Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Trăm năm trồng người: Bài 22: Được sống với niềm đam mê

Tạp Chí Giáo Dục

ThS. Huyền Trâm (trái) đang làm công tác giám thị tại trường

Năm 1992, thầy giáo Nguyễn Hữu Thuận (GV toán Trường THPT Phù Cát – Bình Định) đã phải nghỉ ngang nghề dạy học sau hơn mười năm gắn bó. Thế nhưng, vài năm sau chính ông lại khuyên con gái bỏ ước mơ trở thành bác sĩ ngoại khoa để thi vào Trường ĐH Sư phạm Vinh (Nghệ An) – nay là ĐH Vinh – ngôi trường mà gần 20 năm trước đã đào tạo hai vợ chồng ông thành những “kỹ sư tâm hồn”.
Con theo nghề ba
Cô Nguyễn Huyền Trâm (giám thị Trường THPT Phan Đăng Lưu, TP.HCM) nhớ lại: “Ba mẹ là GV nên trong nhà cũng có một bục giảng nho nhỏ với một bộ bàn ghế và tấm bảng đen. Hàng ngày tôi cùng lũ bạn bày ra đủ thứ trò trong đó có trò chơi tập làm cô giáo. Không hiểu sao lên đến THCS bỗng nhiên tôi “chán” làm thầy mà lại thích làm nữ bác sĩ nên vội vàng quên đi ước mơ ngày nào. 15 tuổi, tôi bước chân vào Trường THPT Phù Cát I với định hướng của ba mẹ là thi vào khối A. Thế nhưng niềm thôi thúc vào trường y đã “sai khiến” tôi hướng vào 3 môn toán hóa sinh để thi khối B. Một lần ba phát hiện tôi giấu cuốn SGK sinh học trong tủ để học bồi dưỡng thế là… tôi đành thú thật tất cả”. Cứ tưởng ba Thuận la mắng nặng lời nhưng không ngờ ông vẫn nhẹ nhàng khuyên bảo: “Ba không ngăn cản quyết định của con nhưng ba thấy con có nhiều tố chất của một GV nên nếu con theo sư phạm thì phát huy được năng lực của mình. Hơn nữa sức khỏe của con hơi yếu sợ không kham nổi công việc của ngành y nhất là việc mổ xẻ của một bác sĩ khoa ngoại”. Lúc này Trâm lại thấy người bị bất ngờ không phải là ba mà chính là mình. Lời khuyên đó làm cô học trò lớp 12 trăn trở mãi. Là đứa con chưa bao giờ cãi lại lời cha mẹ, hơn nữa thấy điều ba nhận xét về mình không sai nên Trâm “rũ bỏ” và quyết định trở lại duyên nghiệp mà ba mẹ đã gắn bó. Cuối năm lớp 12, bạn bè thật sự ngạc nhiên khi thấy 3 hồ sơ thi đại học của Trâm chỉ ghi một ngành duy nhất là sư phạm toán. Lúc này, người thật sự mãn nguyện nhất không ai ngoài vợ chồng thầy Thuận. Thêm một lần nữa ba mẹ “nở mặt nở mày” với họ hàng, làng xóm khi tổng số điểm thi tốt nghiệp tú tài của Trâm đạt 58,5 điểm trong đó có 4 môn đạt điểm 10.
Cuối năm 1996, từ chối Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn và Đại học Sư phạm Hà Nội 1, Huyền Trâm trở về quê cha đất tổ xứ Nghệ để bước chân vào giảng đường Trường ĐH Sư phạm Vinh với tờ giấy của trường gọi tuyển thẳng. Biết chuyện này không ít người trong đó có vị ở trong ngành GD lại tiếc nuối và thắc mắc hỏi tại sao học giỏi vậy mà lại vào sư phạm cho uổng phí? Điều đó làm cho 2 vợ chồng ông Thuận không khỏi buồn lòng. Tuy 4 năm phải xa ba mẹ nhưng cô gái đất võ vẫn đi về trong tình thương của ông bà nội ngoại. Những thầy giáo của Trâm trên giảng đường lại là bạn bè, thầy cô năm nào của ba mẹ. Niềm tự hào đó càng thúc giục Trâm say mê học tập và nghiên cứu để ba mẹ khỏi hổ danh. Sau khi tốt nghiệp cử nhân, cô tiếp tục học lên cao học để lấy cho được tấm bằng thạc sĩ về đại số và lý thuyết số.
Ba trở lại nghề của con
