Nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa chúc mừng nhà giáo Hồ Thị Sự |
Trong buổi lễ thượng thọ 80 tuổi cho nhà giáo Hồ Thị Sự, các vị khách đến dự đa phần mái đầu đã bạc trắng, có cháu nội cháu ngoại đi cùng. Ngoài bạn bè, đồng nghiệp họ còn là những nhóm cựu học sinh của Trường Quốc Việt, Trường Chu Mạnh Trinh và Trường cấp 1, 2 Cao Bá Quát, Q. Phú Nhuận, TP.HCM đã từng được cô giáo Sự dạy dỗ nên người.
1. Lễ mừng thượng thọ 80 tuổi của cô Hồ Thị Sự là buổi lễ hết sức đặc biệt. Dù người đứng ra tổ chức chính là GS.TS Hồ Đức Hùng – trưởng nam của cô nhưng hầu như các “công đoạn” còn lại đều do đồng nghiệp và nhóm cựu học sinh các trường mà cô giáo Sự trước đây từng công tác. Nhóm thì đặt khánh vàng, nhóm thì lo may áo dài cho cô để mặc trong ngày lễ, nhóm phụ trách khâu chụp hình, quay phim để cho gia đình làm kỷ niệm. Cô nói với học trò: “Thôi các bạn làm làm chi cho thêm rình rang, đến dự lễ để gặp nhau thăm hỏi là được rồi”. Nhưng các học trò của cô giáo Sự thì không chịu, họ muốn bày tỏ hết tấm lòng tri ân đối với người đã từng dìu dắt mình từ những ngày thơ ấu dù bây giờ thời gian đã đi qua hơn một nửa thế kỷ. Đặc biệt hơn nữa là những học trò của cô bây giờ cũng đã ngoài 60 cả rồi. Thầy trò cùng một màu tóc, đã nhiều nếp nhăn trên mặt, con cháu đề huề nhưng tình cảm thì vẫn tươi mới như xưa. Trước mặt con cháu, họ vẫn cung kính thưa dạ với cô, cứ thấy mình như còn thơ bé hồi nào. Mỗi lần gặp được cô Sự ai cũng thấy như được trở lại học một lần nữa với ngôi trường một thời yêu dấu của mình. Bài giảng của cô giáo Pháp văn tự thuở nào đến nay vẫn còn văng vẳng bên tai họ. Làm sao họ quên được dáng đi, lời nói của một cô giáo từ vùng kháng chiến vào nội đô dạy học để làm cách mạng. Lớp học trò đó càng cảm phục hơn khi biết cô giáo của mình từ năm 16 tuổi đã từng thoát ly gia đình để ra chiến khu hoạt động. Bài hát Hành khúc trường Quốc Việt mà cô trò cùng cất giọng ngày nào đến nay họ vẫn thuộc từng câu từng chữ. Mỗi lần gặp lại, tiếng hát đó như đưa mọi người về với những kỷ niệm thân yêu thời đi học, sống lại những phút giây ban đầu của tuổi hoa niên. Không chỉ dạy chữ, cô Sự còn tổ chức các trò chơi, dạy múa hát cho các em trong những đêm hội trại, những buổi hướng đạo sinh, đưa các em đến với những giá trị cao đẹp nhất của điều thiện…
2. Dù năm tháng trôi qua nhưng hình ảnh của một cô giáo có dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, quyết đoán vẫn lưu giữ mãi trong lòng nhiều thế hệ học sinh của Trường Quốc Việt và Chu Mạnh Trinh. Còn đồng nghiệp thì nhớ cô không chỉ là một giáo viên tận tụy mà còn là một cán bộ đoàn thể hoạt động rất hăng hái. Tuy nhiên, do yêu cầu công tác nên ít ai biết rằng cô giáo Sự nguyên là nữ cán bộ Hoàng Mai (bí danh của cô) thuộc Phòng Mật mã của UBND kháng chiến Nam bộ. Ít người biết chồng cô đã ra Bắc tập kết để cô ở lại một mình vất vả nuôi hai con. Họ đâu nghĩ rằng cô ở lại là do tổ chức phân công để vào nội thành móc nối cơ sở tiếp tục hoạt động, trả thù cho ba và 2 người chú đã hy sinh vì cách mạng. Khi tham gia vào Nghiệp đoàn GD tư thục, cô là người tích cực nhất trong phong trào đấu tranh yêu nước của nhân sĩ trí