Cô Hồng Hạnh với học sinh lớp cô chủ nhiệm 10A8 |
Trò chuyện với thầy Bùi Trí Hiệp – Phó hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, Q.6 – TP.HCM, tôi biết ở ngôi trường này có ít nhất 4 giáo viên trưởng thành từ gia đình truyền thống nhà giáo. Trong số đó, cô Nguyễn Thị Hồng Hạnh tuy chỉ có 2 đời theo nghiệp giáo nhưng trong gần 10 năm trở lại đây, cả 2 cha con cô Hạnh không chỉ miệt mài với bục giảng mà còn say mê với công việc đào tạo và bồi dưỡng học sinh giỏi môn tiếng Anh.
Khơi nguồn ươm mầm tài năng
Thật đáng nể nếu ai đó “mục sở thị” được bảng thành tích đội tuyển học sinh giỏi của Trường THPT Mạc Đĩnh Chi. Chỉ riêng từ năm 2001 đến 2008, trường liên tục bội thu về số giải và số huy chương qua 7 kỳ thi học sinh giỏi cấp TP môn tiếng Anh. Ngoài 29 giải HS giỏi lớp 12, trường còn lấy được 22 huy chương (vàng, bạc, đồng) từ các hội thi Olympic tiếng Anh cho khối 10 và 11. Con số đó thật sự là niềm mơ ước của nhiều đơn vị, nhiều đội tuyển học sinh giỏi ở các quận huyện. Công sức này trước hết là của tập thể thầy cô giáo tổ ngoại ngữ của ngôi trường mang tên “Lưỡng quốc trạng nguyên” họ Mạc. Và nhiều người cho biết, linh hồn chính của phong trào không ai khác ngoài 2 cha con thầy giáo Nguyễn Tân.
Hỏi chuyện các giáo viên trong trường, tôi mới nắm được “tông tích” của nhà giáo Nguyễn Tân. Nghỉ hưu năm 2000 nhưng thầy Tân không “lui về ở ẩn” như vài người khác mà lòng ông vẫn nặng nợ với bảng đen phấn trắng. Được một người bạn chí cốt – thầy Nguyễn Minh Mẫng cũng là một đồng nghiệp – giới thiệu, ông trở về với bục giảng của Trường THPT Mạc Đĩnh Chi để tiếp tục làm “người đưa đò” lần hai. Sau những giờ lên lớp, 2 người bạn nặng tình huynh đệ lại tâm sự chuyện đời, chuyện nghề khi ở sân trường, lúc ngoài ghế đá. Vốn là giáo viên của Trường Bồi dưỡng giáo dục quận 6 và từng có nhiều kinh nghiệm về công tác bồi dưỡng HS giỏi THCS nên cả 2 ông giáo già rất quan tâm đến chuyện ươm mầm tài năng trẻ nhất là môn tiếng Anh mà mình đang “tác nghiệp”. Tại sao Trường Mạc Đĩnh Chi có học sinh giỏi văn, toán, lý, hóa… mà lại không có học sinh giỏi môn tiếng Anh? Trong các lớp có nhiều em học tốt ngoại ngữ tại sao lại không có một đội tuyển? Đó là những câu hỏi mà 2 thầy giáo dạy hợp đồng lúc nào cũng trăn trở. Biết là cực nhọc và trách nhiệm hơn nhưng cả 2 thầy vẫn đề xuất ý kiến lên Ban giám hiệu nhà trường với hy vọng lấp kín một khoảng trống mà trước nay còn bỏ ngỏ. Đúng như niềm mong đợi, sau khi nghe ý kiến của họ Ban giám hiệu đã sẵn lòng “ủng hộ cả hai tay”.
Là giáo viên Trường THCS nên nhà giáo Nguyễn Tân vẫn chưa có kinh nghiệm bồi dưỡng HS giỏi bậc THPT. Thế nhưng “vàng càng luyện càng trong” thâm niên 30 năm trong nghề đã giúp ông có thêm những cẩm nang quý giá về cách luyện nhân tài. Vạn sự khởi đầu nan, năm đầu ra quân thành tích thật sự khiêm tốn với 3 tấm huy chương của kỳ thi Olympic khối 10. Giải học sinh giỏi lớp 12 và 11 mà các em mang về năm đó chỉ là con số không to tướng. Thất bại là mẹ thành công, cả 2 “chủ soái” của đội tuyển vẫn không nản chí. Dù không thành công nhưng họ biết ít ra cũng đã thành nhân. Lại những buổi lên lớp bồi dưỡng, lại những giáo án nâng cao cho đội tuyển và những bài luyện tập vào mùa giải năm kế tiếp. Thế rồi kết quả sau đó đã không phụ lòng thầy trò đội tuyển. Tin “báo tiệp” 5 giải học sinh giỏi khối 12; 6 huy chương các loại Olympic khối 10 và 11 như luồng điện ngay sau đó đã lan truyền khắp nơi làm nức lòng thầy trò, Ban giám hiệu và cả phụ huynh. Thế nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang” khi cuối năm học đó thầy giáo Nguyễn Minh Mẫng vì trọng bệnh mà đã đột ngột qua đời khi sự nghiệp ươm trồng nhân tài đang dang dở.
