nằm xa khu vực dân cư, đường vào vắng vẻ, con trai vào ở thì được nhưng con gái một mình ít ai dám đi ngang qua hồ”.
Phạm Thị Linh học năm nhất ĐH Khoa học Tự nhiên được một suất ở khu B nhưng đã từ chối. Linh chia sẻ: “Đường đi vào khu B nhìn vắng vẻ lắm, dù có xe buýt chạy vào KTX nhưng chỉ 9 giờ là hết rồi, lỡ đi đâu về trễ thì không biết làm sao nữa. Em cũng nghe nói trong hồ đá phức tạp lắm, em có ý định đi làm gia sư và học thêm ngoại ngữ nên chấp nhận ở ngoài”.
Ngoài tâm lý e ngại vì đường vào hẻo lánh, không được nấu ăn, một số sinh viên năm hai, năm ba sống trọ bên ngoài đã quen nên không muốn thay đổi cuộc sống.
Bạn Nguyễn Thị Tuyết Lê học năm tư ĐH KHXH&NV cho biết: Em quê ở Khánh Hòa, ba năm trước đều ở nhà A10 KTX khu A ĐHQG nhưng sang năm tư thì không có suất vì dành chỗ cho sinh viên năm nhất. Ban quản lý KTX có nói nếu dư chỗ sẽ tiếp tục bố trí sắp xếp. Nhưng em ra ngoài đặt tiền cọc nhà nửa năm trời nên không làm đơn xin vô nữa. Với lại nếu xin vào được cũng phải ở khu B có nhiều bất tiện. Nhìn KTX heo hút, ghê ghê, trên đường ít người qua lại nên đành ở ngoài với giá thuê phòng gần 1 triệu đồng, tiền điện 3.000 đồng/một số, nước giếng mỗi tháng 30.000 đồng. 
KTX sẽ tiếp tục cải thiện
“Dọc đường đi ra KTX khu B, do không có dân ở nên nhìn vẫn còn vắng nhưng trong thời gian tới, hai bên đường sẽ xây những dãy nhà công vụ, Viện Tài nguyên Môi trường, nhà khách của ĐHQG. Ban giám đốc cũng đang quy hoạch khu bờ hồ thành khu vui chơi nên khoảng cách đi lại giữa KTX khu A và khu B sẽ gần nhau hơn. Tương lai khu vực hồ đá sẽ là trung tâm của ĐHQG với nhiều khu nhà, khu vui chơi.
Trong thời gian tới, KTX sẽ bố trí xe chuyên dụng để đưa đón sinh viên từ khu A qua khu B từ 21 giờ đến 23 giờ. KTX sẽ cạnh tranh theo luật thị trường với nhà trọ bên ngoài. Chúng tôi cố gắng đáp ứng tốt nhất nhu cầu sinh sống và học tập cho sinh viên.

KTX đóng cửa lúc 23 giờ nhưng đối với sinh viên làm thêm về trễ, nếu có đơn và có xác nhận của đơn vị làm việc sẽ du di về mặt thời gian. Trong KTX không được nấu ăn để đảm bảo an toàn cháy nổ và mỹ quan, không được hút thuốc, uống rượu và tụ tập. KTX chăm lo về mặt vật chất, tinh thần và đảm bảo tuyệt đối về mặt an ninh nên các bạn sinh viên cứ an tâm vào ở”. – Ông Trần Thanh An, Giám đốc KTX ĐHQG TP.HCM

Một số tiện ích của KTX
Theo Ban quản lý KTX ĐHQG TP.HCM, hiện tại mỗi phòng KTX rộng 30 m2 có tám sinh viên. Mỗi tầng lầu có phòng tự học, các câu lạc bộ vui chơi giải trí. Hằng tháng sinh viên chỉ phải đóng 120.000 đồng tiền phòng, tầm 15.000 đồng tiền điện, nước và 3.000 đồng tiền rác. Riêng tiền cơm chỉ có giá 12.000-15.000 đồng, đảm bảo tuyệt đối vệ sinh thực phẩm. Tại KTX có các hoạt động giải trí, câu lạc bộ tiếng Anh, guitar, tin học, điện ảnh… nếu sinh viên có nhu cầu, cơm sẽ được phục vụ tận phòng, hằng ngày có người giặt ủi quần áo tới tận phòng với giá 7.000 đồng/kg, đổ rác tận phòng.
Theo Hàn Giang
Pháp luật TPHCM

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)