Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Những phận đời trong lô cốt: Bài 1: “Tớ… thầy” bằng nhau

Tạp Chí Giáo Dục

Nhóm anh Hà trong giờ nghỉ trưa tại lô cốt trên đường Trường Sa

Ai cũng có ước mơ để thấy cuộc đời có nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, với những con người ngày đêm lấy lô cốt làm nhà, ống cống làm giường thì ước muốn giản dị nhất của họ là trời không mưa. Bởi sau những cơn mưa, công việc của họ thêm nhiều vất vả và nhiều khi lâm vào cảnh… “treo niêu”.

Bỏ xứ mưu sinh
Trong cái lán trại đậm mùi hôi thối của kênh Nhiêu Lộc bốc lên, khiến những ai mới bước chân vào cũng phải bịt mũi khó chịu. Còn với họ, những người làm thời vụ để kiếm kế mưu sinh, nuôi thân thì đó chỉ là “chuyện thường ngày ở huyện”.
Rời quê nghèo Hậu Lộc xứ Thanh, anh em, chú cháu của anh Toan khăn gói đưa nhau vô thành phố làm đủ thứ nghề và cuối cùng họ chọn được cho mình một nghề tạm ổn. “Công nhân” đào đường! Đồng lương theo thời vụ nhưng cũng đủ giúp họ hàng tháng “chắt chiu” chút ít gửi về quê cho vợ con. Anh Lê Văn Toan, gương mặt khắc khổ so tuổi 40 của mình, vậy mà khi nói về công việc nụ cười vẫn hiện trên gương mặt sạm đen của nắng, của bụi và của cả những “mùi thơm” bốc ra từ quần áo. Có lẽ, chỉ có anh và những người làm cùng nghề này mới có? Anh cho biết: “Ở ngoài quê cuộc sống quá khó khăn, bản thân tôi đã có gia đình và cậu con trai đang học lớp 5. Trình độ tay nghề không có, trông vào hơn 1 sào lúa thì không biết lấy gì mà ăn chứ chưa nói tới chuyện cho con ăn học tới nơi tới chốn. Đang loay hoay tìm cách làm ăn, có người thân về rủ vào thành phố làm công việc thời vụ, vậy là đi và hi vọng… sẽ đổi đời bằng chính sức lực của mình. Nói thật khi mới vô đây ai kêu làm gì tôi cũng không nề hà. Nhiều khi làm từ sáng sớm tới tối khuya được chủ trả công cho gần trăm ngàn đồng là mừng rồi. Sau có chú Hà đây thấy tôi làm được việc, lại là đồng hương nên kêu vô nhóm của chú đi làm “công nhân đào đường”, hàng tháng ngoài tiền ăn và sinh hoạt phí cũng còn được gần hai triệu”. Bẽn lẽn như “gái mới về nhà chồng”, Thành (19 tuổi) tâm sự: “Trong nhóm của chú Hà có gần 20 người, đa số là người quê Thanh Hóa, còn lại là Đồng Nai, Bình Phước… tất cả đều làm công ăn lương theo mùa vụ. Hồi nhỏ không biết sao cứ cầm tới quyển sách, làm phép tính là đầu em đau như búa bổ nên bỏ học giữa chừng. Thanh niên như bọn em đang tuổi ăn tuổi lớn, ăn bám bố mẹ mãi cũng không được. Hôm cùng chú Toan vô đây, thấy công việc vất vả, ăn uống kham khổ không có giờ giấc do phụ thuộc vào công việc, em cũng nản chí định bỏ về quê, các anh các chú thấy thế ai cũng khuyên nhủ và động viên ở lại. Đến bây giờ sau gần một năm em cũng đã quen và không còn ý định bỏ về. Công việc này nhiều khi phải dầm mình dưới nước cống dơ bẩn, hôi thối cả ngày, tắm rửa kỹ đến mấy thì chuyện bị ngứa, nổi mẩn đỏ khắp người là chuyện thường. Em chỉ sợ nhất, khi đang làm việc không để ý dễ bị say nắng và sụt đất do các đường ống cống đào sâu từ hai tới ba mét”. Đang nói chuyện thì Thành phải ra ngoài làm công việc hướng dẫn cho người dân lưu thông qua đoạn lô cốt của mình. Anh Toan chia sẻ: “ Ở trong nhóm có mấy cháu thanh niên, tuổi sàn sàn nhau 19 đôi mươi, được cái đều là đồng hương nên cũng dễ bảo. Mấy đứa tội lắm, làm việc vất vả vậy mà có gì ngon cũng “chú Toan, anh Hà ăn đi”. Chúng còn giành lấy việc nặng mà làm”.