“Hổ phụ sinh hổ tử”
Cùng năm đó, cô con gái rượu của thầy vừa tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp TP.HCM. Trẻ tuổi, giỏi tiếng Anh và có ngoại hình, Nguyễn Thị Hồng Hạnh dư tiêu chuẩn để xin làm một chân phiên dịch cho các công ty trong và ngoài nước. Thế nhưng bạn bè thật sự ngạc nhiên và chới với khi Hạnh rẽ ngang để xin đi dạy học. Nói về chuyện này, cô tiết lộ: “Thực ra hồi đó hết lớp 12 tôi có làm hồ sơ vào trường sư phạm nhưng hôm thi đã phải bỏ một buổi vì bị sốt cao”. Theo Hạnh, được làm cô giáo là một trong những ước mơ mà cô hằng nuôi dưỡng từ lâu. Hồi 4, 5 tuổi Hạnh đã sống trong môi trường giáo dục khi có mẹ dạy học ở Trường cấp 1 Võ Văn Tần. Nhà ở trong khuôn viên trường nên lớp học, bảng đen, ghế đá luôn là hoài niệm trong lòng cho đến khi Hạnh vào học Trường THPT Mạc Đĩnh Chi. Được làm cô giáo, được dạy ở ngôi trường mà mình đã theo học, Hồng Hạnh thấy đó không chỉ là niềm tự hào mà còn là sự tri ân, trả nghĩa cho trường xưa thầy cũ. Khi Hồng Hạnh về trường dù dạy hợp đồng nhưng thân phụ của cô không hề một chút buồn lòng. Dạy chung một bộ môn, ông coi con gái mình như người đi sau tiếp lửa cho người đi trước từ một bài soạn trong giáo án cho đến một tiết dạy trên bục giảng. Vài năm sau, Hồng Hạnh đã nhanh chóng trở thành cộng sự đắc lực cho ba trong việc bồi dưỡng HS giỏi. Từ đó trên mặt trận không tiếng súng này, 2 cha con thành đồng nghiệp, “đồng chí chung câu quân hành”. “Lớp cha trước, lớp con sau” hai thế hệ già – trẻ đã bổ sung những khiếm khuyết cho nhau để tự hoàn thiện công việc. Dù tuổi nghề còn trẻ nhưng vốn là một sinh viên giỏi và có người nhà làm “điểm tựa” nên Hồng Hạnh đã có những bước đi vững trong công tác luyện trí rèn tài. Khi về nhà, trước bữa cơm hay sau giờ xem ti-vi hai mái đầu lại tranh thủ chụm vào nhau để bàn thảo “chương trình và hành động”. Phong trào dù đã tạm lắng nhưng nhờ có cộng sự mới, nhờ 2 cha con cùng lao tâm khổ tứ mà phong trào sau đó lại lên từ từ. Mùa hái quả bắt đầu chín rộ khi số lượng huy chương và số giải thưởng trong các năm sau đó tăng dần. Cả 2 cha con tìm mọi cách đổi màu huy chương Olympic giúp các em giành được vòng nguyệt quế trong các lần thi thố tài năng. Mới đây gặp lại Hồng Hạnh, cô vui vẻ khoe, năm học 2008-2009 đội tuyển của trường đã “ẵm” trọn một lúc 9 giải thưởng và huy chương. Công sức của 2 cha con cả một năm trời “dầm mưa dãi nắng” đã không hề uổng phí chút nào.
Hương Thủy
Nhắc đến hai cha con thầy giáo Tân, nhiều người bây giờ vẫn đưa ra câu nói: “Hổ phụ sinh hổ tử”. Điều đó quả không sai. Riêng thầy Tân và cô Hồng Hạnh lại cho rằng đây là thành quả của cả một tập thể trong đó có anh em đồng nghiệp tổ bộ môn và đặc biệt là công sức các em học sinh giỏi Trường THPT Mạc Đĩnh Chi. |
Bình luận (0)