Khác hẳn những chuyến xe khác, hành khách trên xe không háo hức, chẳng nói, cười. Đó là chuyến xe chở khách về vùng tâm bão thật nặng nề, chậm chạp với tiếng khóc thút thít, đôi lúc gào thét to và nước mắt giàn giụa.
1. Chuyến xe đò chất lượng cao chở gần 50 hành khách khởi hành từ TP.HCM về thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Số hành khách trên xe phần lớn là người Phú Yên, địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong cơn bão số 11. Có người về quê để chịu tang cha, mẹ, anh, em… sau nhiều ngày tìm thấy xác hoặc hay tin trễ (do người nhà không cho biết). Có người về quê để chia sẻ một phần gánh nặng mà người thân của mình đang gánh chịu sau bão. 21 giờ, xe dừng lại ở Long Khánh cho hành khách ăn tối. Không ai xuống xe, người khóc, kẻ nằm vật vờ chẳng thiết tha đến chuyện cơm nước. Thấy vậy, bác tài nói: “Cô bác phải kiếm cái gì đó ăn lót dạ mới có sức về đến nhà mà lo hậu sự”. Thấy chẳng ăn thua, bác tài “lệnh” cho anh phụ xe mang bánh ngọt (thứ bánh nhà xe phát miễn phí mỗi khi khách lên xe). Cuối xe, tiếng một cụ già nói vọng lên: “Thứ này coi vậy mà dễ nuốt”.
Cơn bão số 11 gây ngập lụt nặng tỉnh Phú Yên, Bình Định. Ảnh: Anh RIN
Ngồi bên cạnh tôi là một phụ nữ tên Cao Thị Hoa. Chị Hoa là người miền Tây thứ thiệt, lên thành phố lập nghiệp và gặp anh Lê Ngọc Chiến (huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên). Đây là lần thứ hai chị Hoa về quê chồng. Lần đầu là vào ngày chị về ra mắt gia đình chồng. Hay tin mẹ và em trai bị nước lũ cuốn trôi, anh Chiến tức tốc về quê, chị phải ở lại thu xếp gửi con về ngoại rồi về sau. Chị Hoa sụt sùi kể: “Mẹ chồng tôi gần 80 tuổi, nhà có cục đường, củ khoai là gói lại gửi vào cho con dâu và cháu nội, tiền gửi còn mắc gấp mấy lần giá trị của nó. Đứa em trai của ảnh (anh Chiến – PV) chăn bò trên rẫy, trời mưa to quá không thấy về nên mẹ mới đi tìm, không may bị nước lũ cuốn trôi, mấy ngày sau mới tìm thấy xác mẹ và em”.
2. Chuyện đám tang tập thể, đi đâu cũng gặp đám tang và người xấu số không có chỗ chôn cất đàng hoàng hơn 10 ngày nay tôi chỉ nghe qua người thân, qua điện thoại và báo chí. 4 giờ 30 sáng, chiếc xe trung chuyển đưa khách vừa dừng trước cửa một nhà sát quốc lộ đang có đám tang. Trước nhà có vài người ngồi, nằm mệt mỏi bên chiếc quan tài chưa đậy nắp. Một hành khách nam trẻ tuổi bước xuống xe chạy vội đến chiếc quan tài, giở tấm khăn để nhìn mặt người thân lần cuối. Một người, rồi hầu hết hành khách trên xe cũng vội vàng xuống thắp nén nhang cho người đã khuất. Tôi đang ở nơi diễn ra trận thảm sát Ngân Sơn – Chí Thạnh, huyện Tuy An cách đây vài chục năm. Người ở đây có câu: “Xoài Đá Trắng, sắn Phường Lụa”. Xoài Đá Trắng (ở chùa Đá Trắng, thôn Cần Lương, xã An Dân) trái nhỏ, thơm giòn. Sắn Phường Lụa (thôn Ngân Sơn, thị trấn Chí Thạnh) rất bùi khó quên một thời là thức ăn chính thay cơm của người dân nghèo khó. Chùa Đá Trắng nằm trên núi cao, là nơi đón nhận xác người Phường Lụa vì không có nơi chôn cất người bị nạn trong đợt lũ vừa qua.
Mặc dù nước lũ đã rút nhưng có nhiều địa phương ở hai huyện Tuy An và Đồng Xuân vẫn còn bị cô lập vì đường sá, cầu cống hư hỏng hoàn toàn. Tôi may mắn được anh xe thồ cho quá giang qua đoạn đường gập ghềnh để về đến đầu làng. Làng quê xơ xác, hàng chục căn nhà trong khu có thể nói sầm uất nhất xã nay chỉ là những túp lều tạm bợ, thu nhỏ lại một góc.
3. Sinh ra, lớn lên ở mảnh đất này, luôn theo dõi làng quê thay da đổi thịt từng ngày, tôi không thể tin vào mắt mình khi nơi đây chỉ còn sót lại đống đổ nát hoang tàn. Giờ đây, trước mặt tôi điều đó là sự thật. Qua những ánh đèn dầu còn leo lắt, trong mỗi căn nhà trống huơ trống hoác, không còn tài sản gì ngoài những chiếc bàn thờ mới toanh, khói hương nghi ngút lan tỏa khắp cả góc làng. Chân tôi như quỵ xuống nặng nề, chẳng buồn bước. 5 giờ 30, mặt trời ló dạng. Chuyến đò đầu tiên trong ngày đưa 5 người khách sang sông Cửa Tả. Chuyến trở lại chỉ có mình tôi nên tôi ngại bước lên, sợ mất công người đưa đò. Như hiểu được suy nghĩ của tôi, anh lái đò nói thật như đùa, nghe buốt tâm can: “Bên này sông người chết nhiều hơn người sống, người còn sống cũng đổ bệnh vì đau đớn, còn ai đâu mà đi đò”.
Trên đường về nhà, tôi bắt gặp nhiều hoàn cảnh đáng thương. Đó là một phụ nữ tiều tụy, mắt lõm sâu đứng bên đường đợi chồng, con “trở về”. Người không còn tỉnh táo, gặp ai đi ngang qua cũng gọi tên người thân, nói những câu vô nghĩa rồi ngất lịm đi. Đó là tình cảnh của chị Nguyễn Thị Cảnh có chồng và hai con trai đã mất trong đêm 3-10 nay chưa tìm thấy xác. Ông Nguyễn Văn Khương, Trưởng công an xã An Dân, huyện Tuy An cho biết: “Cái khổ nhất của nhiều gia đình bị nạn là những lao động chính, trụ cột trong gia đình đã mất, phần lớn chỉ còn lại người già và trẻ em. Với nghĩa cử lá lành đùm lá rách, chúng tôi vận động bà con chia sẻ cái ăn, cái mặc tạm thời rồi chờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp”.
Bão đã qua, lũ đã cạn, mặt trời đã mọc nhưng ngày mới chưa biết sẽ bắt đầu như thế nào khi nỗi đau còn đó.
Trần Tuy An
Bình luận (0)