Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Ấm áp mùa Noel

Tạp Chí Giáo Dục

Các em Trường khiếm thính Anh Minh tham gia các gian hàng

Một mùa Noel nữa lại về. Khắp mọi nơi trên thế giới, hàng triệu người đang hân hoan chào đón một đêm giáng sinh an lành, hàng triệu trẻ em đang hồi hộp chờ đợi món quà ông già Noel sẽ mang tới. Hòa chung không khí giáng sinh tưng bừng, nhiều trung tâm, nhà mở, trường khuyết tật cũng tổ chức giáng sinh cho các em có hoàn cảnh kém may mắn.
Vui cùng niềm vui
Bước chân vào Trường khiếm thính Anh Minh, chúng tôi cảm nhận được không khí Noel đã thực sự về. Từ sáng sớm, các sour trong trường đã tất bật với việc chuẩn bị tổ chức ngày giáng sinh cho các em. Ngày hôm nay, trường sẽ cho các em hội diễn văn nghệ, phát quà và tổ chức các gian hàng để các em “shopping”. “Chợ” hôm nay sẽ được tổ chức ngay trong sân trường, nơi mà hằng ngày vẫn diễn ra các hoạt động vui chơi của cả thầy lẫn trò. Nhưng khác với những phiên chợ ngày thường, gian hàng của các em chỉ đơn giản là những món ẩm thực, những đồ dùng vật dụng do chính tay các em làm hằng ngày. “Tiền” để mua hàng là những vé có mệnh giá 1.000đ, 2.000đ, 5.000đ. Mỗi em được phát số vé tương ứng với số tiền là 20.000đ. Sour Trịnh Thị Thương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Năm nào chúng tôi cũng tổ chức cho các em vui giáng sinh. Chương trình được thay đổi tùy theo kinh phí và khả năng mỗi năm. Số lượng công việc quá nhiều mà người lại ít, thành thử để tổ chức được một ngày vui cho các em, chúng tôi phải lên kế hoạch và triển khai từ đầu tháng. Bận rộn từ sáng tới giờ nhưng tôi vẫn thấy vui”.
Cách đó chưa đầy 20 phút đi bộ, Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em mồ côi tàn tật Thị Nghè cũng đang triển khai kế hoạch tổ chức Noel đã được dự tính trước. Chương trình Noel năm nay được phân thành nhiều “ca”: 9 giờ sáng, những thầy cô trong trường hóa thân thành ông già Noel, đến phát quà cho những em học bán trú và những em không thể đi lại; 10 giờ, Công ty Điện lực dầu khí qua phát quà. Đến tối, những em còn lại được tổ chức chơi các trò chơi, nhận quà từ các đơn vị. Nhìn gương mặt các em hớn hở nhận quà, cố gắng phát âm chuẩn từ “cám ơn”, cùng nhau hát bài “Jingle Bell” bằng tiếng Việt, không ai trong chúng tôi tránh khỏi xúc động. Chị Minh Phượng, một “bà tiên” tâm sự: “Chẳng mấy khi các em được nhận quà nên em nào cũng tỏ ra thích thú. Nắm bắt được điều này nên năm nào, các giáo viên trong trung tâm cũng đều xung phong đóng vai ông già Noel để phát quà cho các em. Ngay bản thân tôi mỗi khi nhìn thấy nụ cười các em cũng cảm thấy vui lây. Những món quà chẳng đáng là bao nhưng đã giúp các em phần nào xóa đi nỗi đau mà mình đang gánh chịu”.
Chung vui với không khí đón Noel, các em Trường khuyết tật Thuận An (Bình Dương) năm nay cũng có một mùa giáng sinh đầy ý nghĩa từ nhiều đơn vị tài trợ chương trình. Tối 23-12 dù chưa tới đêm giáng sinh nhưng các em đã được một đêm “tiền” giáng sinh do một nhóm sinh viên tình nguyện Nam Định tổ chức. Sour Trịnh Thị Đào, Giám đốc chuyên môn của trung tâm cho biết: “Ban đầu, chúng tôi rất sợ ảnh hưởng tới giờ giấc nghỉ ngơi cũng như học tập của các em. Nhưng sau một ngày vừa học vừa chơi, các em không tỏ ra mệt mỏi mà còn có vẻ hào hứng nữa”.
Chung tay một tấm lòng
TP.HCM hiện có khoảng 26 trường chuyên biệt dành cho trẻ khuyết tật, 516 trường có trẻ học hòa nhập từ bậc mầm non đến bậc THPT với hơn 5.000 trẻ khuyết tật, chậm phát triển theo học. Việc tổ chức các dịp lễ tết đều bị hạn chế bởi kinh phí các trường, trung tâm đều rất khó khăn và thiếu thốn. Không riêng gì giáng sinh, để có thể tổ chức được một hoạt động cho các em vui chơi trong các ngày lễ tết, các trường khuyết tật, các trung tâm đều phải nhờ tới sự tài trợ từ các doanh nghiệp, các mạnh thường quân. “Dù ít, dù nhiều, những phần quà đó phần nào đã giúp các em quên đi những nỗi đau về thể xác và cả tinh thần đang phải chịu đựng. Chúng tôi không dám đứng ra kêu gọi vì vì sợ mang tiếng. Thành thử, chỉ những đơn vị nào từ trước tới giờ có đóng góp thì đến hẹn lại lên, cứ đến dịp là người ta lại gửi quà, tổ chức các chương trình cho các em”, sour Đào tâm sự. Tâm sự của sour Đào cũng là điều mà những người gắn bó với các em có hoàn cảnh kém may mắn luôn trăn trở. Niềm vui của họ là thấy được những đứa con của mình dù không may mắn nhưng cũng được nhận quà, nhận niềm vui giống như bao trẻ em khác trong những ngày lễ tết. “Chúng tôi muốn phát huy truyền thống quý báu của người Việt Nam “lá lành đùm lá rách” bằng cách góp một phần nhỏ bé để các em có hoàn cảnh khó khăn bất hạnh được hưởng một mùa Noel thật ấm áp tình thương và nhận được nhiều quà tặng như những trẻ em khác. Đây cũng là dịp để các em có cơ hội được tiếp xúc với xã hội, gieo niềm tin yêu cuộc sống cho các em, giúp các em không còn cảm thấy bơ vơ lạc lõng giữa cuộc sống hối hả hiện nay”, tiến sĩ Nguyễn Thế Bảo, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Việt Mỹ chia sẻ. Được biết, trước giáng sinh 4 ngày, thầy trò trong trường đã tổ chức giáng sinh cho hơn 100 trẻ mồ côi được nuôi dưỡng tại chùa Kỳ Quang và Pháp Võ.
Tường Vy

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)