Khổ thơ mở đầu, nhà thơ Xuân Quỳnh bày tỏ một tâm trạng “Dữ dội và dịu êm/ Ồn ào và lặng lẽ/ Sóng không hiểu nổi mình/ Sóng tìm ra tận bể”.
Trong đời làm thơ, Xuân Quỳnh dành không ít biển cho thơ của mình: Thuyền và biển, Biển và bờ, Con và biển, Biển và tuổi thơ con… Nhưng trên biển Diêm Điền, lần thứ nhất nhà thơ đến với biển, chưa nhận ra biển, biển vắng hẳn trong bài thơ, biển nhường cho sóng và chỉ có sóng tình tự. Sóng thành nhân vật của tâm trạng, của nỗi niềm tức là tâm trạng sóng, thành hình tượng sóng, tức là sóng muôn màu, muôn vẻ. Sóng có khi như được trải rộng, có khi như được thu về, có khi được xuyên suốt: “Trăm ngàn con sóng đó/ Con nào chẳng tới bờ/ Dù muôn vời cách trở” là vậy. Còn “Con sóng trong lòng sâu/ Con sóng trên mặt nước/ Ôi con sóng nhớ bờ”, và con sóng “Để ngàn năm còn vỗ”. Đứng trước biển tìm về sóng, lý giải cho sóng không dễ dàng gì, nếu không phải là em của tình yêu.
Em, một nhân vật chịu lực, em của sự khát vọng “Nỗi khát vọng tình yêu” nỗi “Bồi hồi trong ngực trẻ”. Nếu sóng triền miên, sóng liên hồi vỗ, sóng nổi và chìm – thì em ở khắp nơi nơi “Dẫu xuôi về phương Bắc/ Dẫu ngược về phương Nam”. Cũng chỉ có em nghĩ dù đến nỗi trăm nơi, nhưng cũng sắt son một phương một hướng tìm về “Nơi nào em cũng nghĩ/ Hướng về anh một phương”. Cũng như nói đến tình yêu, tình yêu có khi là không gian, thời gian, rộng, rộng đến vô cùng, lớn, lớn đến mênh mông “Cuộc đời tuy dài thế/ Năm tháng vẫn đi qua/ Như biển kia dẫu rộng/ Mây vẫn bay về xa”. Nhưng chỉ có tình yêu làm ta nhận ra từ thiên nhiên sóng gió đến mãi mãi muôn thuở con người khi có tình yêu “Sóng bắt đầu từ gió/ Gió bắt đầu từ đâu/ Em cũng không biết nữa/ Khi nào ta yêu nhau”.
Vẫn là sóng và em. “Tình yêu và khát vọng” thành một cấu trúc quyện chặt, cặp kề, chặt chẽ nhịp điệu tâm hồn, yêu bằng một lời tự bạch tha thiết như là một chân lý tình yêu. Chân lý tình yêu bắt nguồn từ một tâm hồn, từ một tâm sự của nhà thơ Xuân Quỳnh nồng nàn mà chung thủy “Làm sao được tan ra/ Thành trăm con sóng nhỏ/ Giữa biển lớn tình yêu/ Để ngàn năm còn vỗ”.
Trúc Chi
Bình luận (0)