Học trò thường quấn quít lấy cô bởi lẽ chúng xem cô như người mẹ thứ hai
|
Có không ít đồng nghiệp đã bỏ ngang nghề “gõ đầu trẻ” để tìm nghề khác mưu sinh. Nhưng có một người rất lãng mạn: thích hát, yêu ngâm thơ và mê văn chương – lại một lòng gắn bó với nghề.
34 năm đứng lớp, cô luôn truyền đạt kiến thức bằng cả cái tâm, với những phương pháp giảng dạy khác nhau để truyền lửa vào môn học làm người. Cô là Nguyễn Thị Ngọc Tới – Tổ trưởng bộ môn văn Trường THCS Lê Quý Đôn, quận 11.
1. Trong bầu không khí vui chơi của giờ giải lao một ngày cuối tuần, ngay góc cột cờ bỗng đồng thanh vang lên: “Cô ơi, chúng con yêu cô nhiều lắm!”. Đấy là tiếng hô của nhóm học sinh (HS) khối 9. Cả cô và trò nhìn nhau trìu mến. Cô Ngọc Tới cười, nói: “Đó là điều hạnh phúc nhất của những người làm thầy như chúng tôi”.
Học trò yêu quý cô bởi cô là người gần gũi, dễ gần. Khi thấy học trò học hành chểnh mảng, sa sút, hay có những biểu hiện thất thường, theo linh tính cô đoán đã có điều không hay với các em nên tiếp cận hỏi han giúp các em giải quyết những vướng mắc. Dẫu chỉ là sự giúp đỡ về tinh thần song đó là lại động lực giúp không ít HS gạt bỏ những khó khăn, qua đó các em có những suy nghĩ tích cực và cư xử đúng đắn để học tập tốt hơn.
Hầu hết học trò luôn tâm sự với cô những chuyện không may mắn trong gia đình như ba mẹ bất hòa, khó khăn về kinh tế, chuyện tình cảm nam nữ… Khi các em bộc bạch ra, được cô lắng nghe và động viên đã phần nào cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái. “Tôi xem học trò giống như con mình vậy. Khi các em chịu chia sẻ có nghĩa là các em đang rất khó khăn về mặt tinh thần. Chỉ cần tinh ý một chút, chúng ta có thể phát hiện ra mà giúp các em” – cô Ngọc Tới chia sẻ.
Với nhiều sáng kiến kinh nghiệm trong giảng dạy, có nhiều đóng góp cho phong trào HS giỏi của ngành và hoàn thành tốt nhiệm vụ nên nhiều năm liền cô Nguyễn Thị Ngọc Tới luôn là chiến sĩ thi đua và phụ nữ hai giỏi cấp cơ sở; chiến sĩ thi đua thành phố năm 2010…
|
Vì lẽ đó, trong những học trò hiện tại của cô, có những em là con của lớp học trò trước đây của cô. Khi nghe con về nhà khoe, những học trò cũ liền đến trường hay tìm đến nhà thăm hỏi sức khỏe cô giáo cũ. Với người thầy, điều đó như một sự thành công, nhưng với cô Ngọc Tới, điều đó vẫn chưa đủ. “Khi người thầy cảm hóa được HS, dù là HS cá biệt, chúng ta nên đưa ra yêu cầu HS nâng cao ý thức học tập bằng cách phải tự học. Yêu cầu đó chỉ là bắt HS chuẩn bị một vài câu hỏi và làm theo từng nhóm. Do đó đòi hỏi HS phải làm việc có tính tổ chức, có kế hoạch, biết tôn trọng bạn trong nhóm, từ đó phát huy tính tích cực, tinh thần đoàn kết. Điều này còn rèn cho các em nhiều kỹ năng quan trọng trong học tập” – cô Ngọc Tới cho biết.
2. Mỗi ngày, cô Ngọc Tới lên lớp đều mở đầu bằng những câu chuyện, những bài hát dân ca có liên quan đến chủ đề bài học hay những bài thơ đã được phổ nhạc để hát cho học trò nghe… Cũng có hôm, cô mang theo đàn guitar rồi tự đệm nhạc cho lời hát của mình được sống động hơn. Cô Ngọc Tới cho biết việc làm này nhằm dẫn dắt các em vào bài học. “Sự hấp dẫn ban đầu luôn tạo sự hưng phấn, kích thích tinh thần ham học trong các em. Vì lẽ đó, câu chữ, nội dung bài học dần dần đi vào tâm hồn các em một cách nhẹ nhàng, sâu lắng”, cô Ngọc Tới nói. Có thể nói điều đó đã tạo nên cách dạy riêng của một nhà giáo nhiều kinh nghiệm như cô.
Songcái khó chung đối với giáo viên dạy văn, đó là sức hút của môn học không mạnh. “Văn không phải là cái nghề giúp người ta “làm giàu” nhanh chóng. Do đó, học sinh chọn học các môn tự nhiên, ngoại ngữ là điều đương nhiên, và các em xa rời môn văn là điều dễ hiểu. Hơn nữa, văn học chứa đựng nội dung đẹp, giàu giá trị nhân văn, tuy nhiên để cảm, hiểu thì không dễ”, cô Ngọc Tới chia sẻ. Điều này khiến cô luôn trăn trở để tìm ra những cách truyền đạt hay, dễ hiểu nhằm thu hút các em yêu thích và hiểu được những giá trị của văn học, từ đó vận dụng vào cuộc sống một cách hiệu quả. Vì lẽ đó, cô đã biến tấu những tiết học sinh động với các cách khác nhau. Cụ thể, đối với thể loại văn nghị luận, cô lồng ghép yếu tố biểu cảm vào tạo thành những tiết học nhẹ nhàng, không cần phải lên gân lên cốt. Cô Ngọc Tới chia sẻ: “Nghị luận chủ yếu dùng dẫn chứng, lí lẽ giải thích để tạo ra sự thuyết phục. Nó cũng như một câu chuyện. Khi trò chuyện mà lồng ghép yếu tố biểu cảm vào thì nội dung sẽ trở nên hấp dẫn, thu hút người nghe hơn”. Mặt khác, cô còn đưa ra sáng kiến vận dụng năm phương châm hội thoại là lượng, chất, quan hệ, cách thức và lịch sự vào giao tiếp. Vì theo cô, nó rất cần thiết cho việc vận dụng ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày. Một câu chuyện hay là câu chuyện đúng chủ đề, không lan man. Tuy nhiên muốn thuyết phục đối phương phải có tính logic, lập luận chặt chẽ, thông qua những chứng cứ đầy đủ mang tính thuyết phục…
Em Thái Hòa, HS lớp 9/2 Trường THCS Lê Quý Đôn, cho biết trước đây em khá sợ môn văn, nhưng từ khi được học với cô Tới, em cảm thấy học văn rất nhẹ nhàng, không hề khó học. Hòa còn nói rằng em đã biết vận dụng năm phương châm hội thoại vào những câu chuyện hàng ngày của em.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
Chỉ còn ít tháng nữa cô Nguyễn Thị Ngọc Tới về hưu. Tuy nhiên, với cô, ngày nào còn đứng trên bục giảng là ngày đó cô luôn truyền nhiệt huyết học tập đến học trò. Cô luôn nhắn nhủ đồng nghiệp rằng: đừng nên tiếc lời khen học trò. Đó là phần thưởng kích thích tinh thần học tập, là động lực để các em phấn đấu hơn nữa. |
Bình luận (0)