Lấy lô cốt làm nhà
Vừa học vừa làm, đến bây giờ Nguyễn Hà cho rằng đó là “nghiệp” của mình. Sau khi học xong THPT đi thi ĐH một năm rồi tới hai năm cũng không đậu, thời gian này do ở cùng anh trai làm xây dựng vậy là yêu và thích nghề này từ bao giờ không biết! Tới năm ba, Hà quyết tâm thi lại. Kết quả thi ĐH Thủy Lợi thiếu một điểm nhưng lại đậu ĐH KHTN. Học năm hai Khoa toán-tin, Trường ĐH KHTN (ĐHQG TP.HCM), rồi bỏ ngang đi học Trung cấp Kỹ thuật Cầu đường. Ra trường đi làm công nhân, cố gắng và làm tốt công việc, Hà được lãnh đạo tin tưởng cho lên làm giám sát công trình. Chẳng biết “ai dẫn lối đưa đường” Hà lại bỏ ngang. Lý giải chuyện này Hà “biện minh”, do không hợp với chuyện “cưỡi ngựa xem hoa”.
Ra ngoài thành lập nhóm, khi nhiều việc cũng có gần 30 anh em, khi ít cũng còn trên dưới 10 người. Cùng ăn, cùng sống đã trở nên quá thân thuộc với anh. Hà tâm sự: “Mình đã bước sang tuổi 34, nhiều khi cũng đã tính tới chuyện lấy vợ sinh con. Vì tôi đã yêu, mà nói thật tôi không biết những người cùng lứa tuổi với mình, họ nghĩ về tình yêu, gia đình như thế nào? Riêng bản thân tôi, khi yêu là yêu đến “cuồng say”. Nhưng không biết có phải vì như vậy mà con gái “sợ”, hay họ sợ lấy phải người chồng nay đây mai đó nên đến giờ tôi vẫn “không cưới được vợ”. Ở đây, nhìn đi ngó lại toàn anh em, chú cháu trong dòng họ nên không có chuyện phân biệt chủ tớ. Việc nặng hay nhẹ tất cả mọi người đều cùng làm cùng ăn”.
Quần áo bám đầy bùn đất, từ trong ống cống bước ra một người đàn ông tuổi cũng gần 40, khi anh được báo có khách tới thăm. Anh giới thiệu mình là Ng.V.T, chủ nhóm thợ người Thái Bình và Nam Định đang làm đường cống thoát nước trên đoạn đường Lê Văn Sỹ này. Bất ngờ, bởi trước khi hẹn gặp tôi hình dung đó phải là một người ăn mặc “bảnh bao” và có dáng dấp của một chủ thầu. Tôi chưa biết xử trí ra sao, sau khi rửa vội đôi bàn tay còn dính đầy xi măng, đất cát, anh ngồi tiếp chuyện nhưng vẫn không quên nhắc người này cẩn thận khi lên xuống đường cống, người kia không được chạy xe ủi quá gần chỗ anh em đang thi công. Nói về công việc của mình, anh T. trăn trở: “Tiếng là công ty, nhưng mỗi đoạn cống đều do một nhóm nhỏ thi công, trong đó có nhóm của chúng tôi. Khi thi công có sự giám sát rất chặt chẽ của công ty trúng thầu. Nhiều khi thi công chậm, do gặp phải đường ống nước hay dây điện, phải làm tăng ca, ai cũng căng mình ra với công việc. Vì làm vào từ tối cho tới sáng bạch, đến khi được ngủ thì tiếng ồn của các loại động cơ xe qua lại, vậy mà đặt lưng xuống ai cũng ngủ ngon lành”. Quan sát công việc họ làm tôi cảm nhận được từ họ tính tự giác cao trong công việc, vì có làm mới có ăn và quan trọng nhất ở những nhóm thợ này không có sự phân biệt chủ hay thợ. Tất cả đều phải làm việc, có khi xuống cống, khiêng cốt pha hay dầm mình trong mưa… nặng nhọc, khói bụi, nước bẩn là thế nhưng trên môi của họ nụ cười vẫn luôn hiển hiện.
Lê Quang Huy
Ngồi bên dòng nước đen ngòm và bốc mùi của kênh Nhiêu Lộc, anh Hà tâm sự: “17 năm làm việc đào đường, móc cống tôi cũng chắt bóp cho mình có được chút vốn, mua được miếng đất bên Bình Chánh. Ở đây dù điều kiện ăn, ngủ, vệ sinh không được tốt nhưng tất cả chúng tôi cùng chấp nhận. Vì ở những lô cốt này còn sướng hơn phải đi thuê phòng trọ”.
 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)