Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Trăm năm trồng người: Bài 20: Cha truyền con nối

Tạp Chí Giáo Dục

Thầy Tuấn (phải) trao đổi với Hiệu trưởng Trường THCS Bình Lợi Trung

Là con nhà nòi nhưng ban đầu Nguyễn Ngọc Tuấn không đi theo nghề dạy học của bố. Thế rồi như một nghiệp chướng, sau ba năm khoác áo sinh viên Trường Đại học Bách khoa TP.HCM anh lại rũ bỏ tất cả để bước chân trở lại Trường CĐSP TP.HCM và trở thành giáo viên dạy hóa của Trường THCS Bình Lợi Trung (Bình Thạnh).
Từ bách khoa qua sư phạm
Năm học 2006-2007, Trường THCS Bình Lợi Trung (Bình Thạnh – TP.HCM) tiếp nhận Nguyễn Ngọc Tuấn – một giáo sinh mới tốt nghiệp Trường CĐSP TP.HCM – về bổ sung vào đội ngũ. Đúng như trong hồ sơ, Tuấn là sinh viên thủ khoa “đầu ra” của Khoa Hóa nhưng không phải là một thầy giáo trẻ vì lúc đó anh đã bước sang tuổi 24 chứ không còn 20, 21 như nhiều giáo sinh khác. Việc chọn nghề giáo – theo Tuấn – dù có trễ nhưng đó như là một nghiệp “gia truyền” mà mình muốn từ bỏ cũng không được. Anh kể: “Sau khi tốt nghiệp tú tài Trường THPT Lê Quý Đôn, tôi trở thành sinh viên Khoa Khai khoáng dầu khí của Trường Đại học Bách khoa TP.HCM. Bạn bè, gia đình ai cũng mừng cả. Lúc bấy giờ được vào học Trường Bách khoa là niềm mơ ước rất lớn của nhiều bạn trong lớp nhưng không phải ai cũng thực hiện được. Học xong năm thứ ba, trong thời gian đi thực tập chuẩn bị ra trường thì tôi phải nghỉ ngang vì sức khỏe yếu”.
Mặc dù là con trai của một thầy giáo nhưng ngay từ đầu Tuấn đã không chọn thi vào Trường Sư phạm để theo nghiệp bố. Vậy mà sau khi từ giã Trường Bách khoa mặc dù có thể tiếp tục vào học một số trường khác nhưng anh đã quyết định làm lại từ đầu bằng nghề gõ đầu trẻ. Cho đến sau này khi đã cầm viên phấn đứng trên bục giảng, anh mới thấy dạy học là nghề đã tự tìm đến với mình như một sự sắp đặt sẵn của số phận “đời cha phải trao lại cho đời con để không bị thất truyền”, Tuấn nói.
Là con trai một trong gia đình có 4 người con nhưng ngay từ nhỏ sức khỏe của “cậu ấm” Tuấn không được tốt lắm dù bố mẹ chăm sóc rất kỹ. Những ngày đầu mới về trường có người ái ngại cho một thầy giáo dáng cao ngòng, ốm nhách nặng chỉ trên 40 ký không biết có trụ nổi với nghề “đưa đò” vất vả với đám học trò hiếu động và nghịch ngợm hay không. Thế nhưng, so với hồi học THPT thì anh thanh niên Tuấn bây giờ đã có da có thịt hơn nhiều. Nhiều thầy giáo Trường Lê Quý Đôn vẫn còn nhớ cậu học trò lớp chuyên sinh Nguyễn Ngọc Tuấn dù sức khỏe “mỏng mảnh” nhưng có lực học rất tốt từng nằm trong đội tuyển Olympic của trường. Đúng như niềm tin của thầy cô và bạn bè, năm 2000 Tuấn bước vào con đường đại học thật dễ dàng. Anh bộc bạch: “Thực ra trước đó tôi đã làm hồ sơ thi vào Học viện Quân y nhưng do sức khỏe loại 4 (loạn và cận thị, thiếu cân) nên ước mơ trở thành bác sĩ quân đội không thực hiện được”. Trúng tuyển vào Đại học Bách khoa tưởng là an bài rồi ai ngờ anh phải rẽ ngang một lần nữa vì “sự cố” sức khỏe. Tuấn kể rằng, ra Vũng Tàu đi thực tập mới được một tuần, ngày đêm sống trên giàn khoan anh bị say sóng liên tục nên phải trở về đất liền bằng máy bay. Cũng từ đó anh từ giã ước mơ làm kỹ sư khai khoáng mà đã đeo đuổi trong suốt 3 năm trời. Nào ngờ nghề giáo tuy không phải là lựa chọn đầu tiên nhưng đã trở thành duyên nghiệp trong gia đình anh dù có muốn từ bỏ cũng không thể nào rứt ra được.