thức Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn. Cho đến bây giờ cô vẫn không quên được không khí của những ngày hoạt động của một thời tuổi trẻ. Cô nhớ những lần cùng anh em trong nghiệp đoàn tụ tập nhau lại, giăng biểu ngữ xuống đường mít tinh đòi yêu sách với chế độ Mỹ Diệm, bài trừ văn hóa lai căng đồi trụy, đảm bảo quyền dân sinh dân chủ cho con người. Cô vẫn không quên những lúc vận động giáo giới quyên góp lương thực, thuốc men, nước uống cho thanh niên, công nhân trong các cuộc lãn công, đốt xe Mỹ. Trong vỏ bọc là một cô giáo dạy trường tư thục phải sống trong lòng địch nên cô thường bị chúng theo dõi từng bước đi và ngay cả khi đứng lớp nhưng bằng trí thông minh và lòng gan dạ nhiều lần cô đã khôn khéo qua mặt chúng. “Trước hết mình phải dạy thật tốt cho các em học sinh hiểu bài vì đó là trách nhiệm của một nhà giáo. Cũng nhờ sự tin yêu của mọi người và cả phụ huynh học sinh đã bao bọc và tìm cách che chở cho mình. Có lúc tưởng như bị lộ nhưng nhờ sự tin tưởng, tín nhiệm của hiệu trưởng, chủ trường mà tôi đã thoát nạn” – cô bộc bạch.Dù phải đối mặt với lắm chông gai nhiều nguy hiểm nhưng cô thấy tuổi trẻ và cuộc đời nhà giáo lúc đó thật có ý nghĩa. Dù không trực tiếp cầm súng nhưng những thầy cô giáo như cô cũng đã thầm lặng góp phần làm nên chiến công to lớn cho phong trào đấu tranh hòa bình của nhân dân miền Nam dưới ách kìm kẹp của đế quốc Mỹ.
3. Sau giải phóng trong thời gian cô giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường cấp 1, 2 Cao Bá Quát (Phú Nhuận) thì cậu con trai Hồ Đức Hùng cũng tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế TP.HCM và được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy. Nhà giáo Hồ Đức Hùng không chỉ là người nối tiếp truyền thống dạy học trong gia đình mà còn là niềm tự hào lớn lao của cô giáo Sự. Đúng như cô nói không dè thằng Hùng học giỏi vậy, sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ, thầy giáo Hồ Đức Hùng được cử làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế phát triển của Trường Đại học Kinh tế TP.HCM. Thầy giáo Hùng cũng đã có công rất lớn trong việc đào tạo các thế hệ sinh viên và giám đốc kinh doanh cho nhiều công ty, doanh nghiệp. Là giảng viên thỉnh giảng của Trường Đại học Toulouse 1 (Pháp), GS.TS Hùng thường được mời tham gia giảng dạy và hội thảo khoa học tại nhiều nước trên thế giới như Nhật, Thụy Sĩ, Mỹ… Chính nhờ những chuyến đi như vậy mà thỉnh thoảng thầy Hùng gặp được cậu con trai lớn đang làm luận án thạc sĩ tại Mỹ. Bây giờ cô đã già tuổi cao sức yếu, con cháu là chỗ dựa vững chãi trong phần đời còn lại của cô. Cô thương cậu con trai lắm, trong gia tài của mình cô cất rất kỹ những tờ báo có ảnh của GS. Hùng phát biểu trước hội thảo, giấy mời của GS. Phạm Minh Hạc ra Thủ đô nhận bằng tiến sĩ, tấm hình thầy giáo người Việt Nam chụp ở xứ sở hoa anh đào hay bên tháp Épphen. Nhưng đối với GS.TS Hùng thì chính cô lại là chỗ dựa vững chắc nhất trong bước đường học tập, phấn đấu và thành đạt của ông từ khi bắt đầu biết cất tiếng gọi mẹ. Dù không nói ra nhưng ai cũng biết, người mẹ dáng gầy gò cả một đời chìm trong gian lao vất vả là người mà ông yêu quý nhất trên đời.
Hương Thủy
Bình luận (0)