Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Tôi đi hái trái say rừng

Tạp Chí Giáo Dục

Để có được những trái say, người hái say phải chịu biết bao khổ cực

Với những người dân thành thị, trái say đã trở thành món “ruột”. Nhìn thứ quả đen tuyền được bày bán gọn gàng trên các sạp hàng, ít ai biết rằng để có được nó, những người hái say đã phải vất vả như thế nào.
Nghề nhiều gian lao
Tờ mờ sáng, trời Gia Lai giá lạnh. Cái lạnh không cắt da cắt thịt nhưng cũng đủ làm cho tôi chỉ muốn ngủ “vùi”. Vậy mà chính vào thời điểm đó, những người hái trái say đã thức dậy, chuẩn bị cho một chuyến lên rừng. Theo chân anh Hòa (một người hái say) ra cây xăng đầu huyện, chúng tôi đã thấy từng đoàn người đứng đợi sẵn. Anh Hòa cho biết, sáng nào người hái say cũng tập trung ở đây rồi tỏa ra đi khắp các lâm trường thuộc hai xã Sơn Lang, Sơ Pai (huyện k’bang, Gia Lai). Nghe tôi xuýt xoa vì phải dậy sớm khi đang ngon giấc giữa chừng, một người trong đoàn ái ngại “Cô không quen thì đừng đi. Đường lên núi xa và lạnh lắm đấy!”. Và quả thật, có theo chân họ lên núi, mới thấm thía được nỗi gian nan của người đi hái say. Vượt qua chặng đường hơn 30km gập ghềnh, có đoạn chúng tôi phải lội bộ vì đường bùn lầy sau cơn mưa và dấu vết của các loại xe tải hạng nặng. Hành trang của họ khá đơn giản là những bao tải, rựa cùng nắm cơm. Anh Hòa giải thích “Đây chỉ là những thứ mang thêm thôi. Chứ thật ra tất cả đã được để sẵn trên kia rồi. Làm nghề này phải chầu chực suốt ngày ở rừng. Thành thử, để chuẩn bị cho một mùa hái say, chúng tôi phải dựng lều, “khuân” sẵn các thứ từ đầu mùa”.
Say là một loại cây thuộc dạng lớn trong rừng, thường cao từ 30-40m. Người ta có thể mang sào dài, đập cho trái rụng xuống rồi lượm vào bao. Nhưng đó là cách mất nhiều thời gian và công sức mà hiệu quả lại chẳng được bao nhiêu. Vì vậy, cách được nhiều người dân nơi đây lựa chọn vẫn là… leo cây, chặt hết cành xuống để những người cùng đoàn với mình thu hoạch “trọn gói”. Một đoạn dây thừng dài và chắc chắn, một móc liêm, thế là đủ để thành “người vượn”. Với những cây không thể leo trực tiếp, họ thường chọn những cây xung quanh rồi tìm cách tiếp cận dần đến “đối tượng”. “Làm nghề này vất vả lắm. Riêng việc ra vào rừng thôi cũng đủ mệt nhoài. Tìm được say đã khó, trèo lên nó lại càng khó hơn. Bị trượt ngã gãy chân tay, chấn thương sọ não là chuyện năm nào cũng có. Con trai tôi năm ngoái cũng vì trèo cây mà ngã gãy xương đùi. Đến giờ nó đi lại còn rất khó khăn…”, anh Hòa ngậm ngùi.
Do thu hoạch bằng cách chặt cành nên những cây bị chặt năm trước không đủ sức để cho trái ngọt vào vụ sau. Vì thế, để có được thứ trái “ăn chơi” đó, nhiều người phải vào tận rừng sâu mới mong “còn đất”. Mùa say chín rộ nhất thường vào giữa tháng 7 đến đầu tháng 9 âm lịch. Nhưng ngay từ lúc trái say còn non đã có biết bao người tranh nhau chiếm giữ từng gốc cây, từng thước rừng. 
Chỉ vì cơm áo…
Chuyện tai nạn, rủi ro trên rừng năm nào cũng có. Người hái say dù lường trước được hiểm nguy, vất vả nhưng vì miếng cơm manh áo, họ vẫn phải làm công việc hái “lộc” của rừng. “Hồi trước, khi rừng say còn nguyên sơ và chưa có nhiều người khai thác, mùa nào nhà tôi cũng kiếm được gần chục triệu đồng, đủ tiêu pha trong vòng mấy tháng. Nhưng mấy năm trở lại đây, say khan hiếm. Có ngày cả đoàn 5, 6 người đi ròng rã mà thu về chỉ được hơn chục kí”, chị Lan, vợ anh Hòa cho biết. Theo lời chị kể, gia đình chị vào lập nghiệp tại vùng đất Gia Lai này đã gần mười năm, cũng chừng ấy năm gắn liền với trái say rừng. Số tiền kiếm được vào mỗi vụ say còn để lo cho ba đứa con đang “tuổi ăn tuổi lớn” học hành. Không riêng gì gia đình chị, những người theo nghiệp hái say đều coi đây là nguồn lợi để nuôi sống gia đình. Một năm, ngoài nương rẫy, người dân nơi đây không có thêm nguồn thu nhập nào khác. Trung bình một ngày, mỗi đoàn (khoảng 5-6 người) thu hoạch được 25-30 kg say. Mỗi kg say chín hái về được tính với giá 25.000đ, nhưng vào cuối vụ, giá một ký say có thể lên tới gần 100.000đ. “Biết là nguy hiểm, nhưng nếu không đi thì không đành lòng. Một mùa say nếu chăm chỉ có thể bằng mấy mùa cặm cụi trồng bắp trên nương, lại có tiền mặt để mua sắm thêm quần áo, sách vở cho con vào năm học mới”, chị Lannang, hàng xóm của chị Lan cho biết. Nhà chị Lannang cũng có tới sáu miệng ăn, ba đứa con và một mẹ già. Chồng chị còn làm thêm công việc phụ hồ ngoài thị xã. Và đều đặn cứ đầu tháng 7 âm lịch, anh lại về nhà chuẩn bị cho hành trình mùa say chín. Trái say sau khi qua tay các thương lái thu gom sẽ được đem tới người tiêu dùng trên cả nước. Sương chiều giăng giăng khắp cả sườn núi, cánh rừng say cũng bắt đầu chìm dần vào bóng đêm cũng là lúc những người hái say lục tục trở về. Rồi khi “bỏ rừng xuống phố” những trái say đã mang theo bao nỗi niềm của người lên núi.
Tường Vy
Trong những năm gần đây, lại xuất hiện thêm “luật rừng say” của ít nhiều “băng anh chị”. Với những vùng đã bị “xí phần” từ trước, những đoàn người nhỏ lẻ không được bén mảng tới. “Động đến chúng nó, không thiệt thân thì cũng thiệt mạng. Năm ngoái, có người lỡ chặt trộm say của một tay giang hồ, hôm sau đã chẳng còn tay để chặt tiếp. Ham thì ham thật, nhưng chúng tôi không dám liều, còn phải giữ sinh mạng để lo cho gia đình chứ”, anh Hưng bộc bạch.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)