Trở về với môi trường dạy học, Tuấn thấy như trở về chính ngôi nhà thân yêu của mình mà cả một đời bố anh – nhà giáo Nguyễn Ngọc Bồ – từng thủy chung với nó. Những đứa con của ông luôn có quyền tự hào về người cha một thời vào sinh ra tử trong thời kỳ đánh Mỹ khi còn là anh bộ đội đặc công phía tây huyện Bình Chánh. Sau năm 1975 buông tay súng, ông trở thành anh sinh viên mặc áo lính bước vào giảng đường Trường Đại học Sư phạm TP.HCM cùng với nhiều đồng đội khác. Sau bốn năm vật lộn với con chữ và những khó khăn của ngày đầu đất nước mới giải phóng, năm 1980 một lần nữa ông lại mang ba lô về ở Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu thuộc huyện ngoại thành Hóc Môn để diệt giặc dốt. Vài năm sau do hoàn cảnh gia đình, ông xin về dạy ở Trường THPT Phan Đăng Lưu cho gần vợ con và đi về thuận tiện.
Hậu sinh khả úy
 Ngay trong thời gian đi thực tập, giáo sinh Nguyễn Ngọc Tuấn đã bắt đầu “phát tiết ra ngoài” những sở trường đứng lớp của mình khi học nghề và thử việc. Cô Huệ – giáo viên Trường THCS Cầu Kiệu đã quyết định cho Tuấn điểm số cao nhất trong đợt thực tập đó với 9,9. Bước “lấy đà giậm nhảy” đầu tiên để anh bước vào nghề thật thuận lợi và suôn sẻ. Mặc dù trước đó có lần bố Bồ đã đưa ra lời khuyên: “Dạy học là một nghề khó, đòi hỏi phải có năng khiếu thật sự” nhưng anh thấy máu nghề nghiệp của bố hình như từng ngày cứ chảy vào trong tận huyết quản của mình. Khi Ban giám hiệu Trường Bình Lợi Trung chọn Tuấn vào danh sách dự thi giải Chu Văn An của Phòng GD-ĐT quận Bình Thạnh có người thấy đó là quyết định hơi vội và sớm vì tay nghề anh còn quá trẻ chưa có độ chín. Tuy nhiên, sau cuộc thi anh đã làm cho đồng nghiệp bất ngờ vì đã lọt vào vòng trong và không hề thua kém với đàn anh đàn chị trước đó. Kỷ niệm chương của giải như một tấm giấy thông hành để cho thầy giáo Tuấn tự tin hơn cho những cuộc thi sau. Năm nay, vượt qua mấy trăm đối thủ anh đã hoàn thành xuất sắc phần thi lý thuyết đến thực hành từng bước tiến sâu vào giải. Như niềm tin của nhà trường và sự mong đợi của đồng nghiệp, anh đã giành được giải nhì của cuộc thi sau nhiều lần tranh tài quyết liệt.
Không chỉ lao vào chuyên môn, Nguyễn Ngọc Tuấn không bao giờ đứng ngoài cuộc các hoạt động khác của nhà trường như bồi dưỡng phụ đạo học sinh, ươm mầm đội tuyển học sinh giỏi hàng năm. Nhưng niềm say mê nhất của anh là được thiết kế những mô hình, sản phẩm để phục vụ cuộc sống mà liên quan đến nghề nghiệp như thiết kế chương trình an toàn giao thông, chế tạo các sản phẩm hữu ích từ đồ phế thải. Ngoài đề tài hệ thống nước lọc bằng năng lượng mặt trời, anh cùng đám học trò say mê sáng tạo đã chế tạo ra máy nước nóng cũng từ năng lượng mặt trời mà vật liệu chỉ là vài hộp giấy, mấy lon nước ngọt, đoạn ống nhôm… Vậy mà khi “mang chuông đi đánh xứ người” lại chinh phục được ban giam khảo và liên tục giành giải nhất trong mấy năm trở lại đây. Nhiều người cho rằng Tuấn không chỉ có gen di truyền nhà giáo mà còn có cả gen đột biến trong sự tiếp nối truyền thống gia đình. Họ thường khen anh “hậu sinh khả úy” vì những tố chất sư phạm sớm bộc lộ ra ngoài. Nhưng với Tuấn, anh thấy mình may mắn hơn nhiều vì so với trước đây điều kiện bộc lộ tài năng cho giáo viên bây giờ rất thuận lợi. Chặng đường phía trước vẫn còn dài, niềm say mê nghiên cứu và học tập vẫn có một lực hút mãnh liệt cứ vẫy gọi và thôi thúc anh đến với chân trời sáng tạo.
Hương Thủy

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)