Với mong muốn tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh tiếp cận phương pháp học tiên tiến, hứng khởi trong từng giờ học, Trường THPT Lương Thế Vinh (TPHCM) là trường công lập đầu tiên ở Việt Nam trang bị phần mềm 3D ở 5 môn học (lý, hóa, địa, sinh, công nghệ).
Trò và thầy đều thích thú
Cùng với học sinh lớp 12A2, chúng tôi được trang bị kính 3D để tham gia giờ học môn sinh ở phòng học 3D đầu tiên này. Cảm giác như đang ngồi trong rạp chiếu phim. Tất cả học sinh đều bị cuốn hút vào những hình ảnh sinh động, màu sắc ấn tượng trên bảng tương tác thông minh.
Khác biệt với hình ảnh minh họa trong sách giáo khoa cứng nhắc, công nghệ 3D đã đưa học sinh chạm đến sự gần gũi của đời sống thực tế và thế giới xung quanh.
Học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh, quận 1 trong giờ học môn Sinh trong phòng 3D. Ảnh: Mai Hải
Học về cấu tạo của virus HIV, học sinh được thẩm thấu bằng hình ảnh phóng to rõ nét, sống động đến hoàn hảo. Không những thế, virus HIV còn được so sánh với các loại virus khác gây tác hại đối với sức khỏe con người như thế nào để giúp học sinh có kiến thức phòng chống bệnh tật, giữ gìn sức khỏe. Xung quanh bài học cần tránh về bệnh xơ vữa động mạch, học sinh cũng thích thú khi nhìn thấy trái tim rõ từng chi tiết khi nó được tách từng lớp từ ngang đến dọc, từ trước ra sau. Thật dễ hiểu và dễ nhớ.
Hành trình khám phá hệ mạch máu còn hấp dẫn hơn khi các em bắt gặp hình ảnh tế bào máu chuyển động ngay trước mặt mình – cảm nhận có thể nắm bắt được… Cứ thế, những tư liệu bài học trong phần mềm 3D như dẫn dắt học sinh vào hành trình khám phá cuộc sống và thế giới sinh động quanh ta để trang bị thêm kiến thức bổ ích: học để biết hành và làm người. Nó thoát khỏi những giờ học lý thuyết khô khan, những bài giảng thiếu thực tiễn minh họa nặng nề tính hàn lâm.
Sau tiết học môn sinh học, nữ sinh Trương Huỳnh Thủy Tiên bộc bạch: “Em đã học tại phòng 3D lần thứ ba và cảm thấy rất thích thú. Mỗi giờ học là một giờ khám phá những điều thú vị. Những hình ảnh phóng to, sinh động từ phần mềm 3D đã giúp chúng em hiểu bài học sâu hơn, kiến thức thực tế giúp chúng em nhớ lâu hơn”.
Tương tự, nhiều học sinh ở các khối lớp khác khi học các môn học khác như địa lý, vật lý, hóa học, công nghệ ở lớp học 3D đều có cảm nhận chung rất hào hứng và thích thú bởi phương pháp giảng dạy mới lạ này. Đúng như nhận định của giáo viên, không một học cụ nào có thể so sánh với phần mềm sinh động, hình ảnh minh họa bắt mắt như thật của công nghệ 3D. Nó không chỉ cuốn hút trò trong từng tiết học mà còn tạo cảm hứng cho giáo viên khi đứng trên bục giảng.
Điển hình như môn địa lý vốn khô khan nhưng khi được học ở phòng 3D thì nhiều kiến thức khó hình dung, khó tưởng tượng được hóa giải nhẹ nhàng bằng hình ảnh minh họa sinh động nhất.
Tâm huyết với việc đưa công nghệ 3D vào trường học, thầy Kim Vĩnh Phúc, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, cho biết: “Công nghệ mới này thực sự tương tác giữa thầy và trò mà còn giữa trò với trò. Sự hứng khởi, thích học và tiếp thu tốt bài giảng của học sinh đã chứng minh sự thành công của phương pháp dạy và học tiên tiến này. Nó không chỉ tác động tích cực đến học sinh như tạo hứng khởi đam mê học tập, tìm tòi, sáng tạo nhiều hơn mà còn buộc giáo viên phải chủ động đổi mới cách làm việc, rèn kỹ năng sử dụng phương pháp mới để bài giảng sinh động hơn. Từ sự đam mê học, học sinh sẽ đổi mới cách học, cách tư duy để lĩnh hội nhiều kiến thức hơn, biết ứng dụng thực tế tốt hơn.
