Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Toát mồ hôi… tìm chỗ trọ

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Nhiều SV ở phòng trọ kém chất lượng mà có giá “trên trời”. Trong ảnh là cảnh SV Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đang nấu ăn trong phòng

Thời điểm này phải khó khăn lắm sinh viên (SV) mới tìm được một chỗ trọ hợp túi tiền. Cũng không ít SV chưa kiếm ra chỗ, phải ở nhờ, ở ghép tại những nơi chật chội khiến cho việc sinh hoạt, học tập rất bất tiện.

Thời điểm tân SV các trường ĐH, CĐ đang làm thủ tục nhập học, rất khát nhà trọ thì nhiều chủ nhà thường “làm eo” đủ kiểu hòng đẩy mức giá cho thuê lên cao khiến cho SV khó khăn lắm mới tìm được một nơi ở ưng ý, hợp túi tiền.
Nhà ẩm thấp, giá trên trời!
Bạn Hồ Trung Chính, SV năm 4 Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, đang thuê một phòng trên đường Điện Biên Phủ (Q.3) với mức giá 2,2 triệu đồng/tháng. Tiền thuê nhà khá cao nên Chính phải rủ thêm bốn bạn SV khác về ở cùng. Phòng trọ vốn chẳng rộng rãi, nay đông người ở nên chật chội, khó sinh hoạt và học tập. Tuy nhiên, theo Chính, dù có muốn cũng khó đổi sang phòng khác bởi việc kiếm được chỗ trọ ưng ý vào thời điểm này là cực kỳ gian nan. “Em đã đi xem gần chục phòng ở các quận 4, 8, 11… nhưng vẫn không tìm được chỗ vừa ý. Nơi tương đối sạch sẽ, đủ ánh sáng thì giá cao. Nhiều nơi cho thuê với mức giá hợp túi tiền SV thì lại ẩm thấp, thiếu ánh sáng, cửa nẻo không chắc chắn. Có dãy trọ mà lối ra vào hẹp đến mức chỉ đủ dắt chiếc xe đạp” – Chính mô tả. Còn Thùy Dương, SV Trường ĐH Tôn Đức Thắng, hiện đang ở tại một dãy trọ trên đường Lê Văn Lương (Q.7), cho biết vì khó kiếm phòng trọ nên nhiều SV cùng lớp bạn đành phải trú ngụ ở nhiều nơi cách xa trường, mỗi ngày mất hàng giờ đồng hồ di chuyển bằng xe buýt đến lớp. Số SV khác phải tạm ở ghép chờ tìm ra phòng trọ trong điều kiện chật chội, ồn ào…
Hiện nay khu vực quận 7, Tân Phú là những nơi khan hiếm nhà trọ dành cho SV. Anh Nguyễn Trọng Hoàng, Trưởng phòng Hỗ trợ đời sống SV (Trung tâm Hỗ trợ SV TP.HCM), cho biết hai quận này tập trung nhiều công nhân thuê phòng trọ khiến việc tiếp cận chỗ ở của SV bị hạn chế. Nhiều chủ nhà trọ không mặn mà cho SV thuê vì họ muốn người thuê phải ở lâu dài, trong khi SV hay chuyển đổi địa điểm học”. Cũng theo anh Hoàng, giá phòng trọ hiện nay dao động từ 450-600 ngàn đồng/SV/tháng; bình quân mỗi SV chỉ ở trong diện tích chừng 3m2.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những chủ nhà trọ thông qua Trung tâm Hỗ trợ SV TP.HCM đều cam kết “bình ổn giá”, khi muốn tăng giá phải thỏa thuận với trung tâm. Tuy nhiên, thực tế có rất nhiều SV đang tự thuê phòng thông qua các tờ rơi dán xung quanh các trường ĐH, CĐ. Việc tìm nhà theo kiểu này thường mang tính… hên xui. Do đó, số SV bị lừa đến “tiền mất tật mang” không ít.
Bạn Nguyễn Thành Lợi, SV năm 2 ngành CNTT Trường ĐH CNTT Gia Định, cho biết sau hai tuần tìm kiếm phòng trọ, chẳng những bạn không kiếm được chỗ ở mà còn bị lừa mất tiền. Mỗi lần “lần” theo một địa chỉ trong tờ rơi, bạn bị “cò” ăn từ 100-200 ngàn đồng nhưng đổi lại chỉ được dẫn đến những căn phòng kém chất lượng. “Mới đây, em tự liên hệ được một nhà nguyên căn, đóng cả tiền cọc lẫn tiền phòng tháng đầu tiên hết 7 triệu đồng. Lúc chuyển đồ qua ở, em tá hỏa phát hiện “chủ nhà” cũng là người đi thuê lại và đã ôm số tiền 7 triệu đồng của em cao chạy xa bay”.
Vừa ở vừa… run
Do tự đi thuê nhà nên hầu hết SV thường phải chịu cảnh sống trong điều kiện an ninh không đảm bảo, phòng ốc xuống cấp… Bạn Trần Hiếu Minh, SV năm cuối ngành kế toán Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Phú Lâm, cho biết khu nhà bạn trọ khá xa trường nhưng chủ nhà chuẩn bị tăng thêm 300 ngàn đồng. Tuy nhiên, Minh cho biết, hiện bạn đang sống trong tâm thế bất an. Dù là dãy nhà trọ chỉ có SV ở nhưng hơn tháng nay, bạn đã hai lần bị mất ví tiền, giấy tờ cá nhân.
Tại khu vực quận 7, theo bạn Thùy Dương, giá thuê phòng năm học mới này cũng tăng lên 200 ngàn. Tiền phòng tăng nhưng “chất lượng” phòng vẫn cứ nằm ì một chỗ, thậm chí ngày càng xuống cấp. Bạn Nguyễn Quốc Khánh, SV năm 2 ngành CNTT Trường ĐH CNTT Gia Định, hiện đang trọ trong căn phòng có diện tích chỉ đủ cho hai người ra vào, tù túng, thiếu ánh sáng trên đường Lê Văn Lương (Q.7) với mức giá trên 2 triệu đồng/tháng. Khánh kể, trong vòng hai tháng hai chiếc xe máy của phòng bạn lần lượt “ra đi” mà chưa tìm ra nguyên nhân. “Khu này kiếm được phòng đã khó, có chỗ rồi mà vừa ở vừa nơm nớp lo sợ, chẳng biết bọn trộm cắp sẽ “hỏi thăm” lúc nào? 
Vấn đề quản lý, nâng cao chất lượng đời sống SV ngoại trú đã đến lúc cần được các trường ĐH, CĐ chú trọng, nhất là trong điều kiện cả nước hiện có đến 80% SV ngoại trú. Điều này cũng nhằm giải quyết mối lo mà Phó vụ trưởng Vụ Công tác HSSV (Bộ GD-ĐT) Dương Văn Bá đã đề cập tại hội thảo “Bàn về công tác HSSV nội trú năm 2011” mới được bộ tổ chức. Theo ông Bá, phần lớn những SV sa vào tệ nạn xã hội đều thuộc nhóm SV ngoại trú. Tuy nhiên, công tác quản lý SV ngoại trú trong thời gian qua còn rất mờ nhạt, thậm chí bị bỏ ngỏ…
Bài, ảnh: Mê Tâm

Thống kê của Bộ GD-ĐT, cả nước hiện có đến 80% SV ngoại trú và phần đông các em sa vào tệ nạn xã hội đều thuộc nhóm SV này.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)