Giáo viên và phụ huynh đừng nên tiết kiệm lời khen dành cho trẻ
|
Ai cũng thích được khen, nhất là trẻ em. Lời khen của cha mẹ, thầy cô giáo giống như một liều thuốc bổ để trẻ có thêm sức mạnh làm những việc tốt. Tuy nhiên, không phải cha mẹ và thầy cô giáo nào cũng hiểu được điều đó…
Mất hứng vì… không được khen
Vừa nhìn thấy mẹ đứng chờ ở cổng trường, Gia Bảo (học sinh lớp 1 một trường tiểu học ở Q.3) hớn hở chạy lại khoe: “Mẹ ơi, hôm nay con giỏi lắm. Con được 8 điểm môn toán”. Chị M.Ly – mẹ Gia Bảo – hỏi lại con: “Thế bạn Minh Anh được mấy điểm vậy con trai của mẹ?”. Gia Bảo thật thà đáp: “Bạn Minh Anh được 10 điểm ạ”. “Vậy thì con đâu có giỏi”, chị M.Ly lạnh lùng nói với con.
Nghe mẹ nói vậy Gia Bảo mất hứng. Cả quãng đường từ trường về nhà, ngồi sau lưng mẹ, em không nói câu nào. Buổi chiều đi làm về thấy con không vui vẻ như mọi ngày, anh Lâm – ba Gia Bảo – hỏi: “Sao buồn vậy con?”. Gia Bảo không trả lời mà chỉ lắc đầu. Đến giờ ăn, cậu bé cũng không chịu ăn. Anh Lâm hỏi vợ cớ sự thì chị M.Ly trả lời: “Con trai anh được có 8 điểm môn toán, trong khi bạn nó được 10 điểm. Vậy mà nó cũng rối rít khoe trước cổng trường. Thật mất mặt…”.
“Nếu so với 10 điểm của bạn học cùng lớp thì Gia Bảo còn kém xa. Nhưng lâu nay con chỉ toàn điểm 5, bây giờ có tiến bộ được tới 8 điểm. Vậy sao em không khen con để khích lệ nó tiếp tục cố gắng”, anh Lâm nói với vợ.
Những phụ huynh như chị M.Ly không phải là hiếm. Bởi phụ huynh nào cũng muốn con mình chỉ toàn điểm 9-10. Nhưng không trẻ nào giống trẻ nào, vì vậy, sức học của các bé cũng khác nhau. Vả lại, trên thực tế có nhiều học sinh kém các môn khoa học cơ bản nhưng lại giỏi các môn năng khiếu…
Rõ ràng chị M.Ly đã quá tiết kiệm lời khen đối với con. Trong khi thực tế là Gia Bảo rất đáng được khen bởi sự cố gắng từ điểm 5 lên điểm 8.
Có thể nhiều phụ huynh đã không hiểu rằng, việc họ kiệm lời khen sẽ vô tình gây thiệt thòi cho con. Như lời tâm sự của chị Kiều Oanh (nhân viên Công ty Bảo hiểm nhân thọ Hàn Quốc): “Trước đây tôi rất hay khen con, dù là chuyện nhỏ tôi cũng khen. Cho đến một ngày con bị điểm kém, tôi đã bỏ luôn thói quen đó. Từ đấy, có chuyện gì con đều không nói với tôi nữa. Bây giờ nghĩ lại, thấy mình đã quá khắt khe với con. Người lớn còn thích được khen, huống chi là trẻ con chứ”.
Hãy khen trẻ khi có thể
Không chỉ phụ huynh mà nhiều giáo viên cũng khá tiết kiệm lời khen đối với học sinh. Chẳng hạn như trường hợp của con chị Minh Hằng (nhân viên Ngân hàng Agribank, huyện Nhà Bè). Chị kể lại: “Một hôm đi học về, thấy mặt con gái (học lớp 3) rất buồn. Tôi hỏi con: “Hôm nay ở trường có chuyện gì không vui sao con?”. Nghe mẹ hỏi, cháu tỏ ra bức xúc: “Con buồn cô giáo lắm. Giờ ra chơi buổi sáng, con nhặt được một cây viết ở sân trường. Nhớ tới lời dạy của cô là nhặt được của rơi phải trả người đánh mất nên con đem cây viết đưa cho cô. Tưởng cô sẽ khen con, nhưng cô lại nói: “Chỉ là một cây viết thôi mà. Lần sau nếu nhặt được cây viết hay cục gôm thì em cứ đưa chú bảo vệ là được rồi””. Nghe con kể, tôi cũng bức xúc không kém. Tôi không hiểu cô giáo nghĩ gì mà lại nói với học sinh như vậy?
Có thể cô giáo đó có quá nhiều việc để làm nên không muốn mất thời gian vào những chuyện nhỏ nhặt như vậy. Và chắc hẳn cô đã không hiểu làm như vậy là có tác dụng ngược. Bởi học sinh sẽ không bao giờ dám gần gũi với cô nữa, tệ hơn các em còn mất lòng tin vào cô giáo…
Cô Lê Thị Ngọc Điệp – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) – cho biết: “Trong trường có nhiều học sinh, mỗi khi nhặt được của rơi đều đem vào phòng hiệu trưởng. Đặc biệt nhất là một học sinh lớp 2, dù nhặt được 5 ngàn, 2 ngàn, thậm chí chỉ có 500 đồng cũng đem vào phòng cô hiệu trưởng và nói: “Cô hiệu trưởng trả lại người đánh mất giúp con”. Một hôm “cu cậu” nhặt được cái USB, mặc dù biết đó là đồ của cô giáo chủ nhiệm nhưng vẫn đem xuống phòng hiệu trưởng. Tôi hỏi: “Con biết cái USB này là của cô chủ nhiệm, sao không đưa cho cô giáo mà lại phải đem xuống phòng cô hiệu trưởng. Lát nữa cô hiệu trưởng cũng phải đưa lại cho cô giáo của con mà”. Em trả lời: “Con muốn đưa cho cô hiệu trưởng vì cô sẽ khen con. Con thích điều đó”.
Rõ ràng, chỉ một lời khen đúng lúc của người lớn sẽ đem lại cho trẻ nhiều niềm vui và cả niềm tin vào người lớn nữa. Vậy thì cớ sao phụ huynh, giáo viên lại không rộng rãi khen ngợi học sinh khi lời khen đó là rất xứng đáng?
Bài, ảnh: Kim Anh
“Tôi thường nhắc nhở giáo viên trong trường phải khen ngợi học sinh khi các em làm được điều tốt. Đây là một cách khích lệ các em cố gắng trong học tập, trau dồi kỹ năng sống… Riêng bản thân tôi, mỗi khi học sinh làm được việc tốt, dù rất nhỏ tôi đều không tiếc lời khen. Có lẽ vì vậy mà quan hệ của tôi và học sinh rất thân thiện, gần gũi”, cô Lê Thị Ngọc Điệp – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm – cho biết. |
Bình luận (0)