Nhà trường cần tạo tâm lý thoải mái cho các em HS trước các kỳ thi cuối cấp. Ảnh: L.T |
Câu chuyện đau lòng của một số học sinh (HS) khối lớp 5 phải nhập viện vì áp lực học tập khiến những người công tác trong ngành giáo dục như tôi cảm thấy xót xa.
Điều này tại sao lại xảy ra đối với một cấp lớp được Bộ GD-ĐT chỉ đạo dạy học nhẹ nhàng cho các em?
Nguyên nhân chính dẫn đến việc các em HS lớp 5 – lớp cuối cùng của bậc tiểu học phải học nhồi, học nhét, học cho nhuần nhuyễn tất cả các kiến thức để chuẩn bị cho kì kiểm tra cuối cùng cũng do một phần của bệnh thành tích mà ra. Các thầy cô “sợ” HS của mình sơ sẩy tiếng Việt, toán theo một bộ đề chung sẽ ra trong học kì này. Được biết, năm học này, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có chủ trương giao các phòng GD-ĐT chịu trách nhiệm thực hiện việc ra đề chung cho hai môn học trên đối với các em lớp 5. Thế nhưng, tâm lí chung của nhiều giáo viên là lo ngại khi phòng GD-ĐT ra đề sẽ khó hơn vì chỉ lấy mặt bằng chung của quận. Vì vậy, các thầy cô chuẩn bị tâm thế cho các em HS bằng cách yêu cầu các em phải giải những bộ đề mà các thầy cô tự soạn hay sưu tầm được. Và, ngày qua ngày, các em đến trường để phải thực hiện một khối lượng khá lớn với những bộ đề này ngoài việc vẫn đảm bảo học đủ các môn trong chương trình với mong muốn sẽ nhớ bài lâu hơn, sẽ có nhiều em đạt điểm cao hơn. Tâm lí chung này dẫn đến việc các em HS khối 5 phải căng thẳng để vận động não làm việc từ khi tới trường đến tối khi trở về nhà, giáo viên cũng giao thêm một vài đề nữa để các em tiếp tục đánh vật với những bài tập dạng này, dạng khác mà có khi không chỉ các em học, bố mẹ, anh chị cùng học theo với các em. Đó là căn bệnh thành tích vẫn còn âm ỉ đâu đó trong cách nghĩ và cách làm của giáo viên hiện nay cũng như của một số trường muốn có tên trong bảng khen của việc chạy đua với các phong trào như vậy.
Để khắc phục việc học nhồi nhét này đối với HS khối 5, theo tôi, mỗi thầy cô cần tạo tâm thế thoải mái cho các em không chỉ bằng những bài tập trên giấy khô cứng, lúc nào cũng yêu cầu các em phải chăm chăm giải giải, tính tính… mà thay vào đó, tổ chức cho các em những hình thức học nhẹ nhàng hơn, vui nhộn hơn với dạng câu hỏi trắc nghiệm, điền khuyết… Nhưng qua đó, các em vẫn ôn luyện được kiến thức như trò chơi đố vui toán học, thử tài trí nhớ của em hay đôi bạn, nhóm bạn cùng tiến, toán chạy. Từ đó, các em sẽ vận dụng linh hoạt những kiến thức đã học để một lần được nhớ lại, ôn lại cùng với bạn bè để nếu bài làm đúng, giúp các em tự tin hơn, nếu đáp án chưa trùng khớp thì có thể giúp các em học tập lẫn nhau mà điều chỉnh lại, khắc sâu lại kiến thức đã quên. Tôi cho rằng, việc học như vậy sẽ không làm cho các em cảm thấy áp lực, nhàm chán mà sẽ thích thú khi tham gia để cùng nhóm, cùng tổ giải bài tập qua hình thức thi đua. Việc học ôn này chính là áp dụng phương pháp học mà chơi – chơi mà học. Cái khó khăn ở đây, chính là sự đầu tư của giáo viên – giáo viên cần soạn thảo những bộ trắc nghiệm thông qua các trò chơi này để củng cố và giúp các em ôn luyện sâu hơn kiến thức đã được học. Có như vậy, các em mới cảm thấy việc học nhẹ nhàng, vui tươi, không có áp lực mà chất lượng, hiệu quả mang lại sẽ rất lớn đối với từng đối tượng HS. Và, điều quan trọng là tránh làm cho tâm lí của các em bất an và chán nản mỗi sáng thức dậy, các em bị ám ảnh bởi một khối lượng bài tập sẽ phải làm do thầy cô giáo giao!
Qua những phân tích trên, tôi cho rằng, các thầy cô cũng nên xem lại cách truyền tải kiến thức cho HS vì chủ trương hiện nay của Bộ GD-ĐT là học nhẹ nhàng, tránh gây áp lực cho HS. Tránh làm cho các em phải học một cách nhồi nhét mà hiệu quả thì không đạt chất lượng.
Ngoài ra, phòng GD-ĐT quận, huyện cũng lưu ý đến mặt bằng chung của tất cả các em mà có hướng ra đề kiểm tra phù hợp, phân loại được từng nhóm đối tượng HS, tránh tạo tâm lí cho giáo viên là phòng GD ra đề kiểm tra luôn khó, luôn đánh đố HS. Có như vậy, kì kiểm tra cuối học kỳ II sắp tới sẽ giúp cho cả thầy và trò thoải mái hơn, yên tâm hơn với chuẩn kiến thức mà thầy truyền tải – trò nắm vững. Đây chính là hành trang để các em bước tiếp vào những cấp học cao hơn.
Duy An
Bình luận (0)