Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Bỏ xứ mưu sinh…

Tạp Chí Giáo Dục

Bà Trâm ngồi ôm chiếc mũ bảo hiểm đã vỡ vừa nhặt được, đợi cơ hội về quê

Vẫn còn bàng hoàng, điêu đứng trước cảnh tan hoang của xóm làng sau cơn lũ dữ, giờ đây người dân miền Trung lại tiếp tục đối mặt với nỗi lo mưu sinh. Làm gì để kiếm miếng ăn? Cách nào gầy dựng lại những gì đã mất? Không ít người phải bỏ xứ mà đi…
Ra đi…
Những người dân buôn bán tại Bến xe Miền Đông mấy ngày qua đã không còn lạ lẫm khi bắt gặp những gương mặt ngơ ngác của người miền Trung bước xuống từ các chuyến xe. Đa số họ là những người bỏ quê vào Sài Gòn lập nghiệp, hy vọng tìm được một việc làm mưu sinh. Cảnh nhà tan nát, Sài Gòn bỗng chốc trở thành vùng đất hứa đối với người miền Trung sau cơn bão lũ. Chị Hân, chủ một quán nước giải khát tại bến xe cho biết: “Hầu hết họ là dân Phú Yên, Bình Định vào lập nghiệp. Tính riêng khu vực bến xe “đội quân vé số” của hai tỉnh này đã lên đến hàng chục người”. Hầu hết họ vào đây đều không tìm được một công việc nào tốt hơn là bán vé số, hàng rong hay bánh mì dạo. Có người cũng xin được chân phục vụ trong mấy quán cơm hay làm khuân vác cho các xe hàng ngay tại Bến xe Miền Đông.
Chị Bùi Thị Lan (37 tuổi, quê ở huyện Tuy An, Phú Yên) vào Sài Gòn đã hơn 10 ngày. Cọc cạch với chiếc xe đạp cà tàng chở theo một bao tải lớn đựng đầy nilông, vỏ chai và mớ giấy loại. Công việc của chị là tìm trong những bao rác người ta vứt bỏ các phế phẩm mang về bán lại cho các xưởng ve chai. Chị Lan cho biết: “Thu nhập từ việc làm này mỗi ngày cũng được hai, ba chục ngàn. Nếu “trụ” lại đây, tằn tiện cũng đủ gửi về quê mỗi tháng vài ba trăm ngàn nuôi con ăn học, chứ ở quê giờ có biết làm gì đâu!”. Nói đến quê giọng chị nghẹn lại, mắt đỏ hoe.
Cơn lũ đi qua, căn nhà của chị Lan chỉ còn lại đống đổ nát, vườn tược tan hoang. Chị Lan đành gửi lại đứa con trai đang học lớp 5 cho người thân rồi vào Sài Gòn kiếm sống. Đi với chị còn có hai người phụ nữ khác cùng xóm. Một người cũng lượm ve chai, người còn lại làm công việc bán báo. Cả ba chị cùng thuê một phòng gỗ nhỏ trong một con hẻm đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q.Bình Thạnh làm chỗ nghỉ chân. Hỏi thăm về gia cảnh của những người này, chị Lan chỉ gói gọn trong câu nói: “Chẳng còn gì hết, em à!”.
Còn Bảo Bình (sinh năm 1987 ở Bình Định) sau cơn bão theo chân một người anh họ vào Sài Gòn làm nghề sửa xe gắn máy. Bình cho biết: “Ở quê cả gia đình em đều làm công việc trông coi hồ tôm. Cơn lũ san bằng hết các hồ tôm nên không ai thuê nữa. Dưới em còn 2 đứa em đang đi học, bố mẹ giờ chưa có việc gì làm nhưng không thể bỏ nhà bỏ cửa đi làm ăn xa nên em phải là người ra đi, kiếm tiền nuôi em ăn học”. Bình may mắn được một người quen giới thiệu cho ở nhờ tại một chốt dân phòng ở Q.Tân Phú. Ngoài việc sửa xe, những lúc nhà ai có đám tiệc cần người giữ xe, Bình xin vào làm để nhận lấy 30 ngàn đồng.
Quay về…
Trên tay chỉ còn 35 ngàn đồng, bà Nguyễn Thị Trâm (sinh năm 1935, quê ở Bình Định) đứng loay hoay trước phòng vé của Bến xe Miền Đông. Không đủ tiền mua một vé hồi hương (giá 150 ngàn đồng) cũng không dám ngửa tay xin những vị khách khác, bà Trâm nói: “Tôi đợi đến cuối giờ rồi bạo gan hỏi xin mấy cô bán vé xem sao!”. Bà Trâm nghẹn ngào kể: “Chồng tôi bị xe tông chết đã 10 năm rồi, nhà có 2 đứa con trai, một đứa bị tật cũng chết trong cơn lũ dữ vừa rồi. Lo đám tang nó xong là tôi vay mượn bà con được 400 ngàn đồng vô đây bán vé số. Đứa còn lại có vợ con ngoài quê giờ cũng không biết làm gì ăn. Nhà cửa sập hết!”.
Tuổi già không quen được nhịp sống Sài Gòn, cộng với cái chân đi một bước là nhói đau một bước, bà Trâm không biết đi đâu để bán 20 tờ vé số… mua lại từ một người bán vé số khác. Bà Trâm ăn, ngủ ngay tại bến xe suốt 5 ngày đặt chân đến Sài Gòn để rồi mong chờ một cơ hội quay về. Bà nói: “Thấy người dân quê tôi vô đây bán vé số cũng có cái ăn nên tôi đi thử. Giờ hết tiền rồi nên phải về lại quê! Về quê tôi đi hái rau bán ngày cũng được mấy ngàn đồng phụ con nuôi cháu, khổ quá cô ơi!”.
Không chỉ riêng bà Trâm, rất nhiều người khốn đốn cảnh nhà cửa tan hoang, vườn tược điêu tàn bỏ quê vào Sài Gòn mong kiếm được cái ăn cái mặc. Nhưng không phải ai trong số họ cũng may mắn tìm được một việc làm dù chỉ nuôi được bản thân ngày một bữa cơm đạm bạc. Trên đất lạ quê người, ngỡ ngàng với cảnh sống bon chen đông đúc, không ít người lần đầu đi xa cảm thấy nhớ nhà hoặc chưa tìm được việc làm hay chỉ vì không chỗ trú chân nên đành từ giã Sài thành. Anh Tân, một tài xế xe Bắc – Nam cho biết: “Nhiều người hôm nay bắt xe vào Sài Gòn tìm việc nhưng chỉ ngày mai, ngày mốt là lại thấy họ lên xe quay về. Tưởng đi xa là sống được nhưng đâu phải dễ!”…
 
Một ba-lô gói theo vài bộ quần áo, cảnh người dân chen chúc nhau đứng dọc tuyến Quốc lộ 1A vẫy những chuyến xe đưa mình đến nơi có thể mưu sinh lập nghiệp, giờ đã không còn là lạ đối với cánh xe đường dài sau cơn bão lũ. Họ chỉ biết đi để mà đi chứ không ai hình dung nổi mình sẽ làm gì để kiếm kế sinh nhai.
 
Tuyết Dân

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)