Đã hơn 10 ngày trôi qua nhưng hậu quả của bão số 9 vẫn còn nặng nề ở hai xã miền núi Trà Nam và Trà Linh (huyện Nam Trà My, Quảng Nam). Trên gương mặt những học sinh nơi đây vẫn còn ám ảnh về trận lở núi giữa đêm 29-9 đã cướp đi sinh mạng một học sinh cùng toàn bộ tài sản của 24 học sinh bán trú.
Thầy Trần Xuân Quang và cô Huỳnh Thị Thùy Trang – Trường THCS cụm xã Trà Nam, lượm nhặt những gì còn sót sau trận núi lở đè lên dãy nhà bán trú học sinh khiến một em tử vong – Ảnh: Đoàn Cường
|
Dựng lán để học
Sau khi nhà bán trú bị sập, giáo viên của Trường THCS Trà Nam cùng người dân địa phương đã lặn lội vô rừng đốn tre, dựng lán để học sinh bán trú có chỗ ở, tiếp tục đến trường. Dãy lán ở được thi công bằng tre nứa nhưng chỉ che chắn rất sơ sài, giường nằm của các em là những thân cây nứa…
Em Phan Đặng Phú (lớp 7/1) tâm sự: “Buổi tối không có đèn nên tụi em tranh thủ đọc bài lúc trời sáng. Nằm ngủ trên tấm nứa ni buổi tối lạnh lắm, mấy đứa em cứ tụm lại ôm nhau để ngủ cho khỏi rét”.
Tối khi gió rừng ùa về thổi vù vù vào vách lán, thầy Bùi Dũng thở dài: “Trên này càng về khuya trời càng lạnh, học sinh chẳng đủ áo ấm hay chăn màn mà che chắn. Trời mùa đông nơi đây nhiệt độ thấp hơn nơi khác 3-4OC, vậy mà học trò chỉ có một manh áo đi học”.
Không đèn, điện, tối đến 24 học sinh bán trú cấp tiểu học và trung học ở chung lẫn lộn trong dãy lán mới dựng. Nhìn học trò rét run giữa gió rừng lạnh buốt, thầy cô nơi đây người góp tấm chăn, manh áo, cái mùng để giúp các em bớt lạnh hơn.
Em Hồ Văn Lâm (lớp 8/1) cho biết: “Khi đất lở tụi em chỉ biết cắm đầu lao ra khỏi phòng nên không ai kịp mang theo gì cho mình”. Lâm cho biết cặp sách, bút mực lẫn áo quần, nồi niêu… của mình cùng 24 học sinh đều bị vùi lấp. Bộ áo quần mà Lâm cùng nhiều học sinh khác mang trên người đến trường mấy ngày nay là bộ quần áo duy nhất mang theo khi lao ra khỏi dãy phòng bị sạt lở.
Còn Lê Văn Hồ (lớp 8/1) ngậm ngùi kể sau khi thoát được ra khỏi phòng, em nhanh chóng chạy sang phòng 7 và 8 cùng thầy cô cứu các bạn bị kẹt ra. Khi trở về phòng thì mọi tài sản của Hồ cũng bị vùi lấp hết. “Mấy ngày đầu đến trường bằng tay không nghe giảng bài, sau đó các thầy cô đã đóng góp mua sách vở cùng bút mực để dùng” – Hồ kể.
Theo thầy Bùi Dũng, 24 học sinh ở dãy nhà trong cơn lở đất đã quay lại học bình thường, nhưng tư trang đến trường thiếu thốn trăm bề, nhiều học sinh không bị nạn đang chia sẻ cùng các em. Cứ ba đến năm em học chung một bộ sách giáo khoa, tập vở bút mực các em cũng san sẻ với nhau. Nói chung tình cảnh hiện nay của các em là có ít dùng ít, không có đành chịu và đến lớp tay không.
Riêng học sinh tại Trường tiểu học thôn 4 (Trà Linh) vì lớp học bị sập hoàn toàn nên bây giờ phải học ké dãy phòng bên cạnh trong tình cảnh học ghép, đồng thời phải học tăng lên hai ca mỗi ngày. Giáo viên nơi đây cho biết việc dạy và học hai ca sẽ kéo dài vì không biết khi nào trường mới được lợp lại. Dân ở đây nghèo nên khó huy động đóng góp, còn nhà trường cũng không có tiền mua vật liệu.
