Chị Hồng đón con về nhà sau buổi học |
Nằm biệt lập với quốc lộ bởi một con rạch và hơn 4 km đường bộ, Rạch Rắn (xã Phong Phú – Bình Chánh – TP.HCM) được xem như một “bãi đầm lầy” nằm ở phía Tây thành phố. Và bao nhiêu năm qua, cư dân ở đây phải sống trong cảnh giao thông khó khăn, thiếu nước ngọt… Nhưng hằng ngày họ vẫn bám rạch nuôi con ăn học.
Khu đầm lầy biệt lập
Từ trung tâm TP.HCM, mất hơn 1 tiếng đồng hồ chạy xe máy, chúng tôi cũng đến được quốc lộ 50, đi về hướng xã Phong Phú, huyện Bình Chánh – nơi có 158 hộ gia đình của khu đầm lầy đang sinh sống mà người dân địa phương thường gọi nơi đây là Gò Rạch Rắn. Sau đó, chúng tôi phải vượt thêm hơn 2km đường trơn trượt sình lầy rồi lên xuồng chèo qua rạch mới đến được với xóm. Thế nhưng khi vừa bước lên xuồng thì chị giữ xe ở bến đò gọi giật lại: “Mấy chú muốn qua xóm Gò thì đợi sáng mai, chứ giờ này qua một lát nước xuống không chèo xuồng về được đâu”. Vậy là chúng tôi đành phải chờ sáng hôm sau mới quay lại xóm.
Xóm “Rạch Rắn” là tên gọi của người dân địa phương, còn trên bản đồ hành chính đây chỉ là một khu đầm lầy với 158 hộ gia đình sinh sống thuộc 3 tổ (tổ 16, 17, 18) của ấp 1, xã Phong Phú. Những ngôi nhà ở khu đầm này thường giống nhau ở chỗ đều nằm sát rạch nước, xa xa là rừng đước và cây bồn bồn. Người dân ở đây chủ yếu làm nghề đánh bắt cá ở rạch, nuôi vịt và đặc biệt là trồng bồn bồn. Chúng tôi ghé vào nhà anh Lê Tứ Hải ở gần cuối con đường, khi anh đang hì hục vác từng bó bồn bồn ở dưới vũng nước lên bờ rồi tước ra để sáng mai đưa ra bến đò cho thương lái. Còn chị vợ thì đang lau những chiếc lu để chuẩn bị đổi nước ngọt đã hết từ chiều hôm qua. Cũng giống như bao người dân ở khu vực này, gia đình anh Hải thu nhập chính bằng nghề đánh bắt cá ở dưới rạch và trồng bồn bồn. Tiền sinh hoạt gia đình, tiền học cho con cứ “xoay” vợ chồng anh quần quật, hiếm có giờ nào được nhàn rỗi. Dù lúc nào cũng “thiếu trước hụt sau” nhưng 3 đứa con của anh vẫn được đến trường đều đặn và học rất giỏi. Nói về sự khó khăn của gia đình, anh cho biết: “Cuộc sống có nghèo nhưng chăm chỉ làm rồi mọi chuyện cũng qua, nhưng cái khó nhất hiện nay ở đây là nước ngọt chưa có, phải đi xa để đổi từng can nước trong khi đường sá rất khó đi lại”. Anh Hải kể tiếp, cứ khoảng 3 ngày thì anh phải ra đến tận bến đò để đổi nước giếng một lần về xài. Gặp hôm nào trời mưa, đường trơn trượt sình lầy, không đạp xe được thì phỉ lội bộ gần 2 km để vác từng can nước về sinh hoạt.
Để vào được nhà anh Tô Văn Coóng (tổ 17) – một trong những hộ lâu đời nhất ở khu đầm này, chúng tôi phải tháo dép đi men theo bờ rạch. Là người sinh sống từ lúc “khai sinh lập địa” nên anh Coóng thấm hết bao nỗi khó khăn của người dân nơi đây. Trước khi có con đường liên tổ, người dân chủ yếu đi lại bằng xuồng, nhà nào không có xuồng thì phải lội bộ dọc bờ kênh ra bến đò. Đó là chưa kể những lúc trời mưa, cả xóm trở thành biển nước “nhấn chìm” toàn bộ, lúc nước rút thì phải lội bộ qua rạch, bùn lún đến tận bụng.
Con chữ nhuộm bùn
Gần 12 giờ trưa, chị Nguyễn Thị Mỹ Hồng chậm rãi đẩy chiếc xe đạp cà tàng, ngồi trên là đứa con nhỏ mới học lớp 1 vượt qua những vũng bùn nhão nhoẹt trở về nhà. Lội theo sau là cậu con trai lớn năm nay vừa bước vào lớp 5 – Trường Tiểu học Phong Phú. Chị Hồng cho biết, để kịp giờ học của con, chị phải thức dậy trước 5 giờ sáng, sửa soạn rồi chở hai đứa ra bến đò. Qua đò rồi tiếp tục chở con đi hết con đường Xương Cá 1 ra đến Trường Phong Phú mới kịp giờ học. Do không đưa xe qua đò được, nên chị phải mua 2 chiếc xe đạp, một chiếc gửi phía bên kia bến đò, chiếc còn lại ở bên này. Tuy nhiên, những lúc trời mưa, đường đầy bùn không đi xe được thì chị phải cõng đứa nhỏ lội bộ đi, còn đứa lớn phải xách dép lội theo và tất nhiên là đến trường thì quần áo lấm lem. Khổ nhất là những hôm nước rút thất thường, không qua đò được, chị đành phải cõng từng đứa một lội qua rạch, bùn lấm đến đầu gối.
5 giờ sáng, em Lê Phước Hân – lớp 7, THCS Thái Bình (con anh Hải) phải thức dậy. Em đi học khi trời còn mờ sáng. Bữa sáng của em là 1.000 đồng mẹ giúi vào tay. Xung quanh nhà em là những ao hồ, kênh rạch, đất sình lầy dưới chân. Con đường đến trường dài ngoằn ngoèo, cũng phải gần 5km. Người lớn đi bộ còn thấy mỏi chân nhưng Phước Hân đã đi bộ gần 5 năm trời. Vừa rồi mẹ em đã sửa lại chiếc xe đạp cũ để em có phương tiện đến trường. Từ khi có chiếc xe đạp, em đỡ vất vả hơn, nhưng cũng phải lội bộ đến bến đò (gửi xe bên bến đò), nhiều hôm quần áo lấm lem, đầy bùn, em phải vào nhà cô chủ gửi xe ở bến đò gột rửa rồi tiếp tục đạp xe đến trường.
Chị chủ gửi xe ở bến đò cho biết, có những lúc nữ học trò đi học về phải lội qua rạch, bùn dính dơ hết bộ đồng phục, còn có em học buổi chiều lội qua bị dơ đồ phải vào nhà chị múc nước gột bùn mới dám đến trường.
Bài, ảnh: Nguyên Hải
Bình luận (0)