Dám nghĩ dám làm
Tuy nhiên, để phòng học 3D trở thành hiện thực ở một ngôi trường công lập không dễ và nhà trường phải phấn đấu từng chặng một. Đột phá đổi mới trang thiết bị dạy học bắt đầu từ việc trang bị phòng học Multimedia và đến năm học 2008 – 2009, được sự ủng hộ nhiệt tình của hội phụ huynh học sinh, nhà trường tiên phong đầu tư bảng tương tác.
Đến nay, toàn trường có 9 bảng tương tác, trong đó có 3 bảng thường (công nghệ 2D) và 6 bảng công nghệ 3D. Từ nền tảng này, nhà trường nghiên cứu và mạnh dạn đầu tư thêm công nghệ 3D vào mục tiêu đổi mới phương pháp giảng dạy theo yêu cầu đổi mới giáo dục. Tổng kinh phí đầu tư cho một lớp học 3D là 400 triệu đồng, trong đó bảng tương tác: 200 triệu đồng và phần mềm + kính: 200 triệu đồng. Trong khoản kinh phí này, phụ huynh đóng góp 50% và Quỹ phát triển sự nghiệp của trường 50%.
Tuy nhiên, với tổng số 62 lớp học và trên 3.000 học sinh THCS, THPT thì lớp học 3D đầu tiên chưa thể đón nhận tất cả học sinh vào học. Vì thế, trong năm học 2013 – 2014, nhà trường sẽ cố gắng đầu tư thêm 2 phòng học 3D nữa để mọi học sinh đều được tiếp cận phương pháp dạy học tiên tiến này.
Từ thực tế đi nước ngoài, thấy học sinh ở các nước tiên tiến có điều kiện học và hành lý tưởng – học sinh được tiếp cận với trang thiết bị, công nghệ giáo dục hiện đại, thầy Kim Vĩnh Phúc luôn trăn trở và tìm cách đổi mới cho ngôi trường của mình. Dám làm, dám chịu trách nhiệm và làm bằng tâm huyết, 9 năm làm hiệu trưởng, thầy Phúc đã mang đến cho học trò của mình niềm vui đến trường, cơ hội được tiếp cận với phương pháp, điều kiện học tập tiên tiến. Để học sinh có điều kiện học tiếng Anh và tin học tốt hơn, năm 2002 – 2009, thầy hiệu trưởng quyết định vay vốn từ nguồn tiền kết dư của quận 1 để đầu tư nâng cấp thêm 2 phòng Multimedia với tổng số tiền 2,4 tỷ đồng và mua phần mềm nước ngoài cài đặt vào đây.
Tính đến nay, trường đã có 4 phòng Multimedia và 5 phòng vi tính với tổng cộng 500 máy vi tính. Một tài sản đáng nể về trang thiết bị học đường mà nhiều trường đang mơ. Không muốn tạo “ốc đảo” riêng cho học sinh thuộc gia đình khá giả học ở những phòng học VIP – có bảng thông minh, phòng Multimedia, lớp học 3D nhà trường có cách làm riêng như nêu trên và tạo cơ hội thụ hưởng bình đẳng cho tất cả học sinh của trường. Vào đầu cấp học, mỗi học sinh chỉ đóng 200.000 đồng cơ sở vật chất như nhau nhưng các em đều được thụ hưởng điều kiện học tập như nhau. Đó là 3 tiết học Anh văn và 2 tiết tin học/tuần.
Tuy mới tròn 9 tuổi nhưng Trường THPT Lương Thế Vinh đã khẳng định hướng đi đúng và từng bước tạo sự đột phá trong đổi mới giáo dục. Ước muốn của ban giám hiệu là tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh có đủ hành trang kiến thức, tự tin hội nhập với thế giới. Để giúp các em chạm đến đích, nhà trường đã nỗ lực hết mình, dám nghĩ dám làm.
Khánh Bình (SGGP)
Bình luận (0)