Cô Nguyễn Thị Thu Thủy (giữa) (ảnh do nhân vật cung cấp) |
Niềm đam mê khám phá và tâm huyết với vấn đề biến đổi khí hậu đã thôi thúc 4 người phụ nữ “liễu yếu đào tơ” dám đương đầu với sự khắc nghiệt của châu lục buốt giá, họ quyết định đi thám hiểm Nam Cực (NC). Các chị đã leo núi tuyết, lao mình xuống làn nước biển lạnh buốt âm 100C, đào hang trú ẩn trên băng…
Chuyện kể của bốn người
Chuyến thám hiểm đến NC không phải là những chuyến đi chơi thuần túy mà phải tuân thủ nghiêm ngặt những định hướng và luật của Hiệp hội bảo vệ NC. Du khách không được lên bờ ở nhiều địa danh, luôn phải giữ khoảng cách 5m đối với các “cư dân” chim cánh cụt, hải cẩu, không được mang bất cứ vật gì có thể để lại rác lên NC… Chị Nguyễn Phương Anh, Giám đốc một công ty chứng khoán tại TP.HCM, thành viên đoàn thám hiểm cho biết: “Dù phải bỏ tiền ra để “tài trợ” cho mình nhưng quả thật chuyến đi rất tuyệt!”. Hành trình này được chính nhà thám hiểm và bảo vệ môi trường Robert Swan dẫn đường, để đánh dấu 50 năm ký kết Hiệp ước NC – một hiệp ước quốc tế cam kết gìn giữ châu lục này khỏi các hoạt động khai thác và quân sự. Nữ phóng viên trẻ Nguyễn Lan Anh cho biết: “Khi về Việt Nam, chúng tôi nghĩ mình nên trực tiếp tham gia vào hoạt động bảo vệ môi trường. Chúng tôi sẽ thực hiện chứ không phải khẩu hiệu suông”. Cả nhóm công bố những chương trình hành động vì môi trường trong năm 2010, trong đó bao gồm lập website thông tin về môi trường hoặc nói chuyện với giới trẻ… Lan Anh cho biết thêm: “Trong suốt thời gian ở NC vừa qua, mọi thông tin liên lạc tại NC như gửi email hay gọi điện thoại chỉ thực hiện được khi vệ tinh bay qua, khoảng 8 đến 9 tiếng/ngày. Có những lúc, cuộc trò chuyện buộc phải dang dở vì bị ngắt liên lạc do vệ tinh xuống”. Chị Hoàng Thị Minh Hồng, người có thâm niên trong thám hiểm NC chia sẻ những cảm xúc khi được trở lại châu lục này: “NC vẫn đẹp như trong ký ức của tôi suốt 12 năm qua. Chỉ có điều lần này chúng tôi nhận ra, có rất nhiều tảng băng lớn trôi trên biển. Gần 90% các sông băng ở bán đảo NC đang bị thu hẹp, mỏng đi và tan rã do trái đất nóng lên. Nếu ai đó có cơ hội được nhìn một vùng đất hoang dã, đẹp đến kinh ngạc như vậy, chắc họ cũng muốn giữ cho những phần khác của trái đất này được nguyên vẹn như thế”.
Chuyến phiêu lưu trong mơ
Trong chuyến hành trình đó, họ – những người phụ nữ “chân yếu tay mềm” đã có những lúc phải nhảy thẳng xuống biển với nhiệt độ âm 100C. Lúc mặc đồ tắm đứng trên tàu chuẩn bị nhảy đã rét run cầm cập, môi tím bầm, thậm chí họ đã chạy ngược trở lại, không nghĩ mình sẽ làm được. Đặc biệt khi thấy mặt nước vẫn còn đóng băng nhưng vẫn còn có một thôi thúc bên trong, rằng mình phải nhảy. Khi xuống nước rồi thì hoàn toàn tê dại, không còn cảm giác gì cả nhưng khi được kéo lên tàu thì một cảm giác sung sướng chợt vỡ òa vì mình đã vượt qua chính mình, đã làm được việc mà họ nghĩ là không thể. Chị Nguyễn Thị Thu Thủy – Giám đốc điều hành Trường Quốc tế Úc – Sài Gòn chia sẻ: “Chúng tôi được uống ngay một cốc rượu mạnh và đi tắm nước nóng, phải một lúc sau, da tôi mới có cảm giác trở lại. Tôi đã hỏi những người khác và họ bảo rằng khi ở dưới nước trong đầu nhiều người đã nghĩ: “Ôi giời ơi, tôi đang làm gì thế này? Sao lại có thể làm chuyện liều mạng, điên cuồng như thế này?”… Vượt qua những lúc “căng thẳng” đó là một cảm xúc hạnh phúc và thỏa mãn”.
“Tôi đã có chuyến đầu tiên thám hiểm NC cách đây hơn 10 năm, khi đó tôi còn quá trẻ, chỉ mới 24 tuổi, đến NC với tâm lý của một người hoàn toàn không biết gì (thông tin về NC lúc đó rất ít, Internet còn chưa phổ biến) háo hức khám phá một cái gì quá xa xôi, lạ lẫm. Lần đầu tiên trong đời được thấy quá nhiều băng tuyết, được thấy những núi băng trên đại dương xanh thẳm…”. Đó là tâm sự của chị Minh Hồng, người phụ nữ Việt Nam duy nhất đến bây giờ đã có hai lần thám hiểm NC thành công.
Điều mà những người phụ nữ dũng cảm này mong muốn là tất cả mọi người dân Việt Nam vẫn còn xa lạ với vấn đề bảo vệ môi trường. Nhưng không phải là không thể thay đổi. Tất cả đều do thói quen và nếp nghĩ đơn giản trong việc bảo vệ môi trường. Nếu mọi người tập làm quen với việc trân trọng bảo vệ môi trường từ thuở nhỏ thì sẽ rất khác. Vấn đề là cả xã hội phải chung tay, góp sức bảo vệ môi trường. Trong đó, công tác giáo dục, truyền thông và đặc biệt phải đưa bảo vệ môi trường vào luật, áp dụng thật nghiêm như việc đội mũ bảo hiểm thì hoàn toàn có thể thay đổi được hành vi và nhận thức của mọi người.
Lê Quang huy
Chị Hồng tâm sự: “Khi còn trẻ, đi làm cho công ty nước ngoài, kiếm được nhiều tiền cứ nghĩ là mình đã thành công. Sau chuyến đi tôi mới biết thực ra mình chẳng biết gì, chẳng hề có trách nhiệm gì với cuộc sống. Trở về sau chuyến đi, tôi thấy cuộc sống của mình thật tầm thường, đáng chán, tôi muốn cuộc đời có ý nghĩa hơn nên đã xin nghỉ việc ở công ty cũ và làm cho tổ chức môi trường thế giới WWF suốt nhiều năm qua. Và cũng từ đó mà tôi trở thành một “con dở hơi”, “cực đoan” trong mắt nhiều người khi không chịu ăn thịt thú rừng, luôn nhắc mọi người phải tắt điện, quạt, máy lạnh… và không ngừng “thuyết giảng” về môi trường khi có dịp”. |
Bình luận (0)