Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Ngàn lẻ một cách làm trẻ… thui chột

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Thay vì để viết ra những cảm xúc chân thực về thế giới xung quanh, nhiều thầy cô giảng dạy ở tiểu học lại “ép” các em học thuộc những bài văn mẫu và viết lại trong kỳ kiểm tra.

Tập làm văn = học thuộc lòng

Theo một khảo sát của chúng tôi, đa số các giáo viên dạy môn văn ở bậc THCS tại TP.HCM đều than rằng học sinh học môn tập làm văn quá tệ vì các em viết những câu văn cộc lốc, khô khan và không hề có sự sáng tạo. Theo các giáo viên này, một trong những nguyên nhân làm cho HS học môn tập làm văn ngày càng yếu kém là do cách dạy sai lệch của các GV ở bậc tiểu học. 
Cô H.G, giáo viên Văn một trường THCS tại Q.Bình Thạnh, ấm ức: “Con tôi đang học lớp 4, mỗi khi cô giáo của cháu ra đề tập làm văn về nhà, tôi đều hướng cho con viết ra những cảm nghĩ thật của cháu. Tuy nhiên, khi đến trường cô giáo lại luôn đưa ra những câu văn khuôn mẫu và sáo rỗng để bắt cháu học thuộc. Ví dụ, khi tả về mẹ, thì mẹ cháu lúc nào cũng phải "hiền dịu", tả ông bà nội thì phải có "mái tóc bạc như sương, đôi mắt sáng và vẻ mặt phúc hậu". Nếu không làm đúng như thế thì chỉ được điểm trung bình. Là GV dạy văn, tôi rất háo hức khi con mình có cái nhìn về thế giới xung quanh. Song nếu GV cứ áp dụng cách giảng dạy như thế có khác nào tập làm văn trở thành bài học thuộc lòng?”.
Đồng quan điểm với cô H.G, chị Thanh Loan (Q.1), bộc bạch: “Con tôi năm nay học lớp 5, để chuẩn bị cho kỳ thi học kì 2, bé phải học thuộc lòng gần chục bài tập làm văn như tả một kỷ niệm đáng nhớ, tường thuật buổi tham quan, tả về con vật mà em yêu thích… Khi tôi gợi ý thêm vài chi tiết, con tôi nói cô giáo dặn chỉ học theo bài văn mẫu chứ không được ghi thêm ý khác. Thậm chí, không ít cô giáo còn dặn, đề thi đều rơi vào các bài đó nên phải lưu ý học thuộc (!?).
Tam thể mới là… mèo
Chưa hết bức xúc vì cách dạy văn của cô giáo, chị Nguyễn Thị Bích Trâm (Q.10, TP.HCM), kể: “Hôm nọ cô giáo của con tôi ra bài tập làm văn tả về ông nội, cháu nó hý hoáy làm. Trái với thực tế sống động trước mắt, cháu bị cô bắt phải tả một người ông “râu tóc bạc phơ, ánh mắt hiền từ”. Mà hiện tại, ông nội của cháu mới hơn 50 tuổi thì sao mà mang được những đặc điểm "khuôn mẫu người già" như cô giáo yêu cầu. Thế là tôi đành phải để cháu tham khảo thêm sách văn mẫu, ngoài chuyện chỉnh sửa câu cú, đoạn văn sao cho đúng ngữ pháp, đúng chính tả thì tôi không thiết tha đọc bài văn ấy. Tôi nghĩ cô giáo cũng sẽ chẳng đọc kỹ, vì tất cả các bài văn theo mẫu thì có khác gì nhau đâu.
Còn với anh Quang Tùng (Q.Gò Vấp) thì lại gặp trường hợp “dở khóc dở cười”. Bé Tina con anh hôm trước làm bài tập làm văn tả con mèo. Bé Tina đã đạt 10 điểm tròn trĩnh, thế nhưng hôm sau anh dẫn đi Thảo Cầm Viên chơi thì bé thấy con mèo mun, nhưng không biết là con gì, anh Tùng giải thích là con mèo nhưng cô bé cứ nằng nặc “Con được học con mèo có màu tam thể, chứ làm gì có mèo mun”.
Giáo viên cũng muốn đổi cách dạy
Bà Lê Thị Hoa Phượng, Trưởng bộ môn Văn Trường THPT Đăng Khoa, cho biết: “Là một người gắn bó với nghiệp dạy văn, theo tôi học Văn không thể dùng phương pháp thuộc lòng, rập khuôn như học các môn khoa học tự nhiên vì học Văn là học phần hồn, học lấy cái hồn mà ý tác giả muốn nói. Mỗi học sinh phải được quyền nói ra những điều mà chính mình cảm thụ được, càng phong phú, giàu hình ảnh càng tốt, miễn sao bài văn tuân thủ đúng các quy tắc được giảng dạy về định dạng, cấu trúc và thể loại”.
 Theo Bá Lâm
Đất Việt

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)