Một gia đình có 4 người con mà cả 4 đều đi dạy là một chuyện hiếm. Chuyện hiếm hơn, cả 4 người lại đều là giáo viên THCS dạy môn tiếng Anh. Đó là câu chuyện lạ nhưng có thật của gia đình thầy giáo Nguyễn Đức Nghiêm – giáo viên Trường THCS Nguyễn Huệ, Q.4, TP.HCM – một hậu duệ của 2 đời trước đó cũng theo nghiệp giáo.
Thầy Nghiêm cùng với các em học sinh Trường THCS Nguyễn Huệ 2, Q.4
Bỏ ngang để vào sư phạm
Là con gái đầu lòng nhưng Nguyễn Thùy Trang – chị của Nghiêm – lại thừa hưởng gen di truyền giỏi toán của bố. Thế nhưng ngay từ nhỏ Trang lại sớm làm quen tiếng Anh bởi có mẹ rèn cặp từ khi cô bé biết đến trường đi học. Thấy con thầy giáo học giỏi nhiều người tấm tắc khen, đúng là “giỏ nhà ai, quai nhà nấy”. Hình ảnh người bố là một thầy giáo dạy THCS như đã in sâu vào ký ức của Trang nên học xong lớp 12 cô quyết định thi vào Trường CĐSP TP.HCM (nay là Đại học Sài Gòn) để thực hiện ước mơ cũng như lời khuyên của bố mẹ khi chọn nghề. Ba năm sau Nguyễn Thùy Trang đã chững chạc hơn trong tà áo dài để trở thành một giáo viên trẻ đứng trên bục giảng Trường THCS Võ Trường Toản, Q.1. Hình ảnh người chị cả là một cô giáo dạy ngoại ngữ dịu dàng, chăm chỉ lại một lần nữa in đậm dấu ấn vào từng ánh mắt của những đứa em thơ nên từ đó cô trở thành người mở lối để cho cậu em trai và hai cô em gái là Nguyễn Thùy Minh Châu và Nguyễn Thùy Trâm chọn tiếp Khoa Tiếng Anh Trường CĐSP TP.HCM theo học. Thế nhưng chuyện đi theo nghề giáo của Nghiêm lại hơi đặc biệt một chút. Nghiêm kể: “Năm 1989 sau khi học xong chương trình phổ thông ở Trường THPT Ten-lơ-man tôi thi vào CĐ Kỹ thuật Cao Thắng học lớp trung cấp ô tô. Bạn bè cứ tưởng như vậy là yên vị rồi ai ngờ năm sau tôi âm thầm ôn thi tiếp và trúng tuyển vào Khoa Tiếng Anh Trường CĐSP TP.HCM. Vậy là tôi bỏ ngang để đi học sư phạm làm cho mọi người ai cũng ngạc nhiên”. Nghiêm còn nhớ lại “chi tiết” hồi đang học Trường CĐ Cao Thắng, một thầy giáo không hiểu sao đưa ra lời quả quyết: “Nhìn cậu có tướng thầy hơn tướng thợ”. Mỗi lúc nghĩ lại Nghiêm thấy không ngờ lời thầy nói đúng. Nhưng quyết định đó lại làm cho bố mẹ vui lòng và chị Trang hoàn toàn ủng hộ. Ngôi trường CĐSP TP không chỉ là nơi truyền thụ tri thức cho giáo sinh Nghiêm vững vàng đứng trên bục giảng mà đó còn là nơi anh tìm thấy hạnh phúc cho riêng mình khi có một tình yêu đẹp với cô bạn cùng lớp ở năm cuối. Vài năm sau khi cuộc sống tạm ổn họ chung tay cùng nhau xây một tổ ấm. “Như có sự đưa đẩy của cuộc đời, gia đình bên vợ có 9 người con thì đã có 6 người làm nhà giáo” – Nghiêm bộc bạch trong niềm tự hào.