 Năm 1981, sau khi tốt nghiệp ĐH, đôi vợ chồng trẻ Nguyễn Hữu Thuận – Nguyễn Thị Bích Thủy cầm quyết định điều động của Bộ GD-ĐT vào tăng cường cho các tỉnh phía Nam. Thế nhưng, khi đến Bình Định thì họ bị “chia uyên rẽ thúy” vì một người dạy ở TP còn người phải dạy ở xa. Không còn cách nào khác đôi vợ chồng quyết định tình nguyện lên huyện miền núi Hoài Ân để vui buồn sướng khổ có nhau. Ra đi mang theo bao nhiêu hoài bão lớn nhưng khi đến huyện Hoài Ân họ vẫn không thể tưởng tượng nổi ngôi trường THPT phố huyện chỉ có 8 phòng học đơn sơ, còn lại cái gì cũng thiếu. Thầy Thuận vẫn không quên cảnh cơ hàn của những năm tháng đó: “Xuống bến xe, 2 vợ chồng khiêng chiếc rương gỗ cuốc bộ gần cả chục cây số mới tới được trường. Gần một tháng trời hai vợ chồng tôi phải ngủ ngoài hành lang trường vì không có nhà tập thể cho GV”. Thế nhưng niềm vui giáo án vẫn đốt cháy ngọn lửa nhiệt tình trong lòng họ. Dù có gia đình nhưng cả 2 vẫn tham gia các hoạt động phong trào của nhà trường. Vợ tổ trưởng chuyên môn, chồng bí thư đoàn trường nhưng vẫn đảm việc nhà và nuôi dạy 2 cô công chúa khỏe và ngoan. Vài năm sau khi cả gia đình chuyển về Trường THPT Phù Cát 1 thì họ bắt đầu gặp “sóng gió cuộc đời”. Đời sống xã hội những năm 80 của thế kỷ trước quá khó khăn đã làm cho nhiều HS bỏ học, GD không được quan tâm, các trường dư thừa đội ngũ GV. Mới chân ướt chân ráo về trường thì thầy Thuận và cô Thủy bị nằm trong diện tinh giản biên chế. Chẳng lẽ công cha mẹ nuôi bao nhiêu năm ăn học đều đổ sông đổ biển? Chẳng lẽ cả 2 vợ chồng phải đứt ruột từ bỏ cái nghề mà mình đã “đóng đinh” cho cuộc đời? Không còn cách nào khác, thầy Thuận đành phải chia tay với bục giảng trong nỗi niềm chua xót để có một suất ưu tiên cho vợ ở lại với nghề. Tuy không phải nghỉ dạy như chồng nhưng cô Thủy lại phải một mình lọc cọc với chiếc xe đạp đến trường cả chục cây số. Huyền Trâm nhớ lại: “Nghỉ dạy, ba tôi phải bươn chải đủ nghề để kiếm sống như lái xe, mở cửa hàng bán gạch ngói. Thế nhưng ba vẫn thường nói với mẹ khi nào có cơ hội ông sẽ quay lại với nghề vì không bao giờ ông muốn dứt bỏ nghiệp dĩ”. Dần dần cuộc sống cũng dễ thở hơn nhưng đối với Trâm thì việc ba nghỉ dạy vẫn là nỗi niềm đau đáu trong lòng cô nữ sinh trung học: “Mẹ đi dạy xa cả tuần, còn ba thì cả tháng mới về một lần nên hai chị em cứ thui thủi trong nhà. Nhiều lúc tôi thèm khát không khí ấm cúng ngày nào sau mỗi buổi tối. Lúc đó cả nhà lại quây quần bên nhau không thiếu một ai. Mãi cho đến vài năm sau khi ba trở lại dạy học thì 2 chị em tôi mới thật sự có được niềm hạnh phúc sống trong vòng tay của gia đình”. Một kỷ niệm mà đến nay Trâm vẫn không sao quên được đó là một lần cô đã phải dừng bút lại trước bản sơ yếu lý lịch cá nhân vì không biết ghi gì vào ô nghề nghiệp của ba. Lòng cứ trăn trở mãi thế nhưng không thể bỏ trống. Hai chữ “giáo viên” cứ nhòe đi vì những giọt nước mắt của tình phụ tử. Vì thế trong một lần 2 cha con ngồi trò chuyện, ba Thuận hỏi con thích ba làm nghề gì thì cô đã không cần suy nghĩ mà trả lời rất nhanh là thích ba đi dạy. Đây cũng chính là câu trả lời của ba Thuận vài năm sau đó khi cô con gái làm hồ sơ thi đại học. Bởi vì theo ông Thuận, nghề giáo đã cho gia đình ông rất nhiều và điều quan trọng là cả cha, mẹ và con được sống với niềm đam mê của chính mình.
Nếu không có gì thay đổi thì tháng 12 này ThS. Nguyễn Huyền Trâm sẽ về Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền dạy toán chứ không còn làm giám thị ở trường cũ nữa. Vậy là ước mơ được đứng trên bục giảng của Huyền Trâm cuối cùng cũng đã thành hiện thực.
Hương Thủy

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)