Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Đường đến trường nặng gánh mưu sinh: Bài 3: É ơi, đừng bỏ học!

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Đã là mùa hè thứ 5, Kim Ngọc phụ việc cắt chỉ, làm khuy, đơm nút ở cơ sở may gần nhà (thuộc ấp Miễu Ba, Cần Thạnh, Cần Giờ)

Bà con ở ấp Miễu Ba, xã Cần Thạnh, huyện Cần Giờ (TP.HCM) vẫn thường trìu mến gọi Huỳnh Kim Ngọc, học sinh lớp 10A8 Trường THPT Cần Thạnh, bằng cái tên ngồ ngộ “Hột É”, bởi vóc người Ngọc nhỏ nhắn và đen như… hột é.

Chỉ cách trung tâm thành phố hơn 2 giờ đi xe buýt và 15 phút đi phà, thế mà “Hột É” Kim Ngọc vẫn chưa một lần đặt chân đến Sở thú hoặc một khu vui chơi nào ở thành phố. 16 năm qua, ngoài một buổi đến trường, thời gian còn lại Kim Ngọc cặm cụi trong cơ sở may để phụ cắt chỉ, đơm nút…
Không có ngày hè
Đây không phải là mùa hè đầu tiên Kim Ngọc dành trọn 3 tháng hè để làm thêm ở cơ sở may trong xóm 50 căn nhà. Bắt đầu từ mùa hè lớp 6, em đã xin phụ làm những việc lặt vặt như cắt chỉ, đơm nút. Đã 5 mùa hè trôi qua, sáng sáng Kim Ngọc đạp xe đến cơ sở may, chiều tối lại rã rời đạp xe về nhà. Kim Ngọc cho biết do công việc ngồi một chỗ cả ngày nên em thường hay bị mỏi cổ, đau lưng. Chị Kim Thư – mẹ em – cho hay tối nào về nhà Kim Ngọc cũng than đau vai, đau lưng nhưng sáng ra không cần ai nhắc nhở em lại tự động đến cơ sở may, tiếp tục công việc hằng ngày của mình.
Không học thêm, không đi chơi, mùa hè với Kim Ngọc là những ngày miệt mài bên đống quần áo để cắt chỉ, đơm nút. Không một đứa trẻ nào lại muốn mình trải qua những ngày hè như vậy, nhưng hoàn cảnh gia đình đã không cho em chọn lựa.
Kim Ngọc không biết mặt ba, chỉ nghe mẹ kể ba mất do tai nạn lao động khi em vẫn còn đang ẵm ngửa. Gia đình nhỏ với bốn người phụ nữ cưu mang nhau sống mà không hề có bóng dáng của một chỗ dựa vững chắc.
Năm 2009, bà ngoại em bệnh nặng, căn nhà nhỏ buộc phải bán đi để lo thuốc thang cho bà. Hiện giờ căn nhà lợp tôn, bốn bức vách che bằng lá dừa khô nằm trơ trọi giữa một khu đất trống chỉ là nơi gia đình em thuê để sống tạm. Đã rất nhiều lần trước cuộc sống bấp bênh, chị Thư hỏi đứa con gái tội nghiệp của mình: “Con còn ráng sức đi học được nữa không?”. Lúc ấy, Kim Ngọc rơm rớm nước mắt, nói: “Mẹ đừng cho con nghỉ học. Con sẽ vừa đi học vừa đi làm phụ mẹ…”.
Học để thay đổi cuộc đời
“Ngày trước do chị không ham học nên cuộc sống mới thành ra khổ, không có việc làm ổn định. Bây giờ, dù túng thiếu thế nào cũng phải cho Kim Ngọc đi học để cuộc đời nó không khổ giống như chị”, chị Thư vừa nói vừa khoe tấm áo dài mới may cho Kim Ngọc chuẩn bị vào năm học mới.
Những ngày này, Kim Ngọc chỉ đi làm ngày thứ bảy, chủ nhật, thời gian còn lại em tập trung vào việc học. Kim Ngọc cười buồn: “Em bị ở lại năm lớp 10 do rớt một môn”. Thời gian đó là lúc gia đình em xảy ra nhiều biến cố, phải chuyển nhà, phải lo cho sức khỏe bà ngoại, phải đi làm thêm… khiến em không thể tập trung vào việc học. Đã có rất nhiều trường hợp như Kim Ngọc ở cái ấp chỉ vỏn vẹn 50 căn nhà này, không ai đủ sức trụ lại với việc học khi miếng cơm manh áo đè nặng trên vai. Kim Ngọc là trường hợp hiếm hoi vẫn bám trụ, dù em đã thất bại một lần nhưng không có nghĩa là em buông xuôi.
Ở cơ sở may không tên này, Kim Ngọc nhỏ tuổi nhất. Từ những ngày cắt chỉ, đơm nút rồi từ từ học việc, đến nay em đã được ngồi vào bàn máy may, đã biết vắt sổ. Kim Ngọc tự nhận mình học việc rất nhanh, “chỉ cần các chị chỉ qua một lần là em học theo liền à”. Thu nhập của Kim Ngọc cũng tăng dần theo sự tiến bộ đó, giúp em trang trải những chi phí cho việc học, đỡ đần thêm miếng cơm manh áo trong gia đình.
Bà con trong xóm ai cũng nghèo, chỉ biết thương cho cô học trò nhỏ xíu, da đen nhẻm suốt ngày lầm lũi đến trường rồi lại cặm cụi ở cơ sở may. Cô Phương – chủ cơ sở may nơi Kim Ngọc đang làm – âu yếm nhìn em, nói: “Coi É nhỏ xíu vậy mà chăm chỉ nhất nhà. Trong xóm ai cũng khuyên É nhất định không được bỏ học. Phải học để thay đổi cuộc sống quẩn quanh ở cái xóm nghèo này”.
Bài, ảnh: Minh Ly

Con đường đến ước mơ trở thành cô giáo của Kim Ngọc có thể sẽ không hề dễ dàng, nhưng em sẽ giống như loài cây đước ở vùng đất ngập mặn này, bám trụ và vươn lên không bao giờ ngừng nghỉ để mong một ngày mai xanh tươi.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)