… Ông nội của Nghiêm là một thầy giáo Nho học thông làu tiếng Anh và tiếng Pháp. Từ một giáo làng ở Xuân Bảng (Hưng Yên) ông thoát ly đi làm cho sở Pháp. Nhưng hạnh phúc không được trọn vẹn khi người vợ bạo bệnh mất sớm, ông phải chịu cảnh “gà trống nuôi con”. Đến năm 1945, ông dắt mấy đứa con vào tận đất Sài Gòn sinh cơ lập nghiệp. Chiến tranh làm cho gia đình ly tán, người anh cả sống ở Hà Nội (mới 9 tuổi) từ đó biệt tin cha và đàn em. Được học hành đến nơi đến chốn, cha của Nghiêm – ông Nguyễn Dư Cường – lớn lên quyết đi theo nghiệp ông nội nên đã vào học Trường Sư phạm Vĩnh Long và sau đó dạy và làm hiệu trưởng nhiều trường trung học ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Tấm lòng người dạy chữ
Như một sự nối kết bền vững trong gia đình, sau ngày thống nhất anh em ở hai miền gặp mới hay mấy anh em dù kẻ ở ngoài Hà Nội hay người tận trong Sài Gòn đều theo nghiệp “giáo làng” của bố. Cũng tưởng như sau ngày thống nhất anh em phải xa cách vì kẻ chân trời người góc bể. Số là ngay trong sáng 30-4-1975 Lãnh sự Mỹ đã cho xe xuống chở gia đình ông Cường đi ra bến tàu (vì ông làm ở Bộ Giáo dục) để ra nước ngoài thế nhưng ông đã quyết định ở lại. Có lẽ tình cảm quê hương và hình ảnh những ngôi trường đã quá gắn bó với nửa cuộc đời làm thầy giáo nên ông không muốn xa rời tất cả. Ông chờ đợi ngày tiếp tục trở lại nghề dạy học ngay trên quận 4 mà gia đình đã lập nghiệp được 12 năm. Và Trường THCS Khánh Hội A (Q.4) là tổ ấm đầu tiên đã đón nhận thầy giáo Nguyễn Dư Cường về đây dạy toán. Cũng như tập vở của học trò, cuộc đời ông đã lật sang trang mới. Đối với Nghiêm tuy hồi nhỏ không học Trường Khánh Hội A nhưng con đường từ nhà đến trường lại quá đỗi thân quen vì anh đã gắn bó từ những ngày lẽo đẽo theo bố đi dạy. Nhắc đến kỷ niệm xưa, Nghiêm vẫn nhớ những lần vào trường được các anh chị học sinh cưng nựng, lâu lâu có người cho một cục kẹo, chiếc bánh cứ cố bóc ra ăn tại trận cho đã thèm. Rồi đám học trò bắt chước Nghiêm cứ vui miệng kêu thầy của mình bằng bố với sự tinh nghịch và thân thiện. Kỷ niệm khó quên nhất là có năm Nghiêm theo bố vào trường nhận quà Tết trong đêm 30. Các thầy mổ heo chia thịt mãi đến nửa đêm mới xong. Khi hai cha con xách mấy ký thịt về đến tận nhà thì cũng là lúc trong xóm thức dậy đón giao thừa.
Nhiều năm đi dạy Nghiêm nghiệm ra được một điều, thầy giáo dạy ngoại ngữ phải có phẩm chất tự tin, phát âm chuẩn, đặc biệt là kiến thức rộng để cho học sinh hiểu sâu hơn những tri thức còn gói gọn trong SGK. Người thầy phải “biết mười mà dạy một” giúp các em “học một để biết mười”. Cũng giống như các GV khác trong quận 4, Nghiêm vừa dạy chữ vừa tìm cách tiếp sức các em đến trường nhất là những gia đình có hoàn cảnh. Năm nay lớp chủ nhiệm của thầy Nghiêm có 20 em thuộc diện xóa đói giảm nghèo, một tỷ lệ không nhỏ chút nào. Các thầy coi đó không chỉ là trách nhiệm của cha mẹ mà còn là tấm lòng của những thầy cô. Không chỉ cho tập vở, giấy bút các thầy còn cho nước uống, cơm ăn, áo quần để mặc. Bằng mọi cách đừng để các em thất học, bỏ rơi con chữ trong sóng gió cuộc đời.
Về những người thân trong nhà, người mà Nghiêm dành tình cảm sâu nặng nhất là mẹ của mình. Anh vẫn tự hỏi bốn chị em giỏi tiếng Anh từ nhỏ không nhờ công mẹ thì công của ai? Tuy mẹ không là cô giáo ở trường nhưng lại là cô giáo ở nhà, dạy cho con đủ điều trước khi bước vào đời. Thế nhưng khi con cái chưa kịp trưởng thành thì bà đã ra đi. Nghiêm không thể nào quên được năm 1993, chiều thi tốt nghiệp ra trường thì 10 giờ sáng mẹ mất. Những con chữ trong bài làm của anh như cứ nhòe đi vì những giọt nước mắt của tình mẫu tử. Ba năm trước đó khi gia đình trắng vành khăn tang và nghi ngút hương khói vì ông nội mất thì Nghiêm cũng phải đến trường làm bài thi tốt nghiệp tú tài. Nỗi đau và hạnh phúc ngày hôm qua anh đều nếm trải và như thế mới có được những gì trên bục giảng của ngày hôm nay.
Hương Thủy
Bình luận (0)