Niềm vui tuổi già bên đàn cháu của ông Việt |
Mười bảy tuổi “một chữ bẻ đôi” cũng không biết, thế rồi nhờ sự giác ngộ của người thân, ông theo đoàn HSSV hăm hở xuống đường đi biểu tình để rồi từ đó chàng trai đất Hà thành trở thành một chiến sĩ hoạt động trong lòng địch. Ông là Đặng Quốc Việt – Cựu chiến binh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước.
Chàng trai đất Hà thành
Sinh trưởng ở Hà Nội nhưng gia đình quá đông con nên mấy anh em Việt không ai có may mắn được đến trường như chúng bạn. Vì kế sinh nhai, người bố ôm bộ đồ nghề hớt tóc dạo phiêu bạt từ vùng này đến vùng khác mà vẫn không lo đủ cho đàn con. Sau mấy năm biệt tăm, một hôm ông trở về quê thăm vợ con, và sau đó đưa cả nhà lên tàu đi vào tận phương Nam. Đó là những ngày đông giá lạnh cuối năm 1940. Vào đến Sài Gòn, 2 vợ chồng chọn Phú Nhuận làm nơi an cư lạc nghiệp. Vẫn theo nghề cũ nhưng không còn “nay đây mai đó” nên cuộc sống của một gia đình nhiều năm “tha phương cầu thực” dần dần tạm ổn. Tuy học hành không đến nơi đến chốn nhưng do vào đời sớm nên mấy anh em ông Việt thấu hiểu hơn nỗi nhục mất nước và tội ác hàng ngày của bọn thực dân đối với đồng bào ta. Nhưng mãi đến năm 1945 sau khi CM tháng Tám thành công, Việt mới thực sự hòa mình vào không khí đấu tranh của các anh chị em SVHS. Mặc dù có đôi tay khéo léo nhưng Việt không theo nghề cắt tóc của bố mà “rẽ ngang” bằng nghề đóng sửa xe xích lô trên đường Nguyễn Kiệm. Hồi đó mỗi khi nghe tin các trường xuống đường biểu tình, chàng trai gốc Hà Nội 17 tuổi liền bỏ xưởng làm việc vội chạy ra ngoài phố hòa vào dòng người đang tiến vào dinh lũy đầu não của bọn thực dân. Chính những lần tham gia đó mà Việt đã nghĩ ra chuyện huy động xe xích lô để thay nhau chở người biểu tình đi thêm được những đoạn đường dài hơn trong TP. Thế là ngay trong xưởng của mình, mỗi một cuộc biểu tình Việt đã huy động được 20 chiếc xích lô rong ruổi theo đoàn người áo trắng đang nối dài trên phố. Ngày thường, mỗi chiếc xe này phải mất 1 hào tiền thuê mướn nhưng do để phục vụ cho các cuộc bãi khóa nên ông chủ của Việt đã ủng hộ miễn phí hoàn toàn. Đó là điều mà chàng thanh niên Việt hiểu được rằng các phong trào đấu tranh của HSSV ngày một dâng cao là nhờ sự góp công, góp sức từ tấm lòng những người dân luôn hướng về tự do độc lập. Bây giờ nhớ lại, kỷ niệm đáng nhớ nhất của ông là mỗi lần đi qua khu vực chợ Bàn Cờ, bà con cô bác nơi đây thường ra tiếp tế đồ ăn thức uống cho anh em, chủ yếu là ủng hộ bánh tét. Ông Việt còn kể câu chuyện những lần trường học bị bao vây, để tiếp tế cho các anh chị học sinh ông lấy bánh ít, kẹo sữa ném vào trong sân trường. Khi bị bọn cảnh vệ phát hiện, ông còn la to: “Tui ném đá vào cho tụi nó biết tay”. Thế nhưng rồi cũng không qua được tai mắt cú vọ của bọn chúng nên sau đó ông bị bắt nhốt trong bót Ca-ti-na. Vì không có chứng cứ nên sau 3 tháng ông được bọn chúng trả tự do. Bốn năm sau cũng vì cái tội xuống đường mà một lần nữa ông lại bị đưa vào buồng giam bót Hàng Keo (gần chợ Bà Chiểu).
Lần đó 2 anh em bị chúng phát hiện và rượt đuổi, cũng may là người anh giấu tài liệu trong người nhưng lại thoát nạn chỉ có ông bị chúng bắt giải về đồn nhưng trong người không có gì cả. Tuy không bị đánh đập nhưng bọn chúng luôn tìm cách hành hạ ông.
Trang mới của cuộc đời
Mặc dù tuổi đã ngoài 80 nhưng nét phong độ thời trai trẻ của ông Việt vẫn chưa bị thời gian lấy hết. Những câu chuyện dù đã đi qua bao thăng trầm của cuộc đời mà đến nay vẫn còn rõ mồn một trong trí nhớ của người Sài Gòn gốc Thăng Long. Sau phong trào Đồng Khởi, ý thức giác ngộ cách mạng của người thanh niên cũng được nâng cao. Không chỉ xuống đường tranh đấu, ông còn hăng hái tham gia Ban kinh tài (kinh tế tài chính) để tiếp tế thuốc men, áo mưa, mền võng… đưa ra vùng chiến khu. “Mỗi lần tiếp tế chúng tôi thường tổ chức các cuộc đua xe đạp ra vùng ngoại ô để che mắt địch. Tiền và thuốc tây chúng tôi nhét vào ghi đông xe. Hồi đó qua Thủ Đức sang Dĩ An là có một rừng, chúng tôi dựng xe ở gần một căn chòi rồi giả bộ đi uống nước. Trong lúc đó sẽ có người đến lấy đồ trong xe ra như đã giao ước từ trước. Còn đồ đạc thì chủ yếu chuyển đi vào ban đêm bỏ tại những địa điểm theo mật mã riêng của trạm”. Tuy chỉ là những vật dụng đơn giản nhưng rất cần thiết đối với bộ đội trong vùng chiến khu nhất là thuốc ký ninh chữa sốt rét lại vô cùng quý giá. Cũng trong đời hoạt động của mình, ông đã quen cô nữ giao liên Phan Thị Phước. Cô Phước còn có bí danh Kim Anh từng mặc áo bà ba đen, cổ choàng chiếc khăn rằn chèo xuồng ba lá đưa cán bộ luồn sâu trong chiến khu Rừng Sác. Họ thương nhau bằng những câu nói mộc mạc chân tình nhưng rất thắm thiết thủy chung. Sau năm 1975, chỉ đến khi được giữ chức phó chủ tịch phường 9, ông Việt mới có cơ hội theo lớp bình dân học vụ để thoát nạn mù chữ, cuộc đời ông như lật sang trang mới. Thế mà bây giờ bên chén trà ly rượu, ông lại viết lên được những câu thơ Đường, lục bát với những dòng chữ nắn nót để giãi bày tâm sự của một con người có một thời trai trẻ rất đỗi hào hùng trong những cuộc xuống đường. Đó còn là tình cảm của một người chồng gần 10 năm nay thiếu vắng bóng hình người “nâng khăn sửa túi” vẫn trọn nghĩa phu thê dù núi lở sông bồi: “Dinh Cô biển rộng mênh mông/Năm chờ tháng đợi vẫn không thấy người”.
Hương Thủy
Bình luận (0)