Đăk Choong gượng dậy
Trong khi đó đã hơn 10 ngày trôi qua, nhưng tỉnh lộ 673 từ ngã ba Đak Man vào xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei (Kontum) vẫn chưa thông tuyến. Giao thông chia cắt, điện sinh hoạt bị mất, nhiều điểm trường bị tốc mái… nhưng thầy trò ở xã vùng núi heo hút Đăk Choong đã gắng gượng vượt lên những đau thương, mất mát để tiếp tục công việc trồng người.
Từ giữa tuần trước, gần 200 học sinh ở bốn khối lớp của Trường THCS Đăk Choong đã trở lại trường đầy đủ. Tất bật với công việc nhưng thầy cô giáo ở đây vẫn chưa nguôi ngoai trước sự ra đi quá đột ngột của thầy Ngô Văn Phú (33 tuổi), hiệu trưởng và cô Y Lan Linh (27 tuổi), giáo viên của trường, vì bị lũ núi cuốn trôi trên đường từ nhà đến trường dự đại hội công nhân viên chức của trường.
“Thầy Phú bị nạn trưa 29-9, hôm sau tìm thấy thi thể nhưng chúng tôi phải nói dối cô Nguyễn Thị Ánh Tuyết, vợ thầy, cũng là giáo viên thể dục của trường, rằng thầy chỉ bị gãy chân, đang được anh em chăm sóc để cô không bị ảnh hưởng tinh thần vì sinh con chưa đầy tháng. Đến ngày 3-10, khi đưa thầy về thị trấn Đăk Glei an táng xong xuôi, chúng tôi mới dám cho cô Tuyết hay. Lúc ấy gia đình đang tổ chức đầy tháng cho con gái đầu lòng của vợ chồng thầy. Nhận được hung tin cô Tuyết ngất đi, vào Bệnh viện huyện Đăk Glei cấp cứu ba ngày mới bình phục. Tình thế bắt buộc phải làm như vậy khiến anh em cứ day dứt mãi trước thảm cảnh của đồng nghiệp…” – thầy Nguyễn Quang Duyên, phó hiệu trưởng Trường THCS Đăk Choong, kể.
Học sinh ở xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei, Kontum vượt khó đến trường sau lũ – Ảnh: T.Đức
|
Hoàn cảnh của cô Y Lan Linh cũng bi đát không kém. Cô mất đi để lại hai con, đứa lớn 9 tuổi, đứa bé mới lên 2 và mẹ già đang bị tai biến liệt nửa người.
Mấy ngày qua Trường THCS Đăk Choong đang khẩn trương dựng lại cổng trường, bảng hiệu, sửa sang những hư hại do bão lũ gây ra. Theo ý nguyện của thầy Phú, nhà trường cũng đang hoàn tất hai phòng nội trú để có thêm nhiều học sinh nghèo ở địa bàn vùng xa có chỗ lưu lại, khỏi phải đi bộ gần 20 cây số tới trường mỗi ngày. Nhà tập thể cho giáo viên ở xa cũng được sửa sang, chuẩn bị đón thêm giáo viên mới về tăng cường.
“Sau sự việc đau lòng, cướp đi sinh mạng của hai đồng nghiệp đáng quý, tụi tôi đã động viên nhau không được mềm yếu, phải quyết tâm bám trường bám lớp, tập trung cao độ vào chuyên môn để kết quả dạy -học không ngừng nâng lên như ý nguyện của người đã khuất” – cô Nguyễn Thị Thùy Phương, giáo viên trẻ quê ở thành phố Kontum vừa tình nguyện về trường giảng dạy từ đầu năm học này, tâm sự.
Cầu treo nối nhịp bờ vui
Hàng trăm học sinh làng Kon Bỉ, Kon Vi Vàng, Kon Lung (xã Đăk Tơ Lung, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kontum), không thể đến trường vì chiếc cầu treo độc nhất nối từ làng qua trường bị lũ dữ cuốn trôi. Ngày 12-10 là ngày thật đặc biệt – ngày trở lại trường của hàng chục trẻ em người dân tộc Sơ Rá ở làng Kon Bỉ.
Hàng trăm người dân làng Kon Bỉ đã làm việc suốt ngày đêm để bắc cây cầu treo (ảnh), chiều 11-10 cây cầu đã hoàn thành. Em Y Thuyên (lớp 2A) nói: “Ngày mai em lại được đến trường đi học rồi, tụi em mừng lắm! Nhiều ngày qua không được đến trường ai cũng nhớ trường, thầy cô và bạn bè lắm!”.
Trần Thảo Nhi
|
HỒ VĂN – ĐOÀN CƯỜNG – TẤN ĐỨC (TTO)
Bình luận (0)