Sinh viên Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Phú Lâm trong giờ thực hành
|
Điểm chuẩn nguyện vọng (NV) bổ sung vào nhóm ngành kỹ thuật năm nay tăng đáng kể, có ngành tăng đến 3 điểm, chứng tỏ người học đã bắt đầu hướng sự quan tâm đến lĩnh vực khá triển vọng này…
Ngành kỹ thuật “có giá”!
Tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, nếu ở NV1 ngành công nghệ kỹ thuật điện tử, truyền thông chỉ lấy mức điểm 14 (khối A) thì đến NV2, điểm chuẩn đã nhảy lên đến 17, tăng 3 điểm. Hầu hết các ngành cùng tuyển bổ sung khác đều tăng trung bình khoảng 2 điểm. Cụ thể, hai ngành công nghệ kỹ thuật ô tô, công nghệ chế tạo máy cùng lấy 17 điểm, tăng 1,5 đến 3 điểm. Ngành công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng (khối A) đã lấy 17 điểm NV1 nhưng đến NV2 cũng tăng lên 18. Ngành công nghệ kỹ thuật máy tính lấy 16, cao hơn NV1 đến 2 điểm…
Ở nhiều trường ĐH tốp giữa khác và những trường CĐ có đào tạo khối ngành kỹ thuật, điểm đầu vào năm nay cũng khá khả quan. TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐH Quốc gia TP.HCM) giải thích, công tác hướng nghiệp, dự báo nhu cầu nhân lực thời gian qua đã có tác động tích cực đến xu thế chọn ngành của người học. Hai năm trở lại đây, nhóm ngành công nghệ kỹ thuật cơ khí có lượng đăng ký dự thi tăng gấp 1,5 lần so với trước.
Rõ ràng, thí sinh đã “tỉnh táo”hơn, cân nhắc kỹ càng trước sức hấp dẫn của các ngành nghề. Lê Hoàng Lâm (lớp 12 chuyên toán Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP.Vũng Tàu) dẫn đầu số thí sinh khối A1 vào Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM năm nay chỉ chọn thi duy nhất vào ngành công nghệ kỹ thuật ô tô, mặc dù với khả năng thi đạt 23 điểm, em thừa sức đậu vào những ngành khác, thậm chí những ngành đang được xem là thời thượng. Lâm chia sẻ: “Tuy em nghe nhiều người nói, ngành này khá cực, lúc nào cũng lấm lem dầu mỡ tuy nhiên em vẫn thích và thấy có gì đó cuốn hút. Em nghĩ, điều quan trọng là mình phải có đam mê, yêu thích chứ nếu chỉ miễn cưỡng theo đuổi một ngành học nào đó thì sẽ thiếu đi niềm vui trong học tập cũng như ngại dấn thân sau này. Như vậy rất khó thành công”.
Không lo thất nghiệp
Mỗi năm, TP.HCM có khoảng 55 ngàn đến 60 ngàn sinh viên tốt nghiệp, trong đó, riêng lĩnh vực công nghệ đã chiếm đến 40%. Thế nhưng trên thực tế, thị trường lao động lại thiếu lực lượng có tay nghề. Nhiều ngành nghề vẫn luôn có nhu cầu tuyển dụng lớn như công nghệ hàn, công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, công nghệ kỹ thuật điện – điện tử, kiến trúc – xây dựng… Điều này sẽ mở ra những cơ hội không nhỏ cho các thí sinh đầu quân vào khối ngành kỹ thuật công nghệ. Nhất là trong điều kiện nhiều ngành thuộc khối kinh tế được dự báo sẽ giảm “nóng” và khan hiếm việc làm ở những năm tới đây. Qua khảo sát số sinh viên tốt nghiệp Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn đầu năm 2009 cho thấy, tỷ lệ có việc làm các ngành công nghệ chiếm 50-60% trong khi ngành quản trị kinh doanh chỉ 35%.
Không chỉ riêng hệ ĐH, CĐ, TCCN mà những khóa đào tạo kỹ thuật ngắn hạn cũng ngày càng nở rộ do nhu cầu nhân lực rất lớn từ phía thị trường lao động. Ông Nguyễn Công Thạnh (Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo và phát triển công nghệ Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Phú Lâm) cho biết, chỉ riêng ngành ô tô, nhất là chuyên ngành sửa chữa thân và sơn xe tại trường năm nào cũng có doanh nghiệp “đặt hàng” sinh viên, học viên tốt nghiệp. Cơ hội việc làm là khá rộng mở đối với những em chịu khó và có ý chí học tập. Hiện nay, các khóa đào tạo ngắn hạn này tại trường đang rất hút học viên, khóa mới nhất đã chính thức khai giảng vào 16-9.
Bài, ảnh: M.T
Theo ông Nguyễn Công Thạnh (Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo và phát triển công nghệ Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Phú Lâm), các khóa đào tạo sửa chữa thân và sơn xe thường xuyên được khai giảng tại trường nhằm đáp ứng nhu cầu của học viên. Sau khóa học kéo dài 8 tháng, học viên có khả năng chuẩn bị tốt bề mặt cần sơn như: Mài thô, mài tinh, sơn lót bề mặt… Biết sử dụng và kiểm tra, bảo quản súng phun sơn đúng phương pháp; phân tích và đọc được mã màu sơn, điều chỉnh màu sơn cho thích hợp; phun sơn và kiểm tra được các lỗi khi sơn, đánh bóng bề mặt sơn đúng yêu cầu.
Khóa học sửa chữa thân xe giúp học viên nắm vững được kết cấu trên thân xe và những ảnh hưởng khi có va chạm; đánh giá được mức độ hư hại của thân và khung xe; thực hiện được các phương pháp hàn; sửa chữa kéo nắn thân xe đúng phương pháp và đảm bảo theo kích thước chuẩn của nhà chế tạo.
Bên cạnh đó, học viên được học theo chương trình tiên tiến; thực tập trên các thiết bị hiện đại tại các xưởng sửa chữa ô tô, các đại lý của Toyota; được hỗ trợ kỹ thuật từ các hãng sơn lớn tại Việt Nam; được Công ty Toyota Việt Nam kiểm tra tay nghề, cấp chứng chỉ kỹ thuật viên Toyota (T-TEP) và sẽ được giới thiệu việc làm tại các đại lý của Toyota hoặc các xưởng sửa chữa ô tô khác.
|
Bình luận (0)