Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Chị Ba đưa cơm”

Tạp Chí Giáo Dục

Chị Lan (trái) đang đưa cơm cho học trò xã đảo tại Trường THPT Cần Thạnh

Đã 6 năm nay, ngày nào chị Lê Thị Hoàng Lan cũng theo chuyến đò từ xã đảo Thạnh An vào Cần Thạnh (Cần Giờ) để mang cơm cho các em học sinh (HS) đang nội trú ở đây. Với nghĩa cử mang đậm tính nhân văn đó, chị vừa được UBND TP.HCM tuyên dương về “Gương người tốt việc tốt” năm 2010.
Con đường gian nan
Gần 12 giờ trưa, sân Trường THPT Cần Thạnh vắng lặng, thoáng thấy dáng người phụ nữ mang giỏ cơm đi vào, nhiều HS đang nghỉ tại phòng reo lên: “Cô Ba mang cơm đến rồi!”. Chị Lê Thị Hoàng Lan tâm sự: “Việc đưa cơm từ đảo qua đất liền cho HS xã đảo đến với tôi một cách tình cờ. Đầu năm 2004, khi con trai thứ 3 của tôi vào học lớp 10 tại Trường THPT Cần Thạnh. Nhà nghèo, không có tiền cho con ăn tại trường, nên hàng ngày, tôi phải tranh thủ công việc để đến 10 giờ là có thể xin nhờ đò vào đất liền, rồi đạp xe đưa cơm trưa đến trường cho con. Nhiều bữa đò đông, họ không cho đi ké, thằng nhỏ ở bên trường phải nhịn đói đợi tới 2 giờ chiều mới có cơm ăn, nghĩ mà tội”. (HS từ xã đảo Thạnh An qua Trường THPT Cần Thạnh đều ở lại đến chiều, có em đến cuối tuần mới về – PV). Cứ thế, suốt 3 năm con theo học bên đất liền, chị Lan ngày nào cũng mang cơm sang cho con. Dần dần, nhiều người trên đảo biết nên nhờ chị mang cơm giùm cho con mình. Người gửi bịch canh, người gửi ít trái cây. Khi số lượng gia đình gửi cơm từ đảo ra cho con ngày một nhiều, bỗng dưng chứng đau khớp trở nặng nên chị Lan không thể đạp xe mà phải thuê xe ôm chở cơm tới trường cho HS. Để phụ giúp chị Lan tiền qua đò, tiền thuê xe, mỗi gia đình có con theo học bên đất liền đã tự nguyện góp mỗi người từ 1.500-2.000 đồng/ 1 lần đưa cơm qua đất liền. Và thế là việc đưa cơm gắn với chị suốt 6 năm nay. Chị chia sẻ: “Những năm đầu tiên, việc đưa cơm cho HS bên đất liền chỉ là giúp đỡ chòm xóm. Sau này đông người gửi quá, không thể kham nổi nên tôi phải thuê xe. Tùy vào hoàn cảnh mà mỗi gia đình phụ giúp tôi một ít tiền để làm chi phí đi lại đưa cơm cho tụi nhỏ. Hiện nay, bình quân mỗi ngày tôi đưa khoảng 45-50 bịch cơm. Nhưng cũng có lúc một chuyến vượt biển vào đất liền chỉ có 5-6 bịch cơm, nhất là thời điểm cuối tuần. Rồi có nhiều gia đình khó khăn không có tiền, tính ra tôi phải bù tiền đò, tiền xe ôm, nhưng vì tụi nhỏ nên tôi vẫn đều đặn qua bên Cần Thạnh mỗi ngày”.
Hạnh phúc với tên gọi “chị Ba đưa cơm”
Nhờ những gói cơm được “chị Ba” mang từ đảo qua, biết bao thế hệ học trò xã đảo Thạnh An trong suốt 6 năm qua đã tốt nghiệp ra trường. Ngồi ôn lại kỉ niệm, chị Lan xúc động: “Những ngày đầu đưa cơm đối với tôi thật sự rất khó khăn. Nhiều hôm mang hai giỏ cơm xuống bến đò rồi mà không biết kiếm đâu ra 8.000 đồng để đi đò vào đất liền. Chạy vay khắp xóm không ai có tiền, cuối cùng tôi phải xuống đò xin đi thiếu qua bên đó. Cũng may mấy anh chủ đò thương, biết mình không qua đò được thì các em bên kia đất liền sẽ bị đói, thế là họ cho đi. Qua đến nơi, tôi phải đạp xe mấy cây số mới tới được trường. Cực như thế, nhưng khi thấy tụi nhỏ vui mừng hò reo, chạy lại ôm chầm lấy mình mà nói: “Con thương cô Ba” (HS thì gọi bằng “cô Ba” – PV) thì bao nhiêu mệt nhọc tan biến hết. Có hôm vội quá tôi để sót mất bịch cơm của một em lớp 10, thế là phải “huy động” cơm của mấy em khác sang cho em này”.
Gia đình chị Lan hiện còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Tiền sinh hoạt trong gia đình chủ yếu nhờ vào việc đi lưới và đánh bắt gần bờ. Có những hôm biển động, không đánh bắt được cá, cả gia đình phải vay mượn tiền hàng xóm để mua gạo, đóng tiền học cho con. Vậy mà trong 6 năm qua, chưa một ngày nào công việc đưa cơm cho HS bên đất liền của chị Lan bị gián đoạn. Chị Lan chia sẻ với chúng tôi, điều khiến chị hạnh phúc nhất chính là được nhìn thấy những đứa trẻ trên đảo ăn học thành tài.
Bài, ảnh: Thái Khuê
Có hôm chị bệnh, việc đưa cơm phải do cô con gái làm thay. Những ngày đầu đưa cơm cho HS bên đất liền chị không lấy tiền. Nhiều người bảo chị khùng, tự dưng đi làm việc không công, chị chỉ cười: “Giúp được ai mình giúp, tụi nhỏ cũng như con của mình, không đưa cơm qua đó, tụi nó bỏ học thì sao?”.

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)