Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nhà sáng chế… học lớp 5

Tạp Chí Giáo Dục

Anh Thăng bên chiếc máy hút bùn

Công đoạn lấy bùn, nâng cao mặt nền, tạo mặt phẳng… là một trong những công đoạn “khó khăn” nhất của người dân trong quá trình cải tạo ruộng muối. Đây là công việc vô cùng nặng nhọc, đòi hỏi tốn nhiều công sức, tiền của… có khi phải mất cả năm trời mới “cải tạo” một thửa ruộng. Hai năm nay bà con ở xã Long Sơn (TP. Vũng Tàu) phấn khởi vì công việc “nặng nhọc” trên đã có chiếc máy thay thế! Đó là chiếc máy hút bùn do anh Nguyễn Huy Thăng, thôn 5, xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu sáng chế.
Ý tưởng từ chiếc máy hút cát
Ông Mai Văn Quý (Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Long Sơn) cho biết để làm ra hạt muối phải trải qua rất nhiều công đoạn như hút bùn, làm phẳng, phơi khô, ngâm nước… nhưng công đoạn cực nhất vẫn là hút bùn, nâng cao mặt nền, tạo mặt phẳng… công việc này chủ yếu dùng sức người, rất cực nhọc, làm cả năm trời, tốn cả trăm triệu chưa chắc đã có thửa ruộng muối ưng ý. Nếu không có một số vốn nhất định thì việc cải tạo ruộng muối của người dân sẽ rất khó hoàn thành. Ngày trước bà con có sử dụng máy bơm bùn Trung Quốc để bơm bùn ruộng muối nhưng không hiệu quả, do điều kiện và vị trí địa lí không phù hợp “máy nổ nhưng không chạy được”(PV). Trăn trở trước sự vất vả cực nhọc của bà con cũng như chính mình, anh Nguyễn Huy Thăng đã lặn lội đi nhiều nơi để học hỏi cách chế tạo một chiếc máy hút bùn. Có khi phải xuống tận An Giang, Cần Thơ, Cà Mau… để tìm hiểu. Và từ ý tưởng của chiếc máy hút cát ở tỉnh An Giang, sau thời gian “mày mò”, tìm hiểu nguyên lý hoạt động của máy anh Thăng đã cải tiến thành chiếc máy hút bùn vào ruộng muối và đã thành công. Chỉ tay về chiếc máy hút bùn đang hoạt động, anh Cái Văn Tài, thôn 1, xã Long Sơn nói như khoe. “Ngày trước khi chưa có chiếc máy hút bùn loại này, công việc làm muối của chúng tôi vô cùng khó khăn. Mỗi ngày với lực lượng nhân công từ 15-20 người cố gắng lắm cũng chỉ cải tạo được khoảng 1m3 bùn, để cải tạo được 1ha ruộng muối ít nhất phải mất 3-5 tháng. Nhưng với chiếc máy hút bùn do anh Thăng chế tạo ra, một ngày ít nhất cũng hút được khoảng 70m3, nhiều nhất là 300m3 bùn vào ruộng muối và chỉ mất thời gian từ 5-7 ngày”.
Hiệu quả kinh tế cao hơn
Ông Mai Văn Quý, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Sơn cho biết, trước đây việc làm muối của người dân bằng phương pháp thủ công rất khó khăn, đặc biệt về vốn. Mỗi ha ruộng muối người dân phải bỏ cả trăm triệu đồng để thuê nhân công nhưng chưa chắc đã thành công. Trong khi đó, với nguồn nước ô nhiễm như hiện nay, việc nuôi trồng thủy sản gặp nhiều khó khăn nhiều người dân muốn cải tạo ruộng dùng nuôi thủy sản thành ruộng muối nhưng cũng đành từ bỏ ý định vì không đủ vốn và nhân lực. Ngày nay với chiếc máy hút bùn của anh Thăng thì việc cải tạo ruộng muối của người dân đã dễ dàng hơn nhiều. Mỗi ha muối người dân chỉ cần bỏ ra từ 20-40 triệu đồng đã có thể cải tạo được một thửa ruộng muối ưng ý. Hàng năm người dân có thể tiết kiệm được vài chục triệu đồng. Khi hỏi anh thời gian và tiền bạc ở đâu ra để anh nghiên cứu chiếc máy này? anh hồn nhiên trả lời: “Có gì đâu, người vùng biển chúng tôi “ăn sóng, nói gió” nhưng được cái rất đoàn kết để tương trợ nhau khi khó khăn. Từ khi có ý tưởng này, nhóm bạn thân mỗi người cho mượn một ít, được một khoản tôi bắt đầu đi tìm hiểu và mua thiết bị về lắp ráp. Sau hết tiền lại đi vay tiếp, được cái ai cũng sẵn sàng cho vay. Khi đã thành công, bà con ai cũng mừng còn đến kéo đi ăn mừng. Thật sự đây là một động lực rất lớn để tôi tiếp tục công việc nghiên cứu và sáng chế những công cụ khác phục vụ cho bà con”. Ông Mai Văn Quý, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết hiện nay trên địa bàn toàn xã có khoảng 9-10 chiếc máy hút bùn. Nhưng chiếc máy hút bùn của anh Thăng vẫn hoạt động hiệu quả hơn cả. Ngay cả trong những điều kiện thời tiết không thuận lợi, các máy khác không hoạt động được nhưng máy anh Thăng vẫn chạy tốt.
Anh Thăng vẫn tiếp tục “hoàn thiện” thêm các chức năng để máy hoạt động hiệu quả hơn như điều chỉnh tốc độ quay của dao, điều chỉnh ống hút lên xuống, sang trái, sang phải…, để phù hợp với các điều kiện thổ nhưỡng khác nhau. Tất cả các công đoạn này đều được thực hiện bằng hệ thống “cáp thông qua hộp số”. Anh Thăng cho biết thêm, hiện tại anh đang nghiên cứu đóng một chiếc ghe đẩy để phục vụ cho việc di chuyển máy trên sông. Bởi điều kiện hoạt động của máy chủ yếu ở trên sông, rạch…
Thời gian gần đây, giá muối trên thị trường tăng cao, việc sản xuất muối của người dân đang “ăn nên làm ra”. Trong khi đó do điều kiện nguồn nước bị ô nhiễm, việc nuôi trồng thủy sản kém hiệu quả, nhiều ngư dân muốn chuyển sang nghề làm muối. Với chiếc máy hút bùn dạng này, đây là một điều kiện vô cùng thuận lợi để bà con chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Điều mà trước đây nhiều người cho rằng chỉ có ở “trong mơ”.
Bài và ảnh: Giang – Huy

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)